Cà tím sau khi nấu sẽ rất mềm, có hương vị thơm ngon đặc trưng. Không chỉ ăn ngon, cà tím còn rất giàu dinh dưỡng, đặc biệt chứa nhiều vitamin và chất xơ.
Chất xơ trong cà tím giúp kiểm soát cân nặng. Một người theo chế độ ăn nhiều chất xơ sẽ ít ăn những món khác hơn, vì chất xơ giúp chúng ta cảm thấy no lâu hơn. Cà tím chứa chất xơ và ít calo nên rất thích hợp để thêm vào một chế độ ăn lành mạnh.
Ngoài ra, cà tím là một nguồn cung cấp các hợp chất phenolic hoạt động như chất chống oxy hóa, giúp cơ thể loại bỏ các gốc tự do có thể gây hại cho tế bào nếu chúng tích tụ với số lượng lớn. Thêm vào đó trong cà tím có nhiều flavonoid giảm lượng cholesterol xấu, tăng lượng cholesterol tốt cho cơ thể, chính những điều này giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Chúng ta có thể chế biến cà tím theo nhiều cách khác nhau như nấu canh, kho, xào, nướng... mỗi cách đều có một hương vị hấp dẫn riêng. Nhưng để nấu được món ngon trước tiên bạn phải chọn được nguyên liệu chuẩn. Cụ thể, khi mua cà tím, bạn cần chú ý 4 điểm dưới đây để chọn được những quả tươi ngon, đảm bảo chất lượng:
-Quan sát hình dáng
Ra chợ, bạn sẽ thấy có những quả cà tím thẳng nhưng có những quả lại cong. Vậy nên chọn mua loại nào? Lời khuyên của người trồng cà lâu năm là nên chọn những quả có hình dáng hơi cong. Bởi cà tím mọc tự nhiên sẽ có độ cong nhất định và độ cong của mỗi quả không giống nhau. Quả cà tím cong thường ăn rất ngon và dinh dưỡng cao.
Trong khi đó nếu thấy quả cà tím rất thẳng và cân đối thì nên cẩn thận bởi chúng thường được trồng trái vụ hoặc bị can thiệp trong quá trình trồng để có hình thức đẹp.
-Quan sát vỏ ngoài, màu sắc
Nhìn chung cà tím tươi sẽ có màu đậm hơn, thường là màu tím sẫm, có vỏ mịn màng, tươi sáng, màu sắc đồng nhất và cầm chắc tay.
Nếu bề mặt quả cà có sự khác biệt rõ về màu sắc, xỉn màu, xuất hiện màu nâu hoặc vỏ bị nhăn thì nhiều khả năng cà đã được bảo quản lâu, chớ nên mua loại này.
-Nhìn vào cuống
Trên quả cà tím có một phần cuống cứng, tại chỗ nối với thịt quả chúng ta có thể quan sát thấy một phần màu trắng. Phần màu trắng càng lớn thì cà càng tươi và mềm, ăn có vị ngọt. Ngược lại phần lòng trắng nhỏ hoặc có màu tím chứng tỏ cà đã già, bên trong nhiều hạt, hương vị và kết cấu sẽ kém hơn nhiều, không nên mua.
-Thử ấn nhẹ vào quả cà
Bạn chỉ cần ấn nhẹ vào phần vỏ của cà. Nếu trên vỏ cà để lại dấu ấn hằn sau khi ấn vào, nghĩa là quả đó đã chín và tươi. Còn những quả khi sờ vào thấy cứng, màu sắc chuyển từ tím hồng sang tím nhạt, tức là quả già, không nên mua.
Cách bảo quản cà tím
Cà tím khi mua về nên được chế biến trong vòng 24 giờ là ngon nhất. Nếu không, bạn có thể bọc chúng trong khăn giấy rồi cho vào ngăn rau quả, có thể bảo quản được 3 – 4 ngày. Bạn không nên bảo quản cà tím trong bịch kín vì như vậy sẽ tạo điều kiện cho cà nhanh hỏng hơn.
Lưu ý, khi xếp vào ngăn rau, bạn không nên để chồng các loại thực phẩm khác đè lên cà tím vì lớp vỏ của nó khá mỏng nên rất dễ bị dập.
Bên cạnh đó, cà tím cũng rất nhạy cảm với khí Ethylene. Đây là loại khí tự nhiên làm chín trái cây và dễ dẫn đến việc trái cây bị hỏng, thối. Do đó, bạn không nên đặt cà tím chung chúng với các loại quả như cà chua, chuối và dưa hấu. Bởi những loại trái cây này có đặc tính sản sinh ra nhiều khí Ethylene.
Cách sơ chế cà tím
Cà tím sau khi rửa sạch, có thể bổ dọc hoặc cắt thành khoanh tròn, sau đó rắc chút muối đều lên các mặt của miếng cà rồi để trong khoảng 20 – 30 phút. Sau khi ướp muối, bạn dùng khăn giấy có thấm ít nước rồi nhẹ nhàng lau sạch lớp muối dính trên bề mặt cả miếng cà. Làm như vậy sẽ giúp cà khi chế biến được săn chắc và giảm bớt vị đắng.
Minh Hoa (t/h)