Giáo sư Michaek Norton và các cộng sự về khoa học hành vi con người của ĐH Kinh doanh Harvard, Mỹ đã nghiên cứu mối quan hệ tiền và hạnh phúc từ góc độ khoa học.Họ kết luận cách xài tiền cũng quan trọng như việc xài bao nhiêu tiền. Sau đây là bài phỏng vấn đăng trên tạp chí khoa học Mỹ.
* Sự nhầm lẫn lớn nhất của chúng ta về tiền và hạnh phúc là gì?
- Với tiền và hạnh phúc, những người tham gia nghiên cứu đều trả lời họ muốn có nhiều hơn. Nhìn chung, đa số đều tin có nhiều tiền sẽ hạnh phúc hơn. Rõ ràng là nhiều tiền hơn không làm tổn hại hạnh phúc của bạn dù nó cũng không đảm bảo bạn sẽ hạnh phúc hơn.
Những bạn bè, người thân, đồng nghiệp giàu có quanh ta không có vẻ gì là đặc biệt hạnh phúc. Do đó, chúng tôi cho rằng không nên tập trung vào việc kiếm nhiều tiền hơn, mà hãy chú ý để được hạnh phúc nhất với số tiền mình có.
* Ông có thể giải thích rõ hơn về “mua sự trải nghiệm”?
- Phân tích hành vi mua sắm hiện vật như máy tính bảng, điện thoại, sách… của những người tham gia nghiên cứu, chúng tôi thấy rằng vật chất không ảnh hưởng xấu đến hạnh phúc. Mua cà phê, mua nhà, mua xe… không làm chúng ta cảm thấy khổ sở. Nhưng đồ đạc vật chất cũng không giúp chúng ta hạnh phúc hơn.
Hãy so sánh việc mua một chiếc tivi mới và dùng số tiền tương đương cho một kỳ nghỉ dưỡng hoặc ăn tối cùng bạn bè (trải nghiệm). Chiếc tivi có thể là một món đồ đáng giá nhưng ăn tối với bạn bè cho bạn nhiều hạnh phúc hơn. Tăng cường quan hệ xã hội tích cực, một thước đo về sự hạnh phúc của nghiên cứu, cho thấy với cùng một số tiền, mua sự trải nghiệm đem lại nhiều hạnh phúc hơn mua đồ dùng vật chất cụ thể.
* Nhiều người làm ra tiền nhưng lại không có thời gian để tiêu số tiền vất vả kiếm được. Ông đánh giá như thế nào về sự đánh đổi giữa thời gian và tiền bạc?
- Sai lầm lớn nhất mà chúng ta hay mắc phải khi xài tiền là không chi vào thứ cho ta hưởng hạnh phúc lâu dài nhất.
Ví dụ mua một căn nhà đẹp ngay khu trung tâm và tưởng tượng đến tất cả những cuộc vui và sự thuận tiện mình sắp có nhưng ta không nghĩ đến việc bị mắc kẹt trong không gian ồn ào của phố thị, khói bụi, kẹt xe hằng ngày trong suốt phần đời còn lại.
Liệu ngôi nhà có đem lại cho bạn hạnh phúc sau một ngày dài vất vả ở cơ quan và kẹt xe trên đường về? Cho phép tôi nghi ngờ điều đó.
* Việc tặng quà cho nhau thì sao?
- Những nghiên cứu chúng tôi tiến hành ở Mỹ, Canada, các nước Nam Mỹ… chỉ ra một điểm chung là việc tặng quà đem lại hạnh phúc cho người tặng nhiều hơn.
Dùng tiền cho người khác, bạn bè hay ủng hộ từ thiện, người cho cảm thấy hạnh phúc hơn so với việc dùng số tiền đó cho bản thân. Lần tới, khi bạn mua một ly cà phê hay một chiếc bánh, hãy nghĩ đến ai đó và mua thêm một phần.
* Ông có áp dụng kết quả nghiên cứu vào cuộc sống của mình?
- Có một khái niệm gọi là “chi phí cơ hội”, nói đơn giản là khi chúng ta mua món này tức là chúng ta đã bỏ qua cơ hội mua những món khác và đây là đối tượng của khoa học hành vi.
Chúng ta bị ràng buộc bởi tivi màn hình phẳng, nhà lầu, xe hơi… những thứ mà ta tin là sẽ làm ta hạnh phúc và chúng ta tiêu khá nhiều tiền vào việc mua sắm những tiện nghi này.
Trước khi mua sắm, tôi thường tự hỏi “mình có thể làm gì khác với số tiền này? Đây có phải là cách chi tiêu cho mình sự hài lòng nhất”. Nhờ những câu hỏi này, rất nhiều lần tôi đã cất bóp trở lại vào túi.
Theo Thiền quán