Tào Chân (? - 231), tự Tử Đan, là một vị tướng phụng sự cho tập đoàn chính trị Tào Ngụy và là cha của Tào Sảng (một đại thần thời Ngụy Phế Đế).
Mặc dù Tào Chân chỉ là nghĩa tử, nhưng Tào Tháo vẫn cho ông được chung sống cùng con đẻ và đối đãi như ruột thịt. Cũng nhờ vậy mà Tào Chân có được một tuổi thơ có thể coi là trọn vẹn. Nhờ xuất phát điểm là một thành viên trong gia tộc Tào thị, lại sở hữu tài năng xuất chúng, Tào Chân sau đó đã trở thành chỉ huy của Hổ báo kỵ (đội quân tinh nhuệ sở hữu sức chiến đấu được cho là mạnh nhất nhì Tam quốc).
Trong tập đoàn chính trị Tào Ngụy, Tào Chân từng làm tới chức Đại tư mã và sở hữu quyền lực cùng địa vị rất có sức ảnh hưởng trong triều.
Tuy nhiên, trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa, hình tượng nhân vật này được khắc họa có phần khác với thực tế. La Quán Trung mô tả Tào Chân khi tham gia chiến dịch Bắc Phạt, Tào Chân thường bị những kế sách xuất thần của Gia Cát Lượng làm khó, từ đó quân Ngụy bị đẩy vào thế hạ phong.
Thậm chí, cuốn tiểu thuyết này còn xây dựng cho Tào Chân một cái kết không mấy tốt đẹp. Ông chết uất ức vì lá thư của Khổng Minh gửi tới nhục mạ.
Tào Chân từng đánh bại Gia Cát Lượng
Mọi người đều biết, Gia Cát Lượng sáu lần Bắc phạt, dù Quân Thục đánh thắng nhiều trận và tiêu diệt được nhiều lực lượng địch, nhưng phần vì tiếp tế lương thảo của quân Thục khó khăn, phần vì quân Ngụy đông hơn lại cố thủ không ra đánh nên trước sau quân Thục đều phải lui binh khi chưa đạt mục tiêu cuối cùng. Trong đó có lần là bại dưới tay Tào Chân.
Mùa xuân năm 228, Gia Cát Lượng Bắc phạt lần đầu, ông chia quân làm hai đạo tiến công, một bên lão tướng Triệu Vân cùng Đặng Chi được giao đi theo đường Tà Cốc ra My Thành làm nghi binh, một bên khác Gia Cát Lượng tự mình dẫn quân chủ lực tiến ra Kỳ Sơn, nhưng Tào Chân vừa nhìn đã biết Gia Cát Lượng dụng binh không ổn, ông phái đại tướng Trương Cáp công đánh Nhai Đình, đánh bại Mã Tốc (có bản dịch là Mã Tắc), đồng thời ở Tà Cốc nhẹ nhàng đánh bại Triệu Vân. Nhai Đình thất thủ, Gia Cát Lượng bị mất bàn đạp tấn công, lỡ mất cơ hội đánh chiếm Lũng Hữu, đại quân Thục không thể tiến nữa buộc phải lui về Hán Trung. Chiến dịch của Thục Hán đến đây coi như thất bại.
Trong Tam quốc diễn nghĩa, vinh quang ở trận Nhai Đình quy về Tư Mã Ý, nhưng thực ra trận này hoàn toàn không liên quan tới Tư Mã Ý. Trương Cáp là do Tào Chân phái đi.
Tuy nhiên, cũng có một số tài liệu nói rằng, trước tin đại quân Thục tiến đánh, Tào Duệ thân chinh từ Lạc Dương ra Trường An, sai đại tướng Trương Cáp đi Kỳ Sơn chống Gia Cát Lượng, và Tào Chân chi viện My Thành chống Triệu Vân.
Tháng 12 năm 228, nhân cơ hội Lục Tốn của Đông Ngô đánh bại quân của Tào Hưu ở Thạch Bình, Gia Cát Lượng liền tổ chức cuộc Bắc phạt lần thứ hai. Gia Cát Lượng quyết định tiến quân theo đường Trần Thương. Tuy nhiên, đại tướng Ngụy là Tào Chân đã đoán trước được Gia Cát Lượng lần sau đến đánh sẽ đi đường này, và giao cho Hác Chiêu tăng cường phòng thủ ải Trần Thương. Gia Cát Lượng bị bất ngờ trước sự phòng thủ kiên cố của quân Ngụy.
Dụ hàng Hác Chiêu không được, Gia Cát quyết tâm đánh thành. Thế nhưng trong suốt 20 ngày, quân Thục với quân số lên đến 40.000 - 50.000 vẫn không thể công phá được cửa ải. Hác Chiêu chỉ với 1000 quân đã giữ vững được đến khi viện binh của nhà Ngụy tới cứu. Gia Cát Lượng đánh Trần Thương tiến không được mà lui thì không cam tâm, sau khi tiêu tốn mất một lượng lớn lương hướng, không còn cách nào khác đành phải rút lui. Lần thứ hai, Tào Chân lại dễ dàng đánh bại Gia Cát Lượng, sau trận này, Tào Chân được tấn phong Đại tư mã, quyền uy tối thượng.
Năm 230, Đại tư mã Tào Chân nhận thấy Thục Hán quấy nhiễu biên cương không có lợi, bèn kiến nghị công chiến Thục Hán, Minh Đế Tào Duệ chấp thuận ý kiến này. Tào Chân từ Trường An tiến quân, còn Tư Mã Ý từ Hán Thủy tiến quân, đến Tà Cốc sẽ đồng loạt tiến công Thục Hán.
Chiến dịch của quân Tào thất bại do trời mưa liên miên suốt hơn 30 ngày, đường núi bị đứt đoạn. Tào Duệ hạ lệnh thu quân, Gia Cát Lượng cũng không đuổi theo, hai bên không giao tranh gì. Ngay sau đó, Tào Chân đột nhiên mắc bệnh, phải về Lạc Dương. Năm 231, Đại tư mã Tào Chân qua đời, thụy là Nguyên hầu.
Thông qua những minh chứng lịch sử này, có thể thấy rõ Tào Chân không hề yếu đuối như hình tượng trong Tam quốc diễn nghĩa. Nhiều ý kiến cho rằng giả sử Tào Chân không chết, e là Tư Mã Ý cũng sẽ chẳng có cơ hội xuất đầu lộ diện, lại càng không có khả năng họ Tư Mã có thể đoạt được chính quyền Tào Ngụy.
Video: Tư Mã Ý cố tình hại Tào Chân.
Quốc Tiệp (t/h)