Tôn Kiên (154-191), tự Văn Đài, là một vị tướng quân đội tài giỏi trong lịch sử Trung Hoa, ông đã đặt nền móng xây dựng nên nhà Đông Ngô vào thời Tam quốc. Ông có 5 người con trai trong đó hai người nổi bật là con cả Tôn Sách và con thứ Tôn Quyền. Ngoài ra ông còn có một người con gái là Tôn Thượng Hương sau này làm phu nhân của Lưu Bị.
Tôn Kiên người Phú Xuân thuộc Ngô quận. Mẹ ông là Tôn Bạch Hà (120 - 156) chết từ hồi Tôn Kiên mới 2 tuổi, cha ông là Tôn Huyền (116 - 190) vì vợ đã chết nên đã lấy Lưu Cầm Trang (136 - 211) làm người vợ kế để chăm sóc ông. Theo Tam quốc chí, ông là hậu duệ của danh tướng Tôn Vũ thời Xuân Thu và nhiều đời làm quan, tuy nhiên có ý kiến nghi ngờ về "dòng dõi Tôn Vũ" và cho rằng chỉ chắc chắn Tôn Kiên là dòng dõi thế tộc nhiều đời.
Lớn lên, Tôn Kiên được làm chức lại trong huyện, tính tình khoáng đạt, thích kết giao với các hào kiệt. Năm 17 tuổi ông cùng cha đi thuyền đến sông Tiền Đường, trên đường đi gặp một toán cướp Hồ Ngọc đang cướp tiền của của các nhà buôn và chia chác với nhau trên bờ. Mọi người trên thuyền đều sợ không dám tiến lên, Tôn Kiên tỏ ý định đánh cướp. Dù cha đã can không nên mạo hiểm nhưng Tôn Kiên vẫn xách dao nhảy lên bờ, vừa chạy vừa cầm dao chỉ đông chỉ tây như đang chỉ huy mọi người nghe hiệu lệnh. Bọn cướp biển thấy vậy tưởng rằng có quân triều đình đến bắt, liền vứt hết tiền của bỏ chạy. Tôn Kiên thừa thế đuổi theo, chém chết một tên cướp.
Từ vụ việc này, ông trở nên nổi tiếng, được quan phủ trong quận phong làm Hiệu úy.
Sau này người ở Trường Sa là Khu Tinh nổi lên chống lại quân triều đình. Tôn Kiên dẫn quân bản bộ đánh tan, được triều đình phong chức Thái thú Trường Sa, sau đó không lâu được phong chức Ô trình hầu. Từ đó Tôn Kiên có hẳn một đạo quân riêng khá hùng mạnh.
Đương thời Tôn Kiên là tướng nhà Hán và tham gia cuộc chiến chống quyền thần Đổng Trác. Tuy nhiên, trong liên quân chống Đổng Trác chỉ có hai người thật lòng muốn đánh Đổng Trác trừ hại cho thiên hạ là Tôn Kiên và Tào Tháo, nhưng hai người này cũng gặp không ít gian nan. Nếu như Tào Tháo hô hào không được ai hưởng ứng, xuất kế đánh địch không có ai ủng hộ, bị đám chư hầu “chỉ biết nói suông” kia làm cho tức chết, thì Tôn Kiên cũng không khá hơn. Ông bị đám người cùng trận tuyến khinh thường coi rẻ, không cấp quân lương, không hỗ trợ.
Thế nhưng cách mà Tào-Tôn phản ứng lại cũng khác nhau. Tào Tháo nói không ai nghe cũng không biết làm sao, thua trận thì quay về căn cứ. Còn Tôn Kiên thua thì phải đánh cho thắng mới dừng, kẻ nào không chịu hỗ trợ, không chịu phối hợp thì phê bình nghiêm khắc, thậm chí tiêu diệt!
Tôn Kiên càng đánh càng dũng mãnh, Đổng Trác thấy thanh thế Tôn Kiên lớn mạnh rất lo lắng, lại sai tướng là Lý Thôi đến xin kết thân, sắp đặt con em của Tôn Kiên giữ chức Thứ sử, Quận thú, hứa sẽ dâng biểu xin dùng họ. Tôn Kiên thẳng thừng từ chối, rồi đem quân đến Đại Cốc cách Lạc Dương 90 dặm.
Đổng Trác thấy Tôn Kiên áp sát kinh thành, bèn đích thân ra trận, giao chiến với Tôn Kiên một trận nhưng bị đánh bại.
Sau đó, Đổng Trác cưỡng bức hàng trăm vạn dân Lạc Dương bỏ kinh thành về Trường An. Trước khi đi, Đổng Trác hạ lệnh đốt cháy cung thất ở Lạc Dương, đào bới hết lăng mộ, lấy vật báu. Tôn Kiên tiếp quản Lạc Dương, ông ra lệnh cho quân sĩ quét dọn tông miếu nhà Hán và cúng tế.
Theo Tam quốc diễn nghĩa của nhà văn La Quán Trung, khi đó đội quân của Tôn Kiên tìm được một xác chết nữ ở trong một cái giếng cạn và tìm được ngọc tỷ (chính là Ngọc tỷ truyền quốc) trên người của cô ấy. Tôn Kiên thấy bảo vật hiếm có, liền chiếm làm của riêng, sau đó nói dối là mình bị bệnh, muốn rút khỏi liên minh thảo phạt. Minh chủ Viên Thiệu ngay từ đầu đã nhận được tình báo nên bắt Tôn Kiên giao ngọc tỷ ra. Tôn Kiên không chịu thừa nhận là mình đã lấy được ngọc tỷ và thề rằng nếu thật sự mình có giấu ngọc tỷ thì sẽ chết không toàn thây, không ngờ sau này lời thề độc này đã ứng nghiệm.
Tương truyền không lâu sau khi Tôn Kiên có được ngọc tỷ, trong trận chiến vây đánh quân Lưu Biểu ở Tương Dương, soái kỳ của đội quân Tôn Kiên không hiểu vì sao lại tự nhiên bị gãy, mọi người đều nói đây là điềm báo không may mắn, chủ soái sẽ gặp chuyện không may. Quả đúng như vậy, sau đó Tôn Kiên bị trúng mai phục, bị loạn tiễn bắn xuyên người, lại bị vô số tảng đá đập nát đầu, chết thảm ở trong núi, lúc đó Tôn Kiên chỉ mới 37 tuổi.
Tuy nhiên, cái chết của Tôn Kiên theo mô tả của sử sách và Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung lại không phải như vậy. Nhưng nhìn chung đều thống nhất là sau khi Tôn Kiên có được ngọc tỷ không lâu thì vong mạng.
Quốc Tiệp (t/h)