Rau quả là nhóm thực phẩm không thể thiếu trong các bữa ăn hàng ngày. Nó cung cấp cho cơ thể các chất dinh dưỡng có hoạt tính sinh học cao, đặc biệt là vitamin C, chất khoáng và vi khoáng. Bên cạnh đó, rau quả chứa các acid hữu cơ, xenluloza, chất chống oxy hóa nên có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, phòng chống nhiều bệnh mạn tính không lây.
Thông thường chúng ta sẽ làm sạch rau quả bằng cách rửa nhiều lần với nước và cuối cùng ngâm nước muối loãng. Tuy nhiên, đối với một số loại rau quả rửa theo cách truyền thống chưa đủ loại bỏ hoàn toàn các chất bẩn bám bên ngoài mà cần thêm 1 nguyên liệu quen thuộc đó chính là bột mì.
Dưới đây là 3 loại rau quả mà chúng ta nên sử dụng bột mì để tăng hiệu quả làm sạch.
Nho
Nho là loại trái cây thơm ngon, giàu dinh dưỡng. Cách tốt nhất để ăn nho là rửa sạch vỏ, ăn toàn bộ quả, nếu bóc vỏ, dinh dưỡng sẽ bị mất đi ít nhiều. Để rửa sạch nho bạn dùng kéo tách riêng từng quả, để lại một chút cuống trên quả (không nên dùng tay tách vì dễ khiến phần vỏ sát cuống bị rách, khi rửa phần thịt quả hở ra dễ khiến nho bị nhiễm vi khuẩn).
Trong lúc cắt, bạn nên nhặt bỏ những quả thối hoặc bị giập nát sau đó cho vào chậu nước có hòa sẵn một chút bột mì. Bột mì có tác dụng làm sạch bụi bẩn và lớp phấn trắng bám trên vỏ nho. Lúc này bạn khuấy nhẹ chậu nước bột mì rồi ngâm nho trong khoảng 3-5 phút. Chỉ sau thời gian ngắn bạn có thể thấy rõ bề mặt nước nổi lên những bụi bẩn, thậm chí cả côn trùng bám trên vỏ.
Tiếp theo bạn vớt nho ra rửa lại với nước sạch. Cuối cùng, rửa lại nho với nước muối loãng, vớt ra để thật ráo rồi cất vào ngăn mát tủ lạnh. Nho sau khi rửa chỉ nên sử dụng trong khoảng 2-3 ngày.
Lưu ý, bạn cũng có thể thay thế bột mì bằng Baking Soda. Các bước tương tự như trên nhưng sau khi rửa nho với nước pha Baking Soda và rửa 1 lần bằng nước sạch thì chúng ta tiếp tục ngâm nho trong nước giấm loãng khoảng 3 phút. Sau cùng bạn chỉ cần đem nho rửa lại với nước sạch một lần nữa là có thể thưởng thức.
Súp lơ
Súp lơ xanh là một trong những siêu thực phẩm hàng đầu giúp phòng chống ung thư nhưng loại rau này khá khó rửa vì có nhiều khe, kẽ. Những vị trí này lại thường là nơi chứa nhiều bụi bẩn, ký sinh trùng. Nếu chỉ rửa với nước sẽ rất khó sạch, nhất là sẽ không thể hết được dư lượng thuốc trừ sâu.
Phương pháp rửa đúng đắn là trước tiên dùng tay tách từng nhánh của súp lơ xanh rồi cho vào một chậu nhỏ (nhiều người có thói quen dùng dao cắt súp lơ nhưng cách này khiến súp lơ dễ bị vụn, nấu sẽ không ngon). Tiếp theo, thêm nước vào cùng chút muối và khuấy tan. Ngâm súp lơ vào nước muối 15 phút rồi rửa lại bằng nước sạch. Nước muối loãng vừa có tác dụng diệt khuẩn vừa giúp giảm dư lượng thuốc trừ sâu.
Sau đó thêm một ít bột mì và đổ nước ngập súp lơ xanh, khuấy đều, dùng tay nhẹ nhàng rửa súp lơ rồi rửa lại một lần nữa bằng nước sạch. Bột mì phát huy hiệu quả rõ rệt trong việc loại bỏ chất bẩn trong khe, kẽ của súp lơ xanh.
Nấm
Nhìn cảm quan bên ngoài nhiều người cho rằng nấm kim châm hay nấm đông cô rất sạch sẽ nên chủ quan chỉ rửa 2-3 lần bằng nước lạnh. Tuy nhiên, bụi bẩn, vi khuẩn... thường có nhiều ở phần mũ nấm, các khe nứt của nấm. Nhất là nấm kim châm mọc dày thành cụm, nếu không rửa kỹ rất dễ sót cát bẩn ở sát chân nấm.
Trường hợp này chúng ta nên dùng tới bột mì. Cách làm là cho nấm vào chậu nước, thêm chút bột mì vào và ngâm trong 5 phút. Cọ rửa cẩn thận bằng tay từng chiếc nấm để bụi bẩn, tạp chất bám bên trong nấm được loại bỏ. Cuối cùng bạn rửa lại nấm vài lần nữa với nước sạch là được.
Ngoài ra để làm sạch các loại rau lá xanh, bạn có thể ngâm rau với nước có pha muối và baking soda. Cách làm rất đơn giản: Trước tiên rửa rau dưới vòi nước rồi ngâm rau trong nước sạch có pha một lượng baking soda và muối vừa đủ. Ngoài tác dụng làm sạch vết các dầu mỡ, Baking soda còn có thể làm giảm bớt dư lượng thuốc có trong rau. Hãy ngâm rau trong dung dịch này khoảng 5 phút sau đó rửa lại 1-2 lần với nước sạch trước khi chế biến.
Minh Hoa (t/h)