Quan Vũ (? - 220), tự Vân Trường, quê ở Vận Thành, tỉnh Sơn Tây, miền bắc của Trung Quốc ngày nay. Ông là một trong những nhân vật lịch sử của Trung Quốc được biết đến nhiều nhất ở khu vực Đông Á, hình tượng của ông đã được tiểu thuyết hóa trong Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung và sau này được khắc họa trong nhiều dạng hình nghệ thuật.
Trong Tam quốc diễn nghĩa Quan Vũ được mô tả có khuôn mặt đỏ như gấc, mắt phượng mày tằm, râu dài hai thước, tay cầm Thanh long yển nguyệt đao cưỡi trên ngựa Xích Thố, dáng vẻ oai phong lẫm liệt, tính tình hào hiệp, trượng nghĩa, sức chiến đấu mạnh mẽ địch vạn người.
Trong lịch sử Trung Quốc, Quan Vũ là danh tướng có tầm ảnh hưởng sâu rộng đối với hậu thế. Các nhà thống trị phong kiến xem ông là biểu tượng "trung dũng thần vũ" và tinh thần "vì nước quên thân".
Trong khi đó, đối với dân gian, Quan Vũ được xem như sự hiện hữu của khái niệm "nghĩa khí vân thiên".
Quan Vũ được liệt đại hoàng đế Trung Quốc truy phong, trong toàn bộ chiều dài lịch sử văn hóa và tôn giáo nước này, ông cũng là nhân vật duy nhất được cả Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo phong làm thần linh.
Chính vì Quan Vũ được tôn là bậc thần nhân nên có rất nhiều truyền thuyết kỳ bí cũng như nhiều giai thoại về cuộc đời ông. Trong phần Quan Vũ truyện của Tam quốc chí có chú thích một đoạn ghi chép của Thục chí, viết: “Vũ mới xuất quân, mơ thấy lợn cắn chân mình, nói với con trai Quan Bình: Ta năm nay già yếu, sợ là đi không trở về!”. Tại sao khi Quan Vũ mơ thấy lợn lại nghĩ đến mình tuổi tác đã cao, một đi không trở về nữa?
Có rất nhiều chú giải liên quan đến chữ nghĩa của đoạn trên, chủ yếu chia làm hai loại. Học giả Lương Chương Cự của thời kỳ Mãn Thanh cho rằng khi đó Quan Vũ đang đánh nhau với quân Tào, nước Ngô phái Lã Mông đánh lén phía sau Quan Vũ, dẫn đến Quan Vũ bị thất bại. Bộ dưới của chữ Mông là thỉ, tức là con lợn, vậy thì Quan Vũ mơ thấy lợn tức là điềm báo Lã Mông tấn công phía sau. Còn một cách giải thích khác cho rằng, lợn là một loại động vật chậm chạp, Quan Vũ bị lợn cắn bị thương ở chân chứng tỏ đi lại không thuận tiện, vì vậy mà nghĩ đến tuổi đã cao.
Điềm báo Lã Mông tấn công ứng nghiệm
Theo Tam quốc chí của Trần Thọ, sau khi Lưu Bị đánh chiếm Tứ Xuyên, Hán Trung rồi lên ngôi vương đã tạo thế chân vạc chia ba thiên hạ. Vùng đất chiến lược Kinh Châu được Lưu Bị giao cho Quan Vũ trấn thủ.
Quan Vũ không ý thức được vai trò quan trọng của mình, nhiều lần đem quân chinh phạt Tào Ngụy ở phương Bắc. Năm 219, nhân khi Quan Vũ tập trung quân lên mạn bắc để đánh Tào Ngụy, lơi lỏng việc phòng thủ, Lã Mông dùng mưu tập kích, chiếm trọn Kinh Châu. Quan Vũ lâm vào thế “lưỡng đầu thọ địch” không biết phải chạy đi đâu.
Quan Vũ và con trai Quan Bình cuối cùng bị quân Đông Ngô vây bắt. Đứng trước Tôn Quyền, Quan Vũ quyết không đầu hàng, không chịu phục tùng và kết quả là cả hai cha con đều bị giết vào đầu năm 220.
Quốc Tiệp (t/h)