Tam quốc diễn nghĩa kể về những câu chuyện phức tạp về lòng trung thành và phản bội, thành công và thất bại. Một nhân vật nổi tiếng của cuốn tiểu thuyết này chính là Đổng Trác.
Đổng Trác (132 - 192), tự Trọng Dĩnh, là một tướng quân phiệt và quyền thần nhà Đông Hán, đầu thời Tam quốc trong lịch sử Trung Quốc.
Ông nổi tiếng là một gian thần, một quân phiệt tàn bạo, giữ chức Thứ sử Tịnh Châu. Lợi dụng sự tiến cử của Viên Thiệu với Đại tướng quân Hà Tiến, người đang muốn tiêu diệt thế lực hoạn quan, Đổng Trác đã tiến kinh khống chế kinh thành, phế Hán Thiếu Đế Lưu Biện, lập Hán Hiến Đế Lưu Hiệp.
Khi đó, các lộ chư hầu trong nước, đứng đầu là Viên Thiệu, bất bình với sự chuyên quyền tàn độc của Trác, đã liên minh để thảo phạt Đổng Trác. Sau đó, các chư hầu xảy ra tranh chấp, dẫn đến bạo loạn. Đổng Trác bức ép Hiến Đế và triều đình bỏ Lạc Dương và Trường An, cố thủ ở đó. Trong lúc này, Tư đồ Vương Doãn cùng Lữ Bố dùng mưu giết Trác. Hai cận thần Lý Thôi và Quách Dĩ bắt Hiến Đế làm con tin, giết chết Vương Doãn, thiên hạ trở nên đại loạn, các chư hầu theo đó nổi lên chiếm cứ một phương.
6 điềm báo trước cái chết của Đổng Trác
Cái chết của ông ta đã được dự báo trước qua 6 sự kiện xảy ra trước đó. Sự kiện đầu tiên là một bài đồng dao được bọn trẻ hát trên đường khi Đổng Trác đi đến kinh thành, bài đồng dao có đoạn: “Thiên lý thảo, hà thanh thanh? Thập nhật bốc, bất đắc sinh” (Cỏ ngàn dặm, xanh được sao? Trong mười ngày, không được sống). Bài đồng dao này có ý nói rằng Đổng Trác sắp phải chết.
Sự kiện thứ hai là khi Đổng Trác cùng quân sĩ tiền hô hậu ủng lên xe ngựa đi về Trường An. Đi chưa được 30 dặm, chiếc xe đang chạy bỗng gãy một bánh, Đổng Trác phải rời xe, quay sang cưỡi ngựa đi tiếp. Lại đi chưa được 10 dặm nữa, ngựa tự dưng lồng lên gầm thét dữ tợn, dứt đứt dây cương. Đổng Trác hỏi Lý Túc rằng: “Xe gãy bánh, ngựa đứt cương là điềm gì?” Túc đáp: “Là điềm báo Thái sư sẽ nối ngôi nhà Hán, thay cũ đổi mới, sẽ ngồi kiệu ngọc yên vàng”. Trác vui vẻ tin lời.
Đến hôm sau, đang lúc đi, bỗng một cơn gió dữ nổi lên ầm ầm, mây kéo nghịt trời, Đổng Trác hỏi Lý Túc rằng: “Thế này là thế nào?”, Lý Túc thưa: “Chúa công nối ngôi rồng, tất sẽ có ráng hồng mây tía, để tăng thêm sự uy nghiêm của Trời”, Đổng Trác nghe lấy làm lọt tai. Khi đến bên ngoài thành, bá quan đều ra nghênh đón.
Mờ sáng hôm sau, Đổng Trác sai bày lễ vật mang vào triều, bỗng thấy một Đạo nhân mặc áo xanh, đầu đội khăn trắng, tay cầm một cái sào dài, trên buộc mảnh vải dài một trượng, hai đầu viết hai chữ “khẩu”. Đổng Trác hỏi Lý Túc: “Đạo nhân này có ý gì?” Túc nói: “Đó là một kẻ điên!” rồi lệnh quân sĩ đuổi đi.
Tháng 4 âm lịch năm 192, Đổng Trác vào cung yết kiến vua Hiến Đế. Khi ông vừa bước lên xe, con ngựa lồng lên hất ông ngã xuống đất, quần áo lấm bẩn hết. Ông trở về nhà thay quần áo, được một người vợ trẻ khuyên không nên đi nữa, nhưng ông không nghe theo, lại lên xe vào cung.
Những điềm báo như: xe gãy bánh, ngựa đứt cương, mây đen nghịt trời, tiếng trẻ hát đồng dao, cùng với Đạo nhân cầm sào và ngựa lồng hất ngã… kì thực đều là điềm báo về cái chết của Đổng Trác; chẳng qua là Lý Túc, người giải điềm báo cho Đổng Trác, cũng là người muốn lấy mạng y, nên đã cố tình giải sai hàm nghĩa những điềm báo này.
Hàm nghĩa thật sự của những điềm báo này
Việc xe gãy bánh, ngựa đứt cương, mây đen nghịt trời, ngựa lồng hất ngã là những hiện tượng bất thường này chỉ là cảnh báo nguy hiểm, chứ không có nói rõ điều gì thêm, nhưng tiếng trẻ hát trong đêm cùng với Đạo nhân cầm sào ở phía sau đã nói rõ về cái chết của Đổng Trác cùng với người giết y.
Bài đồng dao “thảo thiên lí, hà thanh thanh! Thập nhật bốc, bất đắc sinh” (cỏ ngàn dặm, xanh thế nào! Trong mười ngày, không được sống!). Kỳ thực, đây là một dạng đố chữ, “thảo thiên lí”, đây là chữ “Đổng”, ám chỉ họ của Đổng Trác; “hà thanh thanh”, “hà” chính là “như thế nào được”, chính là không thể giữ được xanh tươi “thanh thanh”, vậy không phải khô héo thì là gì đây, thực ra là chỉ cái chết; “thập nhật bốc”, đây chính là chữ “Trác”, ám chỉ tên của Đổng Trác; “bất đắc sinh”, càng nói rõ hơn là Đổng Trác sắp phải chết.
Còn về “Đạo nhân cầm sào” xuất hiện ở đoạn sau, đầu đội khăn trắng là chỉ “để tang”, người chết rồi mới phải để tang; hai đầu của tấm vải trên cây sào lần lượt viết hai chữ “khẩu”, hai chữ “khẩu “ này ghép lại thì chính là chữ “Lữ”, đây ám chỉ họ của Lữ Bố; vậy là tấm vải trên cây sào là chỉ tên của Lữ Bố. “Đạo nhân cầm sào” đã chỉ rõ người giết Đổng Trác chính là Lữ Bố.
Có thể có người nói đây là tiểu thuyết, những điều trong tiểu thuyết cũng chỉ là hư cấu mà thôi. Tuy nhiên, những gì ghi chép trong cuốn sách sử Tam quốc chí của sử gia Trần Thọ và Hán Mạt anh hùng ký của Vương Sán thời bấy giờ có rất nhiều điểm giống so với Tam quốc diễn nghĩa, ví dụ như bài đồng dao nói trên, trong Hán Mạt anh hùng ký được ghi lại như sau: “Lúc bấy giờ có lời đồn rằng: ‘thiên lý thảo, hà thanh thanh, thập nhật bốc, do bất sinh’; lại thêm bài hát ‘Đổng đào’ (Đổng Trác bỏ trốn). Cũng lại có Đạo sĩ viết một chữ ‘Lữ’ trên tấm vải trước mặt Trác, Trác không biết đó là Lữ Bố. Khi Trác vào triều, binh mã đứng chật hai bên, từ doanh trại đến hoàng cung, triều thần dẫn đầu nghênh đón. Con ngựa quỵ xuống không thể đi tiếp được, Trác rất muốn dừng lại, Bố khuyên hãy đi tiếp, từ Trung Giáp mà vào trong cung”.
Từ những quyển sách sử này, có thể thấy được rằng đây đều là những điềm báo trước về cái chết của Đổng Trác. Cổ nhân nói rằng những sự việc xảy ra xung quanh ta đều không phải ngẫu nhiên, mỗi sự việc đều có nội hàm, chỉ có điều ta có để ý đến hay không. Số phận của một con người, phải chăng cũng không thể là ngẫu nhiên.
Cái chết của Đổng Trác
Đổng Trác tàn bạo nên kết oán với nhiều người. Ông biết nhiều người oán hận nên khi ngủ thường sai con nuôi là Lữ Bố làm cảnh vệ. Tuy nhiên, Đổng Trác quen tính thô lỗ và nóng nảy, có lần Lữ Bố đứng hầu có chút không vừa ý bèn chộp lấy cái kích phi vào Lữ Bố. Lữ Bố vội tránh cây kích và xin lỗi, Đổng Trác mới nguôi giận. Cũng từ đó Lữ Bố hận thù Đổng Trác. Trong những lần được giao bảo vệ Trung các, Lữ Bố thừa cơ quan hệ tình ái với người hầu của Đổng Trác và rất lo sợ bị phát hiện.
Vì lo lắng, Lữ Bố tìm đến và liên kết với Tư đồ Vương Doãn - người đồng hương Tinh châu. Vương Doãn vốn đang cùng Bộc xạ Sĩ Tôn Thụy mưu giết Đổng Trác; cùng lúc, con Trương Ôn là Trương Bá Thận căm thù Đổng Trác, cũng tới liên kết với Tư đồ Vương Doãn để giết ông. Vương Doãn quyết định mượn tay Lữ Bố giết Đổng Trác.
Trong Tam quốc diễn nghĩa, La Quán Trung ghép những tình tiết này vào một, kể rằng Lữ Bố bị Đổng Trác rượt đuổi và phóng kích vì bị bắt quả tang tình tự với Điêu Thuyền – ái thiếp của Trác, vốn là con nuôi trong nhà Vương Doãn. Sử sách không nhắc tới một nàng Điêu Thuyền nào giữa 3 người Vương Doãn - Lữ Bố - Đổng Trác. Theo sử gia Lê Đông Phương: "Hai chữ "điêu thuyền" vốn là tên một chức quan trong cung thời Hán. Đây không phải là tên người. Khi Đổng Trác vào cung vua hoành hành đã bắt nhiều phụ nữ mua vui, nên một a hoàn vốn là điêu thuyền của triều đình có thể có trong nhà Đổng Trác chứ không thể có trong nhà Vương Doãn. Nhân vật Điêu Thuyền có trong nhà Vương Doãn hay không thì điều đó không quan trọng, nhưng Lữ Bố đã giết Đổng Trác vì có sự xúi giục của Vương Doãn".
Vương Doãn sai Sĩ Tôn Thụy thay mặt Hán Hiến Đế viết chiếu thư sai Lữ Bố giết Đổng Trác. Tháng 4 âm lịch năm 192, Đổng Trác vào cung yết kiến vua Hiến Đế. Lữ Bố trước đã lệnh cho thuộc tướng Lý Túc phục võ sĩ ở cửa Bắc Dịch chờ đợi, còn bản thân mình vẫn theo hộ vệ Đổng Trác. Khi ông vừa bước lên xe, con ngựa lồng lên hất ông ngã xuống đất, quần áo lấm bẩn hết. Ông trở về nhà thay quần áo, được một người vợ trẻ khuyên không nên đi nữa, nhưng ông không nghe theo, lại lên xe vào cung.
Khi ông vừa vào, Lý Túc đâm luôn, nhưng Đổng Trác mặc áo giáp nên chỉ bị thương ngã ra đất. Ông chưa biết Lữ Bố phản mình nên gọi Lữ Bố đến cứu thì Lữ Bố chạy thẳng tới đâm chết ông. Năm đó Đổng Trác 61 tuổi.
Tin Đổng Trác bị giết truyền ra ngoài thành, mọi người đều reo hò vui mừng, cùng nhau ca hát. Xác Đổng Trác bị bêu ở chợ, thân thể quá to béo nên mỡ chảy đầy đường. Nhân dân lấy bấc cắm vào rốn châm lửa cho cháy làm đèn, cháy mấy ngày mới tắt. Sau đó các môn sinh thuộc hạ của Viên Thiệu ở Trường An mang xác Đổng Trác đốt thành tro, cho gió bay tản đi trên đường.
Vương Doãn phái Hoàng Phủ Tung mang quân đến nơi ở của Đổng Trác tại My Ổ tịch biên tài sản và tru di tam tộc Đổng Trác, trong số người bị giết có mẹ già 90 tuổi và em ruột là Tả tướng quân Đổng Mân.
Ít lâu sau bộ tướng của ông là Lý Thôi và Quách Dĩ đánh vào Trường An báo thù cho ông, giết chết Vương Doãn, đánh đuổi Lữ Bố, tiếp tục nắm vua Hiến Đế, cầm quyền chính trong 3 năm. Lý Thôi sai người tìm xác Đổng Trác nhưng không còn, bèn gom tro xác ông lại bỏ vào quan tài và làm lễ an táng. Nhưng đến ngày chôn cất trời đổ mưa to, huyệt mộ ngập đầy nước, đẩy quan tài nổi lên.
Video: Cái chết của Đổng Trác.
Quốc Tiệp