Tam quốc diễn nghĩa: Ba cao nhân bí ẩn khiến cả Khổng Minh lẫn Tào Tháo phải kính nể

Tam quốc diễn nghĩa: Ba cao nhân bí ẩn khiến cả Khổng Minh lẫn Tào Tháo phải kính nể

Lương Quốc Tiệp

Lương Quốc Tiệp

Thứ 7, 13/07/2019 05:00

Tam quốc là thời kỳ anh hùng hội tụ, kỳ nhân xuất thế, có vô số các bậc kỳ tài mà chỉ cần nghe đến uy danh cũng đủ làm cho quân thù khiếp đảm. Ngoài ra thời kỳ này cũng có những cao nhân bí ẩn.

Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, là bộ tiểu thuyết chương hồi xoay quanh những câu chuyện về các cuộc chiến phân chia quyền lực thời Ngụy, Thục, Ngô. Bên cạnh những nhân vật đã đi vào lòng người như Gia Cát Lượng, Tào Tháo, Lưu Bị… tiểu thuyết cũng hội tụ nhiều cao nhân với tài năng xuất chúng nhưng thường chọn cho mình cách sống nhàn hạ, không màng đến thế sự.

TV Show - Tam quốc diễn nghĩa: Ba cao nhân bí ẩn khiến cả Khổng Minh lẫn Tào Tháo phải kính nể

Cảnh trong phim Tam quốc diễn nghĩa 2010.

Quản Lộ

Thời Tam quốc (220 – 280) có một vị thầy bói tên là Quản Lộ, tự Công Minh, quê Bình Nguyên nước Ngụy, nay là phía Tây Nam tỉnh Sơn Đông. Ông có dung mạo xấu xí, thích uống rượu, tính khí bất định. Là người tinh thông bát quái, phán đoán không việc nào không trúng, khắp thiên hạ đều bái phục.

Ông hiểu rõ cái đạo lý của Chu Dịch, thiên văn, phong thủy, bói đoán, xem tướng, không gì không tinh thông. Tính vốn rộng rãi, được nhiều người ưa, ghét mà không thù, yêu mà không khen, thường muốn lấy đức báo oán. Thường nói: “Trung, hiếu, tín, nghĩa là gốc rễ của con người, không thể không xem trọng; trong sạch, thẳng thắn chỉ là vẻ ngoài hão rỗng của kẻ sĩ, không đủ để xem trọng”. Quản Lộ thờ cha mẹ có hiếu, thật thà với anh em, tin yêu bạn bè, đều tỏ rõ lòng nhân hòa, cả đời không có chỗ thiếu sót. Kẻ sĩ bình luận, kẻ già cũng chịu phục.

TV Show - Tam quốc diễn nghĩa: Ba cao nhân bí ẩn khiến cả Khổng Minh lẫn Tào Tháo phải kính nể (Hình 2).

Hình minh họa.

Chuyện rằng, một nông dân tên là Quách An, nhà có 3 anh em đều bị thọt chân. Bèn mời Quản Lộ về bói, Quản Lộ đến nơi, gieo quẻ xong rồi nói: “Nhà anh bị một nữ quỷ phá hại. Trước đây, nếu không phải bác gái thì cũng thím anh gặp năm mất mùa, tham một thúng gạo, nỡ xô người ta xuống giếng, lấy đá lấp lại người đó chết đi, oan hồn lên trời kiện, nên anh em nhà anh phải chịu ác báo. Cái ác báo này dù anh em nhà anh có cúng tế tới đâu cũng không ăn thua gì”. Mấy anh em nhà này nghe xong toát mồ hôi và công nhận rằng trước đây nghe nói người thím có giết một người đội một thúng gạo.

Nghe chuyện, quan huyện lệnh Tín Đồ bèn đem việc vợ bị đau đầu, con bị bệnh tim chữa lâu không khỏi nên nhờ Quản Lộ bói. Lộ cho biết: “Ở phía Tây nhà ông, dưới gốc cây có 2 cái xác người. Một thây cầm xà mâu, một thây cầm cung đầu quay vào trong vách. Thây cầm cung nhắm vào ngực nên con ông bị đau tim. Thây cầm xà mâu nhắm vào đầu nên vợ ông đau đầu”. Quan huyện bái tạ ra về, sai gia nhân đào ở góc nhà phía Tây lên thì quả nhiên có thấy hai chiếc quan tài. Mở nắp ra thấy có hai bộ xương, một cầm cung, một cầm xà mâu nhưng đã bị mục nát cả. Quan cho đem hai cái thây ra ngoài mười dặm mà an táng. Từ đó, bệnh của vợ con ông dần dần bớt rồi dứt hẳn.

Có lần Huyện lệnh đất Quán Đào là Gia Cát Nguyên đổi đi nhậm chức Thái thú quận Tân Hương thấy mọi người bàn tán Lộ có tài đoán đúng vật đậy trong hộp kín Nguyên không tin bèn thử tài. Ông vào nhà lấy 3 vật khác nhau, bỏ vào trong hộp kín rồi đưa cho Lộ xem. Lộ gieo quẻ xong thì lần lượt viết lên mỗi hộp 4 câu thơ. Trên hộp thứ nhất viết rằng:

“Bầu khí biến mất

Nương trên mái nhà

Hình chia trông mái

Lông cánh phô ra”.

Quả nhiên hộp đó đựng trứng chim én.

Trên hộp thứ hai viết rằng:

“Nhà treo lửng lơ

Cửa sổ vô số

Chứa những tinh hoa

Mùa thu thì nở”.

Mọi người mở ra thì thấy đó là một tổ ong.

Và trên chiếc hộp thứ ba viết:

“Mon men chân dài

Nhà tơ chắn lối

Lần lượt tìm mồi

Lợi về đêm tối”.

Trong hộp quả là đựng một con nhện. Mọi người chứng kiến ai nấy đều rất kinh ngạc.

Một lần ở quận Thanh Hà có hạn lớn, thái thú họ Nghê mời Quản Lộ tới xem, cho biết bao giờ trời sẽ mưa và đặt cược 200 cân thịt trâu. Quản Lộ nói: “Đêm nay sẽ mưa”. Ngày hôm đó trời nóng như thiêu như đốt. Mọi người cho rằng Quản Lộ chỉ là kẻ đoán mò. Ấy vậy mà nửa đêm gió nổi, mây đùn, cơn mưa lớn ập đến. Quan thái thú cả mừng làm tiệc thết đãi, Quản Lộ đem “bát quái” ra giải thích: “Ban ngày tôi quan sát ngọn cây thấy gió thiếu nữ thổi nhẹ. Trong lùm cây có âm điểm hót và rồi nổi gió thiếu nam. Chim chóc bay lượn nhịp nhàng, nên suy đoán là sẽ có mưa”.

Có một bà lão bị mất trâu, đến nhờ Quản Lộ tìm giúp. Quản Lộ gieo quẻ rồi nói:

“Ngoài bời khi bắt

Bảy đứa nổ ra

Đến tìm lập tức

Còn thấy lông da”.

Bà lão nghe nói vội vàng đi tìm, quả nhiên thấy những tên trộm vừa làm thịt con trâu bên bờ khe, bèn đi trình Thái thú Lưu Bân. Bân cho lính đến bắt được 7 tên trộm. Rồi hỏi đầu đuôi câu chuyện, bà lão thực tình kể. Bân không tin cho người đi mời Quản Lộ đến, rồi lấy cái túi ấn và lấy cái lông gà rừng ra bỏ vào hộp bảo Lộ đoán. Lộ gieo quẻ rồi đoán hộp thứ nhất:

“Trong vuông ngoài tròn

Năm sắc chỉ luồn

Đừng của giữ tín

Hiện ra chữ son”.

Đây hẳn là cái túi đựng ấn tín.

Và hộp thứ hai:

“Đậu trên cây núi

Lông cánh vàng ối

Mình gấm đốm đen

Gáy sáng không lỗi”.

Đây hẳn là lông gà rừng. Lưu Bân nghe xong kinh hãi, trọng đãi Quản Lộ làm thượng khách.

Trong Tam quốc diễn nghĩa có kể rằng Quản Lộ đã coi bói cho Tào Tháo và tiên đoán chính xác về việc xảy ra hỏa hoạn ở Hứa Đô và sẽ mất một viên tướng ở núi Định Quân. Về sau, những lời này đều ứng nghiệm chuẩn xác.

Bàng Đức Công

Bàng Đức Công là danh sĩ thời Đông Hán, người Tương Dương, cư trú trên cù lao Ngư Lương giữa sông Miện tại phía nam Hiện Sơn, chưa từng vào thành phủ, tự canh tác ruộng vườn, vợ chồng đãi nhau như khách; lúc nghỉ ngơi thì đội khăn chỉnh tề, ngồi ngay ngắn để gảy đàn đọc sách làm vui.

TV Show - Tam quốc diễn nghĩa: Ba cao nhân bí ẩn khiến cả Khổng Minh lẫn Tào Tháo phải kính nể (Hình 3).

Tạo hình Bàng Thống trong phim Tam quốc diễn nghĩa 2010.

Bàng Đức Công cùng các danh sĩ Tương Dương là Tư Mã Huy, Bàng Thống có quan hệ thân thiết, thường xuyên tụ họp, bơi thuyền chơi sông, không vướng bận gì, tùy tiện sướng thích. Đức Công gọi Tư Mã Huy là Thủy Kính, Gia Cát Lượng là Ngọa Long, Bàng Thống là Phượng Sồ. Có lần Tư Mã Huy đến nhà Đức Công, gặp lúc ông đi vắng, Huy cho biết sắp có khách đến chơi, thúc giục vợ con của Đức Công làm cơm, khiến họ một phen vất vả. Đức Công trở về, vào thẳng nhà trong gặp Tư Mã Huy, không phiền lòng chút nào, chẳng hề phân biệt chủ – khách. Tư Mã Huy nhỏ hơn Đức Công 10 tuổi, thờ ông làm anh, thường gọi là Bàng Công. Gia Cát Lượng mỗi lần đến nhà Đức Công, đều vái lạy kính cẩn. Bàng Thống là cháu họ của Đức Công, thiếu thời chưa nổi danh, chỉ có ông xem trọng ông ta. Tư Mã Huy sau khi nói chuyện với Thống, hết lời khen ngợi Đức Công biết nhìn người.

Kinh Châu mục Lưu Biểu nhiều lần mời gọi mà không được, bèn đích thân đến gặp. Lưu Biểu hỏi ông không nhận lộc quan, thì lấy gì để lại cho con cháu sau này. Ông trả lời rằng: “Thứ mà người đời để lại cho con cháu chính là thói xấu ham muốn hưởng lạc, ham ăn biếng làm. Thứ mà ta để lại cho con cháu là làm ruộng đọc sách, sống cuộc sống an cư lạc nghiệp. Cái để lại khác nhau mà thôi!”. Không thể thuyết phục Đức Công, Lưu Biểu đành thất vọng quay về. Về sau Đức Công đưa vợ con lên núi Lộc Môn, người đời không gặp lại ông nữa.

Càn Cát

TV Show - Tam quốc diễn nghĩa: Ba cao nhân bí ẩn khiến cả Khổng Minh lẫn Tào Tháo phải kính nể (Hình 4).

Tạo hình Càn Cát trong phim Tam quốc diễn nghĩa 1996.

Càn Cát là một phương sĩ ở Lang Nha (nay ở phía Bắc của Lâm Cân tỉnh Sơn Đông) sáng tác một quyển Thần Thư gồm 170 quyển. Một đệ tử của Càn Cát đã dâng sách này cho vua Hán Thuận Đế (tại vị 126-144). Được xem là kinh điển tối yếu trong giai đoạn ban đầu hình thành Đạo giáo, quyển đạo kinh này bàn về phụng thờ trời đất, thuận theo âm dương ngũ hành, tảo trừ đại loạn, giúp thiên hạ thái bình, sách còn bàn sự hưng phế của quốc gia, phương pháp dưỡng sinh, cách tu luyện thành thần tiên, bùa chú… Triều đình cho rằng đây là sách tà đạo nên tịch thu. Theo Tam quốc Chí, Càn Cát đến đất Cối và Ngô (nay là huyện Cối Kê của Chiết Giang và huyện Ngô của Giang Tô) lập tinh xá đốt hương đọc Đạo thư, chế tạo nước phép để trị bệnh cho dân chúng, và làm rất nhiều việc tốt giúp người dân Ngô Hội.

Tiểu bá vương Tôn Sách sau khi nghe thấy vậy thì vô cùng tức giận, vừa không tin đạo sĩ, phép lạ, vừa sợ ông tập hợp mọi người lại làm loạn. Tôn Sách cho rằng: “Loại yêu đạo làm điều xằng bậy này có thể mê hoặc người dân, khiến cho quân thần không còn tuân theo lễ nghĩa vua tôi, không thể không giết”.

Các danh thần và mẹ của Tôn Sách đều khuyên không được giết, nhưng Tôn Sách giận không kiềm được vẫn lấy cớ mê hoặc nhân tâm mà ra lệnh chém giết Càn Cát.

Theo Sưu thần ký của Càn Đậu (một tài liệu sưu tập chủ yếu dựa vào các truyền thuyết và tin đồn) thì Tôn Sách bắt đầu nhìn thấy bóng ma của Càn Cát trước cả khi xử tử ông. Sau khi bị thương sau vụ ám sát, các thầy thuốc khuyên Tôn Sách nên nghỉ ngơi cho vết thương mau lành. Tuy nhiên, một ngày ông nhìn vào trong gương lại thấy khuôn mặt của Càn Cát, ông gầm lên và ném cái gương đi. Vết thương của ông vỡ ra và ông chết ngay lập tức. La Quán Trung chấp nhận phiên bản này và nó được tiểu thuyết hóa hơn nữa trong Tam quốc diễn nghĩa, trong đó tên của Càn Cát được đổi thành Vu Cát.

Video: Tôn Sách giết Vu Cát.

Tôn Sách giết Vu Cát

Quốc Tiệp

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.