Trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa của nhà văn La Quán Trung, nhân vật Gia Cát Lượng là ẩn sĩ ở Long Trung. Tư Mã Huy (Thủy Kính tiên sinh) và Từ Thứ tiến cử ông với Lưu Bị. Thời đó bậc danh sĩ Kinh Châu lan truyền một câu: "Ngọa Long, Phụng Sồ ai có được một trong hai người ấy sẽ có thiên hạ!".
Theo Thủy Kính tiên sinh thì: "Tài của Gia Cát Lượng phải được ví với Lã Vọng làm nên cơ nghiệp 800 năm của nhà Chu và Trương Lương làm nên cơ nghiệp 400 năm của nhà Hán”.
Từ Thứ, một nhân vật có mưu lược, trước khi chia tay Lưu Bị vì trúng kế của Tào Tháo đã tiến cử Gia Cát Lượng cho Lưu Bị. Lưu Bị có hỏi tài năng của Khổng Minh so với ngài thì thế nào, Từ Thứ có nói: "Tôi so với Khổng Minh như ngựa so với Kỳ lân, như quạ so với Phượng hoàng, chúa công có Khổng Minh như Văn vương có Lã Vọng, như Hán vương được Trương Lương".
Sau khi được Từ Thứ và Tư Mã Huy tiến cử Gia Cát Lượng, Lưu Bị hết sức vui mừng, cùng Quan Vũ và Trương Phi sắm sửa lễ vật, đến Long Trung cầu kiến Ngọa Long tiên sinh. Thế nhưng lần thứ nhất đến Gia Cát Lượng không có nhà. Lần thứ hai trở lại vẫn uổng công, lúc này đang mùa đông rét mướt, tuyết bay trắng trời, khi vừa lên ngựa sắp rời khỏi thì Lưu Bị nhìn thấy bên phía tây một chiếc cầu nhỏ, có một tiên sinh đội mũ ấm trùm đầu, cưỡi lừa rẽ tuyết đi lại, đang ngâm một bài thơ:
“Một đêm gió lạnh lùng,
Muôn dặm mây đỏ ối.
Bời bời hoa tuyết bay,
Nước non hình sắc đổi,
Ngẩng mặt trông trên trời,
Tưởng là rồng ngọc chọi,
Vây mai tua tủa bay,
Một lát khắp bốn cõi,
Cưỡi lừa qua cầu con,
Than vì mai gầy cỗi…”.
Lưu Bị nghe ngâm xong, nói rằng: “Đây hẳn là Ngọa Long rồi!”. (Trong phim Tam quốc diễn nghĩa 1996, người nói câu này là Quan Vũ).
Sau khi chào hỏi, Lưu Bị mới biết tiên sinh ngâm bài thơ là Hoàng Thừa Ngạn, nhạc phụ của Khổng Minh, còn bài thơ là khúc Lương Phủ Ngâm do chính Khổng Minh sáng tác. Lưu Bị quả là có mắt nhìn người, có tài cảm ngộ. Chỉ nghe một lần, ông đã hiểu ra hàm ý sâu sắc ẩn sau lời thơ tưởng như đang miêu tả mùa đông kia.
Ba câu “Nước non hình sắc đổi, Ngẩng mặt trông lên trời, Tưởng là rồng ngọc chọi” có ý tứ hiển lộ rõ ràng hơn cả, miêu tả cảnh đất nước loạn lạc, quần hùng tranh cướp ngọc tỷ, cơ đồ nhà Hán nghiêng xô. Từ đó, có thể nhìn ra “Một đêm gió lạnh lùng, Muôn dặm mây đỏ ối, Bời bời hoa tuyết bay” kia là chỉ kiếp nạn thời Hán mạt, như một đêm gió lạnh buốt xương, chỉ thương người dân như đoá “mai gầy cỗi” điêu linh trong cơn gió bụi. Hoa mai cũng là biểu tượng của người quân tử, nên phải chăng lời thơ còn nhắn nhủ nỗi niềm kẻ sĩ chưa thể tế thế an bang?
Bài thơ gửi gắm nỗi lòng của Gia Cát Lượng và cũng là nét chấm phá trong câu chuyện Lưu Bị đến lều tranh để mời Ngọa Long tiên sinh. Đến lần thứ ba Lưu Bị mới gặp được Gia Cát Lượng nên mới có câu "Lưu Bị tam cố thảo lư câu hiền". Lưu Bị được Gia Cát Lượng nói kế sách định quốc an bang vô cùng kính phục, muốn mời Gia Cát Lượng xuống núi mưu tính đại sự. Gia Cát Lượng thấy Lưu Bị thật lòng cầu xin nên ông chấp nhận làm quân sư cho Lưu Bị. Năm đó Gia Cát Lượng mới có 27 tuổi chính thức bước vào vũ đài chính trị. Sự kiện "tam cố thảo lư" có thực sự diễn ra hay chỉ là do La Quán Trung hư cấu vẫn còn nhiều tranh cãi.
Trước sự kiện này, người đời sau có thơ khen việc Lưu Bị 3 lần hạ mình tới cầu kiến người hiền tài để dựng nên cơ nghiệp của nhà Thục Hán:
“Giặc Hán rành chia bận cõi lòng
Đường đường Hoàng thúc tới lều tranh
Ai hay một chốc lời tâm sự
Được giang sơn chẵn năm chục tròn”.
Quốc Tiệp (t/h)