Lá đu đủ có nhiều lợi ích tuyệt vời
Quả đu đủ quá quen thuộc với mọi người nhờ nhiều công dụng, tuy nhiên, lá của loại cây này cũng không kém cạnh quả. Vậy công dụng của lá đu đủ như thế nào?
Tốt cho gan: Theo báo Thanh Niên, các hợp chất hoạt động như: flavonoid, alkaloids và enzyme trong lá đu đủ hoạt động như một chất khử độc tự nhiên cho gan. Chúng giúp ngăn ngừa nhiều bệnh về gan do các gốc tự do.
Kháng khuẩn: Tính kháng khuẩn của nước ép đu đủ giúp phục hồi gan nhanh chóng sau sốt rét hoặc sốt xuất huyết, theo Bold Sky.
Có lợi cho thận: Lá đu đủ rất tốt cho thận vì chúng được biết là làm tăng số lượng tiểu cầu trong cơn sốt xuất huyết và cải thiện chức năng của thận.
Chống khối u: Theo thông tin trên Vietnamnet, lá đu đủ cũng đang được nghiên cứu về ảnh hưởng và tác dụng với bệnh lý. Một nghiên cứu trong ống nghiệm với dịch chiết xuất từ lá đu đủ khô cho thấy chúng có tác dụng ức chế tăng trưởng của một số tế bào khối u, điều chỉnh các gene liên quan đến chống khối u.
Sử dụng lá đu đủ thường xuyên có độc không?
Một lượng lớn bất cứ thứ gì đều có hại cho sức khỏe. Theo các phương pháp điều trị bằng thảo dược, lượng rất quan trọng, bởi lẽ sử dụng nhiều thảo dược có thể gây ra những tác dụng phụ nhất định.
Lá đu đủ không độc và rất có lợi cho sức khỏe, đặc biệt là trong điều trị sốt xuất huyết. Tuy nhiên, một số nghiên cứu nói rằng lá đu đủ có chứa một hóa chất gây hại có tên là glycoside cyanogen có thể can thiệp vào các chức năng của cơ thể khi uống một lượng lớn, theo Bold Sky.
Ngoài ra, khi sử dụng lá đu đủ nhiều có thể xảy ra tương tác với một số loại thuốc điều trị bệnh lý đái tháo đường và một số thuốc kháng sinh. Chất papain trong lá đu đủ có nguy cơ gây kích ứng dạ dày, người bị viêm loét dạ dày không nên ăn.
Nếu người khỏe mạnh, bạn có thể ăn lá đu đủ như một món rau nhưng ăn vừa đủ. Không tự ý sử dụng nước ép từ lá đu đủ tự nhiên cho việc điều trị bệnh lý mà không có sự khuyến cáo từ nhân viên y tế.
Gợi ý cách uống lá đu đủ tốt cho sức khỏe
Dùng lá đu đủ làm rau ăn, bạn nên chọn loại nằm trên phần ngọn với màu sắc xanh nhạt, lá tươi mới nhưng không non quá và đồng màu ở mọi phía. Đọt lá cầm chắc tay, cứng cáp, ngọn còn tiết nhựa vì đó là lá non vừa mới hái.
Thông thường lá đu đủ có thể được xử lý theo 2 cách, đó là nước ép và thuốc sắc. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ hoặc thầy thuốc đông y trước khi sử dụng.
Nước ép: Đây là cách tốt nhất và đơn giản nhất để thêm lá đu đủ vào chế độ ăn uống của bạn. Để chuẩn bị nước ép lá, thêm khoảng 5-10 lá đu đủ mềm vào máy xay sinh tố và xay chúng cho đến khi hỗn hợp trở nên mịn.
Sau đó, dùng vải mọng hoặc rây để lọc nước ép đặc vào ly. Bạn có thể trộn cam hoặc bất kỳ loại trái cây ngọt nào vì hương vị của nước ép lá đu đủ vô cùng đắng. Mật ong cũng là một lựa chọn, theo Bold Sky.
Khối lượng khuyến nghị: Trộn khoảng 2 muỗng canh hoặc 5 ml nước ép lá đu đủ với 20 ml nước.
Thuốc sắc: Trà hoặc thuốc sắc làm từ lá đu đủ cũng được sử dụng rộng rãi để điều trị các bệnh khác nhau.
Để chuẩn bị thuốc sắc đu đủ, đun sôi lá đu đủ trong khoảng 2 lít nước cho đến khi màu lá nhạt dần và nước giảm còn một nửa. Sau đó, để nó sôi trong nửa giờ và uống.
Khối lượng khuyến nghị: Khoảng 25-30 ml/ngày.
Nước ép lá đu đủ có thể gây ra tác dụng phụ nhẹ đến trung bình như đau bụng, buồn ngủ nghiêm trọng, buồn nôn, hồi hộp đánh trống ngực không đều (cảm giác tim đập nhanh, đập thình thịch, đập nhanh từng chập hoặc ngưng một nhịp, thường khó chịu, nhưng đó hầu như không phải là dấu hiệu của bệnh tim), kích ứng da và loét trong ống dẫn thức ăn.
Trên đây là những thông tin tham khảo. Nếu bạn muốn sử dụng lá đu đủ, trước hết hãy hỏi ý kiến bác sĩ hoặc thầy thuốc đông y.
Theo nghiên cứu, lá đu đủ chứa 1 lượng nhỏ protein, lipid, carbohydrate, chất xơ, betacaroten, vitamin (B1, B2, B3, B6, B9, C) và chất khoáng (canxi, magie, sắt, phốt pho). Lá cũng chứa một số chất sinh học có tác dụng chống oxy hóa, giảm sốt (flavonoid, comaurin), đề kháng ung thư (cyanogenic glycoside), chống đái tháo đường (quinones).
Trúc Chi (t/h)