Cá là thực phẩm đặc biệt tốt cho sức khỏe. Rất nhiều bà nội trợ có thói quen tích trữ cá đông lạnh để tiện cho việc chế biến. Tuy cấp đông có thể giúp bảo quản cá được lâu hơn nhưng nếu không biết rã đông đúng cách, thịt cá có thể bị nát và mất đi các chất dinh dưỡng vốn có.
Dùng muối hạt, gừng, chanh (hoặc giấm) là bí quyết giúp rã đông cá nhanh chóng mà vẫn giữ được hương vị, chất lượng tươi ngon.
Cách làm rất đơn giản. Bạn chỉ cần căn lượng nước đủ ngập cá, thêm 2-3 thìa cà phê muối, vắt thêm 1/2 quả chanh, thêm nhánh gừng đập dập, khuấy đều cho tan.
Cho cá vào nồi hoặc chậu to, đổ ngập hỗn hợp vừa pha. Sau khoảng 30 phút, cá sẽ được rã đông đều mặt, không bị nát vỡ bên ngoài như khi rã đông bằng lò vi sóng. Đặc biệt cá vẫn giữ được sự tươi mới, không bị tanh. Sau đó bạn chỉ cần rửa sạch rồi chế biến như bình thường.
Lưu ý không nên dùng nhiều chanh quá hay ngâm cá quá lâu sẽ làm cá bị bở nát. Nếu không có chanh, bạn có thể dùng giấm thay thế.
Dù mẹo rã đông cá như trên rất hữu ích nhưng cách rã đông tốt nhất đối với thịt, cá nói chung vẫn là dùng phương pháp rã đông chậm (cho thực phẩm từ ngăn đông xuống ngăn mát tủ lạnh). Quá trình này mất khoảng 12 – 24 tiếng tùy kích thước và độ dày của thực phẩm.
Thông thường thì nên để qua đêm trong ngăn mát thức ăn cần dùng cho ngày hôm sau. Sau một đêm, các loại thực phẩm đông lạnh như thịt, cá sẽ mềm ra và bạn có thể chế biến, sử dụng được ngay. Đối với thực phẩm đông lạnh có khối lượng lớn như gà nguyên con, thịt tảng, thời gian rã đông trong ngăn mát có thể lâu hơn nên bạn cần tính toán thời gian cần sử dụng để rã đông cho hợp lý.
Không nên rã đông cá bằng nước nóng hay lò vi sóng bởi nhiệt độ cao phá vỡ nhanh cấu trúc mô bên ngoài làm cá vỡ nát mà bên trong đôi lúc còn dăm đá, hơn nữa còn tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.
Cá sau khi rã đông phải chế biến ngay, không cấp đông trở lại. Dụng cụ rã đông cá cần rửa sạch sẽ để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Những sai lầm cần tránh khi cấp đông, rã đông thực phẩm
-Tích trữ quá nhiều thịt, cá
Nhiều người nhân lúc giá thịt còn rẻ đã mua tích trữ thật nhiều trong tủ đông với suy nghĩ có thể ăn dần trong thời gian dài. Tuy nhiên, phương pháp bảo quản này không hề an toàn như chúng ta nghĩ.
Thịt chỉ ăn ngon nhất trong 2 giờ sau khi mổ. Vì vậy, không nên để lâu vì trong thịt có một số enzyme tự phân huỷ và chuyển hoá. Thịt sau khi cấp đông phải được đóng gói và bảo quản trong kho lạnh ở nhiệt độ chuẩn từ -15 đến -18 độ C, và thời gian bảo quản không thể vượt quá 9 tháng.
Nhiệt độ bảo quản không đảm bảo khiến mỗi lần cấp đông "gia đình" như thế, thịt chỉ được lưu trữ tối đa 4 tháng, và những loại thịt được đông lạnh hay đóng băng quá thời gian trên đều không được phép tiêu thụ hay sử dụng.
-Thịt lợn để lẫn với hải sản
Hải sản có mùi tanh, nếu được cất giữ chung với thịt lợn sẽ bám mùi sang thịt, đồng thời tăng nguy cơ nhiễm khuẩn. Bạn nên cấp đông thịt và hải sản trong những chiếc hộp riêng, như vậy có thể bảo quản những thực phẩm này được lâu hơn đồng thời giúp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
-Nhiệt độ không phù hợp
Để thịt được đảm bảo chất lượng, không bị biến chất trong thời gian lưu trữ, bạn cần điều chỉnh nhiệt độ tủ lạnh phù hợp. Nếu để trong ngăn mát thì nhiệt độ bảo quản của thịt sống là khoảng 2 độ C, còn nếu bảo quản trong ngăn đá thì mức nhiệt khoảng -25 độ C sẽ giúp kéo dài thời gian sử dụng.
-Cấp đông lại sau khi rã đông
Ở nhiệt độ phòng, thịt sau khi rã đông sẽ bị vi khuẩn bám lên bề mặt. Miếng thịt lúc này sẽ là môi trường lý tưởng để vi khuẩn sinh trưởng và phát triển mạnh. Do đó, việc tiếp tục cất miếng thịt không dùng hết vào ngăn đá sẽ thúc đẩy vi khuẩn tăng sinh nhiều hơn, làm miếng thịt bị nhiễm khuẩn và gây bệnh.
Cách tốt nhất là bạn nên chia thịt thành từng miếng nhỏ đủ dùng cho một lần, tránh sử dụng không hết lại mang đi đông đá nhiều lần, rất có hại cho sức khỏe
-Rã đông thực phẩm bằng cách cho vào nước hoặc dầu nóng
Cho thịt cá đông lạnh vào chảo dầu nóng là sai lầm khi rã đông thực phẩm mà nhiều người mắc phải. Nước lạnh và dầu nóng không thể rã đông thực phẩm mà ngược lại có thể gây cháy nổ.
Rất nhiều gia đình thả trực tiếp thực phẩm vào nước lạnh để rã đông, tuy nhiên cách làm này khiến dịch bào chứa chất dinh dưỡng tan ra và hòa vào nước, làm mất chất dinh dưỡng, thực phẩm khi nấu cũng bị nhão và nhạt hơn.
Minh Hoa (t/h)