Người xưa lại có câu "thời thế tạo anh hùng", cho nên những thời đại nhiều biến cố như Xuân Thu chiến quốc, Hán Sở tranh hùng, Tam Quốc loạn thế đều được đánh giá là giai đoạn sản sinh ra nhiều chiến tướng thiên tài.
Theo xếp hạng của trang KKNews, trong suốt chiều dài lịch sử Trung Quốc, số võ tướng tuy nhiều vô số kể, nhưng mạnh nhất chỉ có thể là Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ.
Hạng Tịch (232 TCN - 202 TCN), biểu tự là Vũ hay, do đó ông được biết đến rộng rãi qua cái tên Hạng Vũ, Hạng Võ hoặc Tây Sở Bá Vương. Ông là một tướng quân nổi tiếng, người có công trong việc lật đổ Nhà Tần và tranh chấp thiên hạ với Hán Cao Tổ (Lưu Bang) đầu thời Nhà Hán. Được mệnh danh là danh tướng bậc nhất trong lịch sử Trung Quốc.
Năm 25 tuổi, ông thống lĩnh quân lính chống nhà Tần. Trong trận tử chiến tại Cự Lộc năm ấy, Hạng Vũ quả thực đã dùng số quân ít ỏi trong tay mình để đánh tan 40 vạn đại quân dưới trướng hai võ tướng bậc nhất Tần triều.
Tây Sở Bá Vương đánh 9 trận thắng cả 9. Ông phá tan quân Tần, cắt đứt đường lương thảo, đánh lui Chương Hàm, bắt sống Vương Ly.
Cuối cùng, ông diệt sạch 20 vạn đại quân thuộc nhánh Vương Ly. Chỉ 8 tháng sau, cánh quân của Chương Hàm cũng bị tiêu diệt hoàn toàn.
Năm ấy, Hạng Vũ vừa tròn 25 tuổi. Sau khi đại thắng, ông triệu tập tướng lĩnh của các nước chư hầu đến họp ở quân doanh, thì các tướng chỉ huy mấy đạo quân đó qùy lết tiến vào, không dám ngẩng đầu lên.
Tất cả ca ngợi Hạng Vũ: “Thần uy của tướng quân thật là từ cổ đến nay chưa từng có. Chúng tôi xin tình nguyện nghe theo sự chỉ huy của tướng quân”. Từ đó về sau, trên thực tế, Hạng Vũ trở thành thủ lĩnh của tất cả các cánh quân đánh Tần. Năm 26 tuổi, ông đã xưng danh Tây Sở Bá Vương, tự mình phân định thiên hạ.
Tuy nhiên, trong cuộc chiến Hán – Sở tranh hùng, cũng là ván cờ quân sự quyết định sự thành bại của Hạng Vũ trước đối thủ Lưu Bang thì ông đã thất bại.
Mặc dù được đánh giá cao hơn hẳn Lưu Bang về tài năng cũng như nhân cách, thế nhưng việc Hạng Vũ đã thất bại dưới tay Hán Cao Tổ Lưu Bang và bỏ mạng bên dòng sông Ô Giang vẫn là một sự thật lịch sử không thể thay đổi. Nhưng sự dũng mãnh và tài năng quân sự xuất chúng của Hạng Vũ vẫn được hậu thế hết lời ca ngợi.
Nhắc tới vị Tây Sở Bá Vương, văn sĩ Lý Vãn Phương thời nhà Thanh đã đưa ra đánh giá: "Vũ chi thần dũng, thiên cổ vô nhị", ca ngợi sự vũ dũng của Hạng Vũ là có một không hai từ cổ chí kim.
Trong Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, Tôn Sách được đánh giá là thiếu niên hào kiệt, mệnh danh Giang Đông Tiểu Bá Vương.
Tôn Sách (175-200), người Phú Dương, gốc Chiết Giang. Ông là con trai trưởng của Tôn Kiên, anh trai Tôn Quyền. Sau khi Tôn Kiên bị giết chết trong một trận đánh với Kinh Châu thứ sử Lưu Biểu lúc đó Tôn Sách mới 16-17 tuổi. Cha mất, đất đai bị chiếm, Tôn Sách cùng em là Tôn Quyền, lúc đó mới 10 tuổi, và các bộ tướng cũ của cha đầu hàng Viên Thuật, người đã sai Lưu Biểu giết cha mình để tiến về vùng Giang Nam nhằm xây dựng cơ sở quyền lực của mình tại đây.
Với sự giúp đỡ của Trương Chiêu và Chu Du, Tôn Sách đã có thể thiết lập nền tảng cho sự ra đời sau này của nhà nước Đông Ngô, mà tại đó em trai của ông là Tôn Quyền cuối cùng đã xưng hoàng đế. Sau khi Tôn Quyền lên ngôi, đã truy phong cho anh trai mình làm Trường Sa Hoàn vương.
La Quán Trung mô tả Tôn Sách là nhân vật anh dũng hơn người, thậm chí không hề thua kém so với Tây Sở Bá vương Hạng Vũ năm xưa. Cũng bởi vậy mà ông còn có biệt hiệu là Tiểu Bá Vương.
Tam quốc chí của sử gia Trần Thọ thời nhà Tây Tấn đánh giá: “Tôn Sách là bậc thiếu niên hào kiệt, dũng mãnh hơn người, mưu lược toàn tài, có chí nhất thống thiên hạ".
Luận về quân sự tài hoa, Tôn Sách có lẽ khó ai bì kịp. Tôn Sách kế nghiệp cha mình khi mới 17 tuổi. Ông đã biết dùng ngọc tỷ để đổi lấy mấy nghìn binh mã của Viên Thuật. Vài năm sau đó Tôn Sách lần lượt chiếm được 6 quận là Hội Khê, Ngô Quận, Đan Dương, Dự Chương, Lỗ Giang, Lô Lăng và Chiêu Lăng… gần như thống nhất vùng Giang Đông, đặt nền móng cho sự phát triển toàn diện của Đông Ngô.
Có thể nói, trong các chư hầu lúc bấy giờ, Tôn Sách là người có tốc độ phát triển nhanh nhất, đồng thời cũng là nhà khởi nghiệp trẻ nhất, khi đó, ông mới chỉ 24 tuổi. Năng lực này so với bất kỳ vị bá chủ nào đều không hề kém cạnh nửa phần.
Nếu Tôn Sách không bị ám sát mà qua đời sớm (khi mới 25 tuổi), lại thêm tứ đại đô đốc dưới trướng, rất có thể thế lực này hoàn toàn có thể thống nhất nam bắc.
Quốc Tiệp (t/h)