Cuối thời Đông Hán, triều chính mục nát, ngoại thích và hoạn quan thay nhau hoành hành. Khắp nơi đều có tham quan ô lại, thêm vào đó thiên tai lụt lội, hạn hán triều miên. Hán Linh Đế buông lỏng kỷ cương, không dùng người tài. Nghe theo lời khuyên của các hoạn quan Trương Nhượng và Triệu Trung, Linh Đế tăng thuế khóa thêm 10 đồng trên mỗi mẫu ruộng khiến nhân dân phải đóng góp thêm nặng nề, nhằm có thêm tiền xây cất cung điện.
Hoàng tộc và quan lại ăn chơi xa xỉ. Hán Linh Đế ăn tiêu hoang phí, cho áp dụng chính sách mua bán quan chức: chức Tam công bán 10 triệu, tước hầu bán 5 triệu. Những người sau khi bỏ nhiều tiền ra mua chức tước lại càng vơ vét của dân làm giàu.
Trong hoàn cảnh đó, nhân dân bị bóc lột nặng nề vì sưu cao thuế nặng, không được sống yên ổn đã vùng dậy phản kháng theo sự kêu gọi của anh em Trương Giác, năm 184 cuộc khởi nghĩa Khăn Vàng chính thức bùng nổ. Tào Tháo cùng các quân phiệt địa phương cùng các tướng trong triều đình đàn áp thành công, nên được Hán Linh Đế phong làm Điển quân hiệu uý trong triều.
Khi đó mâu thuẫn giữa phe ngoại thích do Hà Tiến đứng đầu và hoạn quan ngày càng gay gắt. Tào Đằng đã mất, Tào Tháo tuy xuất thân trong gia đình hoạn quan nhưng lại đứng về phía ngoại thích Hà Tiến. Năm 189, Hà Tiến bị hoạn quan lừa giết, Tào Tháo hợp sức với một thủ hạ khác của Hà Tiến là Viên Thiệu đánh vào cung, giết chết các hoạn quan.
Sau đó Thứ sử Tây Lương là Đổng Trác - vốn trước được Hà Tiến triệu về kinh - khống chế triều đình, tự xưng là Thái sư. Trước sự lộng quyền của Đổng Trác, Viên Thiệu đã phát hịch đi các trấn kêu gọi đánh Đổng Trác. Tào Tháo đã bàn mưu với Thái thú Trần Lưu là Trương Mạo khởi binh chống Đổng Trác. Bản thân Tào Tháo được Vệ Tư tặng tiền bạc để mộ quân. Con cháu họ Tào và họ Hạ Hầu đi theo Tào Tháo rất đông. Ông mộ được 5000 người, đi đánh Đổng Trác dưới quyền Trương Mạo; cùng đi theo Trương Mạo còn có Bào Tín cũng mộ được 2 vạn quân.
Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung kể rằng Tào Tháo chính là người hiệu triệu chư hầu chống Đổng Trác và không ở dưới quyền ai trong các lộ chư hầu.
Đông Quận - cứ đầu tiên của họ Tào
Trước khi liên minh đánh Đổng Trác tan vỡ, Tào Tháo đã mang tàn quân về quê, ra sức chiêu nạp hào kiệt. Khi đó dù 3 anh em Trương Giác đã chết nhưng lực lượng Khăn Vàng vẫn còn thế lực khá mạnh, có hơn 10 vạn người tụ tập ở Hắc Sơn, chiếm lĩnh Đông Quận, triều đình chưa dẹp được.
Năm 191, Tào Tháo mang quân đánh nhau với quân Khăn Vàng tại Hắc Sơn. Quân khởi nghĩa tuy đông nhưng ô hợp, bị Tào Tháo dùng kế đánh bại, song lực lượng còn mạnh.
Năm 192, quân khởi nghĩa tổ chức phản công. Tào Tháo dùng số quân nhỏ cố thủ ở phía đông Vũ Dương, tự ông mang quân chủ lực tập kích căn cứ Đông Quận của địch. Ông đánh chiếm Đông Quận và đây trở thành nơi căn cứ đầu tiên của họ Tào.
Không lâu sau, quân khởi nghĩa từ Thanh Châu tấn công Duyện Châu, giết chết thứ sử Lưu Đại. Theo lời đề nghị của Bào Tín, Tào Tháo mang quân đến cứu Duyện Châu. Nhân sĩ ở Đông Quận là Trần Cung đến theo Tào Tháo, thuyết phục được các thủ hạ của Lưu Đại nhất trí tôn Tào Tháo thay Lưu Đại quản lý Duyện Châu. Ông cùng quân Khăn Vàng quyết chiến tại Thọ Dương.
Bào Tín giao chiến bị tử trận. Tào Tháo mang 1000 quân tập kích doanh trại địch nhưng quân Khăn Vàng đã đề phòng khiến ông suýt bị bắt sống. Thấy không thể dùng chiến thuật đánh nhanh, Tào Tháo đổi hướng, đánh chắc từng phần. Ông áp dụng chiến thuật tiêu hao từng bước, quân Khăn Vàng phải lùi dần. Sau cùng, Tào Tháo dồn quân địch vào Tế Bắc và bao vây. Khi đó phía sau lưng quân Khăn Vàng là Thanh Châu và Ký châu do Viên Thiệu chiếm giữ. Sau một thời gian, quân Khăn Vàng bị tuyệt lương, không còn đường chạy nên phải đầu hàng. Tào Tháo thu hàng 30 vạn người, chọn ra 10 vạn người đưa vào quân đội của mình. Từ đó lực lượng của ông mạnh lên đáng kể. Tào Tháo làm chủ Duyện Châu. Chủ cũ của ông là Trương Mạo làm thái thú quận Trần Lưu là một quận thuộc Duyện Châu cũng rất ủng hộ ông.
Video: Tào Tháo chửi Đổng Trác.
Quốc Tiệp (t/h)