Tào Tháo (155 - 220), tự Mạnh Đức, là nhà chính trị, quân sự kiệt xuất cuối thời Đông Hán. Ông là một trong những thế lực quân phiệt mạnh nhất thời Tam quốc. Tuy nhiên để trở thành một trong những thế lực mạnh nhất bấy giờ, ngoài việc tập trung phát triển quân sự thì việc chú trọng tới nông nghiệp cũng là một trong những quốc sách giúp Tào Tháo thành công.
Chiến tranh liên miên nhiều năm khiến nông nghiệp bị đình đốn, ảnh hưởng rất lớn đến việc cung cấp lương thực cho quân đội trong các cuộc giao tranh giữa các chư hầu. Trong hoàn cảnh kinh tế bị tàn phá, Tào Tháo đã nhận thức được tầm quan trọng của việc khôi phục nông nghiệp. Ngay từ khi làm chủ Duyện châu, biết tiếng Mao Giới, nên mời ông làm Trị trung tòng sự.
Ngay trong lần đầu diện kiến Tào Tháo, Mao Giới đã khiến họ Tào phải nể phục khi đề xuất: "Nay thiên hạ tan lở chia lìa, quốc chủ bị di dời, sinh dân bỏ nghiệp, mất mùa đói kém lưu vong, kho của ngài không năm nào có của tích trữ, trăm họ không có chí an cư, khó mà giữ được lâu. Viên Thiệu, Lưu Biểu, tuy sĩ dân đông đảo cường thịnh, đều không lo tính đường xa, chưa gây dựng được cái gốc rễ nền móng vậy. Kẻ dấy binh có chính nghĩa thì thắng, giữ được địa vị bởi có tài lực, nên phụng mệnh thiên tử để ra lệnh cho kẻ không làm thần tử, chấn chỉnh việc canh tác lương thực, tích trữ quân nhu của cải, như thế thì cái nghiệp bá vương có thể thành vậy".
Sách lược của Mao Giới tựu trung có 2 điểm rất rõ ràng. Thứ nhất, giữ thiên tử bên mình để làm cơ sở để dựng bá nghiệp. Thứ hai, tập trung vào việc khôi phục và phát triển nông nghiệp.
Không chỉ có Mao Giới mà cả Hàn Hạo cũng khuyên Tào Tháo tập trung vào phát triển nông nghiệp, ý kiến này đã được ông rất tán thành và mang ra thảo luận trong nội bộ.
Tư Mã Lãng đề nghị khôi phục chế độ "tỉnh điền" thời Tây Chu, Tào Tháo không tán thành vì cho đó là phục cổ, thụt lùi. Cức Đê đề xuất với Tào Tháo nên tổ chức đồn điền; sau khi thảo luận kỹ ông quyết định cho thi hành. Phương pháp của Cức Đê là chiêu mộ những nhóm nông dân đang lang thang về tập trung lại, xây dựng đồn điền. Họ sẽ được cấp nông cụ, trâu bò, hạt giống để tự canh tác rồi dựa vào số thu hoạch để thu tô của họ. Nhờ áp dụng chính sách này, vùng Duyện châu mà ông cai quản có lương thực đủ dùng. Năm 194, khi đại quân Tào Tháo từ Từ châu trở về đánh Lã Bố, hoàn toàn nhờ vào thành Đông A do Cức Đê trấn thủ cấp quân lương.
Năm 196, Hán Hiến Đế đi từ Trường An sang Lạc Dương cùng thời điểm Tào Tháo mang quân tấn công giặc Khăn Vàng ở Dự châu, giành thắng lợi và chiếm được Dự châu. Thời điểm ấy Hán Hiến Đế ở Lạc Dương đói khổ vô cùng, gửi người đến các chư hầu xin cứu giá. Nhưng trong khi những thế lực quân phiệt như Viên Thiệu, Viên Thuật, Lưu Biểu làm ngơ thì Tào Tháo lại nhanh chân đến nghênh đón vua.
Tào Tháo sau đó đưa Hiến Đế đến Hứa Xương, xây dựng nơi này làm kinh đô mới. Đây là một bước chuyển rất quan trọng trong sự nghiệp của Tào Tháo vì nhà Hán tuy suy nhưng trong lòng mọi người vẫn tôn trọng, việc Tào Tháo nắm được thiên tử sẽ có cớ nhân danh vua ban ra chính lệnh để sai khiến chư hầu.
Sau khi đưa Hán Hiến Đế về Hứa Xương, Tào Tháo tiếp tục thực hiện chính sách phát triển nông nghiệp. Ông nhân danh Hiến Đế công bố "Lệnh đồn điền", trong đó nhấn mạnh: “Đối với thuật giữ vững quốc gia thì trước tiên phải làm cho quân đội mạnh lên và lương thực đủ ăn. Xưa nước Tần nghiêm khắc thực hiện vừa canh tác vừa tác chiến nên mới có thể thôn tính cả thiên hạ; sau Hán Vũ Đế cũng dựa vào chính sách đồn điền để bình định Tây Vực. Đó là biện pháp hay mà đời trước đã làm”.
Ông áp dụng chính sách đồn điền trong toàn bộ vùng ông cai quản, cử Nhâm Tuấn làm Điển Nông trung lang tướng chủ quản việc chấn hưng nông nghiệp, Cức Đê làm Đồn điền đô uý, chủ quản việc xây dựng đồn điền ở Hứa Xương. Từ đó đồn điền trở thành quốc sách với tập đoàn họ Tào.
Thực thi chính sách đồn điền đã mang lại những thành quả quan trọng. Hàng năm, các đồn điền cung cấp hàng triệu hộc quân lương. Đời sống của nông dân được giải quyết, góp phần ổn định khu vực mà Tào Tháo cai quản để lo việc chinh phạt những khu vực khác.
Video: Tào Tháo ổn định nông nghiệp.
Quốc Tiệp (t/h)