Quan Vũ (? - 220), tự Vân Trường, quê ở Vận Thành, tỉnh Sơn Tây, miền bắc của Trung Quốc ngày nay. Hình tượng của ông đã được tiểu thuyết hóa trong Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung và sau này được khắc họa trong các dạng hình nghệ thuật như kịch, chèo, tuồng, phim ảnh...
Quan Vũ được miêu tả có khuôn mặt đỏ như gấc, mắt phượng mày tằm, râu dài hai thước, tay cầm Thanh long yển nguyệt đao cưỡi trên ngựa Xích Thố, dáng vẻ oai phong lẫm liệt, tính tình hào hiệp, trượng nghĩa, sức chiến đấu mạnh mẽ địch vạn người.
Xung quanh cuộc đời của vị tướng này có rất nhiều truyền thuyết và giai thoại kỳ bí. Trong đó, khi nói về khả năng chịu đựng và dũng khí của Quan Vũ thì phải kể đến giai thoại khoét thịt cạo xương mà không hề nhau mày kêu đau của ông.
Trong Tam quốc diễn nghĩa, La Quán Trung cũng đưa sự việc này vào truyện để nêu bật dũng khí của Quan Vũ. Theo đó, trong trận Tương Dương - Phàn Thành năm 2019, Quan Vũ khi đánh Phàn Thành, bị một mũi tên độc bắn trúng cánh tay. Thầy thuốc nổi tiếng nhất thời đó là Hoa Đà đã rạch một vết mổ ở cánh tay của ông và nạo độc ra khỏi cơ và xương. Trong tiếng cạo xương ken két, Quan Vũ vẫn uống rượu và chơi cờ, điềm tĩnh nói chuyện và cười đùa vui vẻ như không có gì xảy ra trước sự chứng kiến của các tướng lĩnh và binh sĩ, khiến họ ngưỡng mộ và tôn sùng. Chính Hoa Đà cũng phải khâm phục dũng khí của ông.
Tuy nhiên, đây chỉ là do La Quán Trung hư cấu ra. Theo sử liệu, thì thầy thuốc cạo xương cho Quan Vũ là người khác, bởi Hoa Đà đã chết trong ngục năm 208, còn Quan Vũ đánh Phàn Thành năm 219.
Trong Tam quốc chí của sử gia Trần Thọ chép, Quan Vũ từng bị trúng tên (không nói rõ lúc nào), bắn xuyên cánh tay trái, sau vết thương tuy đã khỏi nhưng mỗi lúc mưa dầm trở gió, xương cốt vẫn thường đau nhức, thầy thuốc chẩn đoán rằng: “Mũi tên có thuốc độc, chất độc ấy thấm vào xương cốt, giờ phải khoét thịt ở cánh tay bị thương, cạo xương trừ bỏ chất độc, rồi sau mới điều trị được gốc bệnh”. Quan Vũ liền duỗi tay sai thầy thuốc chữa trị. Lúc ấy, Quan Vũ cùng chư tướng uống rượu nói chuyện, máu trên cánh tay chảy đầm đìa đầy cả chậu, mà ông vẫn cười nói như không. Tuy nhiên, trong Tam quốc chí cũng không nói rõ tên vị thầy thuốc phẫu thuật cho Quan Vũ.
Theo nhận định của tờ báo Sohu (Trung Quốc), nếu quả thực người phẫu thuật cho Quan Vũ năm ấy là Hoa Đà, vậy Tam quốc chí không có lý do gì mà không ghi lại danh tính của vị thần y nổi tiếng này.
Từ những luận điểm nói trên, có thể khẳng định việc Quan Vũ cạo xương trị độc là có thật, thế nhưng người chữa trị giúp ông lại không phải Hoa Đà mà là một nhân vật bí ẩn khác.
Thông qua ghi chép của các nguồn sử liệu, cuốn y tịch Thanh nang kinh của Hoa Đà năm xưa đã bị thiêu hủy trước khi kịp truyền ra ngoài. Vì vậy y học của ông vào thời điểm đó vốn không thể được truyền bá rộng rãi cho người ngoài mà chỉ được tiếp thu và kế thừa bởi số ít các học trò có tiếng tăm.
Trong số đó, Ngô Phổ là người kế thừa "Ngũ cầm hý", A Phàn kế thừa thuật châm cứu, còn Lý Đương tinh thông về cách dùng thuốc, sau còn vào làm quân y cho Tào Ngụy.
Như vậy, người đã từng giúp Quan Vũ cạo xương trị độc rất có thể là Lý Đương. Bởi nhân vật ấy cũng là học trò hiếm hoi có khả năng hơn cả trong việc kế thừa phương pháp giải phẫu ngoại khoa của Hoa Đà.
Đó là chưa kể tới việc vào thời bấy giờ, thuốc mê Ma phí tán cũng đã được hoàn thiện tương đối. Điều này càng tạo điều kiện thuận lợi giúp Lý Đương tiến hành giải phẫu.
Hơn nữa theo một vài sử tịch ghi lại, Lý Đương lúc sinh thời sống rất thọ. Do đó nếu xét về mặt thời gian, ông cũng là người có khả năng chữa bệnh cho Quan Vũ hơn cả.
Hoa Đà chết trước khi Quan Vũ đánh Phàn Thành
Hoa Đà (145 - 208) tự là Nguyên Hóa, người huyện Tiêu, nước Bái, nay là huyện Bặc, tỉnh An Huy, Trung Quốc. Sử chép rằng, Hoa Đà đọc thông kinh sử, tuổi trẻ du học ở Từ Châu, từng đỗ hiếu liêm. Tể tướng Trần Khuê và Thái úy Huỳnh Uyển của nước Bái từng tiến cử và mời Hoa Đà ra làm quan, song ông đều từ chối. Ông quyết chí học thuốc cứu đời, trừ bệnh tật cho dân chúng. Những bộ chính sử như Hậu Hán thư, Tam quốc chí cũng đều có ghi chép những câu chuyện về vị thần y này.
Có giai thoại kể lại, người đời năm xưa vẫn thường truyền tai nhau, một khi đã dùng thuốc của Hoa Đà thì bệnh ắt sẽ khỏi. Cũng nhờ vậy mà người ta thường nhắc tới vị danh y này như một người có khả năng diệu thủ hồi xuân.
Y thuật nổi tiếng của Hoa Đà không lọt qua mắt Tào Tháo. Có lần đổ bệnh, đau đầu kinh niên, Tào Tháo mời bằng được thần y này về chữa bệnh cho mình.
Tam quốc diễn nghĩa có đoạn viết, Hoa Đà nói với Tào Tháo rằng căn nguyên của bệnh đau đầu chính là do khối u lớn dần trong não, chỉ còn cách dùng thuốc mê, sau đó dùng rìu bổ đầu, lấy khối u ra ngoài mới có thể trị dứt được bệnh.
Tháo vốn tính đa nghi, nghe tới việc bổ đầu thì nổi trận lôi đình, cho rằng Hoa Đà có ý định hại chết mình để trả thù cho Quan Vũ. Trong cơn thịnh nộ, Ngụy Vương lập tức nhốt Hoa Đà vào ngục rồi giết chết vị thần y này.
Trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa, nhằm khai thác tính đa nghi của Tào Tháo, nên Hoa Đà được tác giả La Quán Trung mô tả có phần không chính xác. Nguyên nhân dẫn tới cái chết của thần y Hoa Đà không giống như những gì La Quan Trung đã miêu tả.
Trên thực tế, trong quá trình chữa bệnh cho Tào Tháo, Hoa Đà liên tục tìm cách kéo dài thời gian. Ông nói với Tào Tháo: "Bệnh này một lúc không thể chữa khỏi, cần phải có thời gian".
Sau đó lại dùng hàng loạt lý do như "quên sách thuốc ở nhà, phải trở về lấy", "vợ ốm" mà không chịu quay lại chữa bệnh cho Tào Tháo.
Một số học giả Trung Quốc nhận định, mục đích của Hoa Đà được cho là chính là dùng bệnh tật gây sức ép, buộc Tào Tháo phải phong chức cho mình. Số khác cho rằng, chính Hoa Đà cũng không thể biết cách chữa trị dứt điểm căn bệnh cho Tào Tháo nên tìm cách thoái thác.
Dần dần, Tào Tháo nảy sinh nghi ngờ, phái người về quê Hoa Đà để kiểm tra thực hư. Sau khi phát hiện việc Hoa Đà nói dối, thần y này lập tức bị tống giam, chờ ngày xử tử. Hoa Đà chết trong ngục năm 208.
Đến năm 219 Tào Tháo lại tái phát bệnh đau đầu, bị bệnh hành hạ không có ai chữa được, Tào Tháo rất ân hận vì đã giết Hoa Đà.
Video: Hoa Đà trị thương cho Quan Vũ.
Quốc Tiệp (t/h)