Dừng triển khai 13 dự án BOT
Báo cáo về tình hình tai nạn giao thông năm 2018, Thứ trưởng Lê Đình Thọ khẳng định: Thực hiện nhiệm vụ được giao, ngành GTVT đã kịp thời triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Đồng thời, tăng cường các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông trong các đợt cao điểm, các dịp nghỉ lễ, tết. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATGT được triển khai tích cực. Công tác thẩm tra, thẩm định ATGT trước khi đưa công trình vào khai thác được thực hiện chặt chẽ.
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát bảo đảm ATGT đường thủy nội địa được cải thiện, năng lực giám sát an ninh, an toàn hàng không được nâng lên. Đối với công tác quản lý, cảnh giới tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt được tăng cường...
Thứ trưởng Thọ cho rằng, công tác kiểm soát trọng tải xe (KSTTX) tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương duy trì. Công tác phòng, chống ùn tắc giao thông tiếp tục được chú trọng, tuy nhiên, đã xảy ra 107 vụ ùn tắc giao thông kéo dài, tăng 20 vụ ( tăng 23%) so với năm 2017.
Năm 2018, cả nước xảy ra 18.736 vụ TNGT, làm chết 8.248 người, làm bị thương 14.802 người. So với năm 2017, giảm 1.348 vụ (giảm 6,71%), giảm 33 người chết (giảm 0,4%), giảm 2.238 người bị thương (giảm 13,13%).
Cũng tại hội nghị, Thứ trưởng bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, bộ đã hoàn thành toàn bộ các kế hoạch, chương trình của năm 2018, đóng góp vào hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Công tác quản lý chất lượng, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án tiếp tục được triển khai chặt chẽ, quyết liệt. Hoàn thành, đưa vào khai thác 27 dự án, khởi công mới 16 dự án.
Ngoài ra, Bộ đã ban hành Quyết định thay thế Quyết định số 1058/QĐ-BGTVT ngày 22/4/2010 về giao nhiệm vụ và ủy quyền cho ban QLDA trong quản lý đầu tư xây dựng đối với các dự án do bộ GTVT làm chủ đầu tư.
Tiến độ các dự án trọng điểm như: Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cảng hàng không quốc tế (CHKQT) Long Thành, mở rộng CHKQT Tân Sơn Nhất, nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam... được tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, cơ bản bám sát lộ trình, kế hoạch đề ra.
Bộ GTVT đã chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để thúc đẩy giải ngân; tuy nhiên, dự kiến các nguồn vốn giải ngân năm 2018 ước đạt 33.785 tỷ đồng, đạt 92,99% kế hoạch. Trong đó, nguồn vốn ngoài ngân sách Nhà nước sẽ giải ngân đạt 100% kế hoạch, tương đương với số vốn giải ngân là 10.000 tỷ đồng; nguồn vốn NSNN và TPCP dự kiến giải ngân 23.785 tỷ đồng, đạt 90,3% kế hoạch.
Về quyết toán các dự án hoàn thành: Các chủ đầu tư, ban QLDA đã lập, trình quyết toán 39 dự án vốn NSNN với giá trị là 26.812 tỷ đồng, đạt 85% kế hoạch cả năm và 07 dự án BOT. Các cơ quan, đơn vị đã thẩm tra, phê duyệt 82 dự án với giá trị phê duyệt là 54.151 tỷ đồng, đạt 101% kế hoạch của năm. Đối với các dự án BOT, BT, đến nay, Bộ đã chấp thuận quyết toán được 62 dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng.
"Công tác rà soát, xử lý các bất cập tại các dự án BOT tiếp tục được thực hiện theo chủ trương, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ; đã đàm phán, phối hợp các bên liên quan dừng triển khai 13 dự án BOT cải tạo, nâng cấp các tuyến đường hiện hữu. Tích cực triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng", Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định.
Đánh giá về nguyên nhân tình trạng an toàn giao thông có diễn biến phức tạp thời gian qua, Bộ trưởng bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhận định: Có thể nói, vấn đề an toàn giao thông đang diễn biến phức tạp.
Mặc dù, đã có xu hướng giảm dần các vụ tai nạn nhưng lại tăng số vụ nghiêm trọng. Tuy nhiên, đặt trong bối cảnh số phương tiện ngày càng tăng nhanh trong khi cơ sở hạ tầng chưa theo kịp, thì việc kiềm chế được số tai nạn giao thông thời gian vừa qua cũng thể hiện những nỗ lực rất cao của cả hệ thống chính trị.
Trong năm 2018, chúng ta đã không đạt được mục tiêu mà Chính phủ đề ra mà chỉ đạt 2/3 chỉ tiêu. Đó là, số vụ tai nạn giao thông giảm 7,1%, số người bị thương giảm 13% nhưng số người chết mặc dù có giảm nhưng không đạt yêu cầu đề ra là giảm 5% mà chỉ giảm được 0,4%.
Về nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn giao thông, Bộ trưởng Thể cho rằng: “Có nhiều nguyên nhân nhưng rõ ràng đầu tiên phải kể tới là ý thức của một số lái xe hiện nay là chưa tốt”.
“Điều này biểu hiện ở chỗ là nhiều người có bằng cấp đầy đủ nhưng lại không chấp hành các hiệu lệnh. Chẳng hạn như có đèn đỏ thì lại cố tình vượt qua. Hay việc sử dụng rượu bia, ma túy và chất kích thích khác khi điều khiển phương tiện giao thông”, Bộ trưởng Thể nhận định.
Giải quyết “điểm đen” tai nạn đường sắt
Theo Bộ trưởng Thể, những vụ tai nạn nghiêm trọng vừa qua theo đánh giá nguyên nhân có các vấn đề về sức khỏe lái xe. Trong đó, có một số vụ lái xe sử dụng chất kích thích. Ngoài ra, cường độ làm việc quá cao của lái xe dẫn đến mệt mỏi cũng là nguyên nhân dẫn đến những vụ tai nạn.
Trong thời gian tới, bộ Giao thông Vận tải sẽ ban hành một số quy định mới ràng buộc trách nhiệm của chủ phương tiện. Cụ thể là doanh nghiệp kinh doanh vận tải và lái xe theo hướng tăng nặng chế tài, có thể thu bằng vĩnh viễn của những lái xe gây tai nạn nghiêm trọng.
Bộ GTVT cũng nhận thức được hệ thống hạ tầng giao thông của chúng ta còn yếu kém. Cụ thể, việc duy tu sửa chữa hệ thống đường bộ chưa đáp ứng kịp thời dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông.
Với thực trạng trên, bộ GTVT đã chỉ đạo tổng cục Đường bộ Việt Nam xây dựng và sớm ban hành ngay trong Quý I/2019 về Quản lý và duy tu hệ thống đường quốc lộ.
“Chúng tôi sẽ báo cáo Quốc hội, Chính phủ về thực trạng đường bộ và các giải pháp để tăng cường công tác duy tu đường quốc lộ. Theo đó, có vấn đề phải xử lý việc thiếu hụt ngân sách cho việc sửa chữa duy tu đường bộ...”, Bộ trưởng cho hay.
Đánh giá về tình hình tai nạn giao thông đường sắt, Bộ trưởng Thể cho rằng, về an toàn giao thông đường sắt thời gian vừa qua bộ GTVT cũng rất quan tâm. Chúng ta đều thấy rằng hệ thống đường sắt hiện tại đang rất yếu kém.
Một trong những biểu hiện của việc này là vẫn còn 5.719 đường giao cắt giữa đường sắt và đường bộ. Trong đó, còn hơn 1.500 đường giao cắt giữa đường sắt và đường bộ mà xe ô tô có thể đi qua được, số còn lại là mô-tô, xe máy và người đi bộ. Với hệ thống còn dày đặc đường giao cắt, đường sắt là đường chuyên dụng khi hoạt động sẽ được ưu tiên, việc bảo đảm an toàn giao thông đường sắt rất khó khăn.
Để giải quyết thực trạng trên, bộ GTVT chỉ đạo cục Đường sắt Việt Nam nghiên cứu xây dựng đề án an toàn giao thông đường sắt. Trong đó, đưa ra một loạt các giải pháp tập trung giải quyết các điểm giao cắt mà ô tô đi lại được.
Để xử lý các điểm giao cắt này có thể làm cầu vượt, đường tránh hoặc đường gom. Bên cạnh đó, cũng đề nghị chính quyền địa phương thành lập những tổ tự quản, tự nguyện của người dân nơi có đường sắt đi qua để phối hợp cảnh báo an toàn giao thông mỗi khi có tàu đi qua.
Một giải pháp quan trọng khác là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để giám sát chặt chẽ các điểm giao cắt, ngã giao, đặc biệt là những điểm có lưu lượng giao thông qua lại lớn. Còn những ngã giao, điểm giao cắt khác, bộ GTVT sẽ chỉ đạo ngành đường sắt bố trí thêm hệ thống đèn, biển cảnh báo, hệ thống còi và các gác chắn tự động…để tăng cường công tác an toàn giao thông trong lĩnh vực đường sắt trong thời gian tới.
Thế Anh