Tam quốc diễn nghĩa: Lý do Tào Phi tha mạng cho Tào Thực dù biết đây là một mối họa

Tam quốc diễn nghĩa: Lý do Tào Phi tha mạng cho Tào Thực dù biết đây là một mối họa

Lương Quốc Tiệp

Lương Quốc Tiệp

Thứ 3, 07/05/2019 06:00

Sau khi lên ngôi không lâu, Tào Phi tìm cách trừ khử mọi mối nguy hiểm với ngai vàng của ông. Trong số đó có em trai ruột – Tào Thực cũng trở thành mục tiêu.

Tào Thực nổi tiếng với tài thơ văn xuất chúng hơn người. Tài năng này của ông được các sử liệu công nhận và cả trong các tác phẩm văn học đề cập đến ông. Trong Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, Tào Phi khi mới lên ngôi vua, trước mặt quần thần đã ép Tào Thực nội trong bảy bước chân phải làm một bài thơ về đề tài huynh đệ, và trong thơ không được có 2 từ huynh đệ, nếu không được sẽ xử chết.

Ngôi sao - Tam quốc diễn nghĩa: Lý do Tào Phi tha mạng cho Tào Thực dù biết đây là một mối họa

Minh họa Tào Thực. (Ảnh: Todayonhistory.com)

Và Tào Thực đã đọc bài thơ sau này được biết đến với cái tên "Thất bộ thi" (Bảy bước thành thơ), lấy cảm hứng từ cây đậu, nội dung nói về việc anh em cùng dòng máu, nguồn gốc sao nỡ hại lẫn nhau (đọc ở cuối bài). Bài thơ quá hay và cảm động nên Tào Phi đã buộc phải tha cho ông.

Đệ nhất thi nhân thời Kiến An

Ngôi sao - Tam quốc diễn nghĩa: Lý do Tào Phi tha mạng cho Tào Thực dù biết đây là một mối họa (Hình 2).

Tấm bia ghi lại cuộc đời Tào Thực phía trong khu tưởng niệm (Ảnh: News.ifeng.com)

Tào Thực (192 - 232), tự Tử Kiến, được sinh ra ở thành Hán Quyên (nay là Quyên Thành, tỉnh Sơn Đông). Không được nhắc đến nhiều trong pho sử Tam quốc chí của Trần Thọ nhưng Thực lại được La Quán Trung ca ngợi rất nhiều trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa.

Tào Thực là con trai thứ ba của Tào Tháo với chính thất Biện phu nhân. Hai người anh của ông là Tào Phi và Tào Chương. Không có sức mạnh và tài năng võ nghệ bằng Tào Chương, lại không so bì được với Tào Phi ở mưu trí và sự sâu sắc, nhưng Thực lại là người con được Tào Tháo yêu quý nhất sau khi Thất Hoàng tử Tào Xung sớm qua đời năm 12 tuổi.

Sự thông minh và năng lực thơ phú của Tào Thực phát lộ từ rất sớm. Theo giai thoại, có lần Tào Tháo xem văn của Thực, tỏ ý nghi ngờ liền hỏi: "Có phải con ta nhờ người khác làm không?". Tào Thực quỳ xuống nói: "Con xuất khẩu thành văn, hạ bút thành thơ, sao lại phải nhờ người khác làm hộ. Nếu phụ vương không tin thì cứ cho thử tại chỗ".

Tào Tháo thử mấy lần, quả thấy Tào Thực tài hoa xuất chúng nên đặc biệt yêu quý. Lúc Tào Tháo xây xong Đồng Tước đài thì Tào Thực chỉ khoảng 10 tuổi. Vậy mà, khi nghe cha ra lệnh các con làm thi phú để tán tụng, ông làm xong bài phú Đồng Tước đài phú chỉ trong nửa canh giờ, khiến không chỉ Tào Tháo mà các quan trong triều kinh ngạc, nể phục.

Cùng với cha Tào Tháo, anh ruột Tào Phi, Tào Thực là 1 trong 3 nhân vật kiệt xuất của văn đàn Kiến An, tiếng tăm lẫy lừng với biệt danh Tam Tào. Hậu thế về sau nhớ đến ông qua giai thoại “Thất bộ thi” trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa, và một số tác phẩm thi ca nổi tiếng như Lạc Thần phú, Tặng Bạch Mã vương Bưu, Khuê tình. ..

Tào Thực còn được biết đến như là một trong những người đầu tiên vận dụng sáng tạo dân ca vào thơ phú. Nhờ ông, thơ ngũ ngôn Trung Quốc đã phát triển đạt đến tinh hoa thời Kiến An. Danh sĩ Tạ Linh Vận thời Đông Tấn từng đánh giá về Tào Thực bằng một câu rất đắt như sau: “Văn chương trong thiên hạ cả thảy một thạch (tức 10 đấu), riêng Tử Kiến (Tào Thực) đã chiếm hết 8 rồi”.

Theo nhà văn Nguyễn Hiến Lên thì “Tào Thực xứng đáng là đệ nhất thi nhân trong hai đời Tần Hán và là người mở đường cho lối thơ diễm lệ đời Lục Triều. Thơ của ông đặc sắc vì lời rất điêu luyện, có nhạc, có đối mà vẫn tự nhiên, đủ văn vẻ lẫn chất phác”.

Nạn nhân của cuộc chiến tranh giành quyền lực trong tập đoàn Tào Ngụy

Ngôi sao - Tam quốc diễn nghĩa: Lý do Tào Phi tha mạng cho Tào Thực dù biết đây là một mối họa (Hình 3).

Tạo hình Tào Phi trên phim.

Theo giai thoại, không ít lần Tào Tháo muốn phong Tào Thực làm Thế tử nối nghiệp nhưng vì nhiều đại thần khuyên không nên bỏ trưởng lập thứ nên mới không thực hiện việc đó. Tào Phi sợ địa vị Thế tử của mình không vững nên tìm mọi cách để “triệt hạ” Thực.

Có lần, Tào Tháo cử Thực đem quân xuất chinh. Phi nghe tin, sai chuẩn bị sẵn tiệc rượu tiễn, chuốc say em trai. Một lát sau, Tháo sai người đến giục lên đường nhưng mấy lần Thực vẫn chưa tỉnh rượu nên Tháo đành bãi bỏ việc sai Thực cầm quân. Đây là 1 trong những sự kiện mang tính bước ngoặt giúp địa vị Thế tử của Tào Phi thêm vững chắc.

Năm 219, Tôn Quyền chiếm được Kinh Châu, giết Quan Vũ sợ Lưu Bị báo thù, liền phái sứ giả đem thư gửi Tào Tháo tỏ ý sẵn lòng quy thuận và khuyên Tào Tháo nên thuận theo mệnh trời, lên ngôi xưng đế, Tào Tháo nhận thư, tiện tay đưa cho các thủ hạ xem rồi cười nói: “Thằng nhãi Tôn Quyền muốn nướng ta trên lò lửa đây”. Từ khi Hán Hiến Đế về Hứa đô, việc triều chính và quyền chỉ huy quân đội hoàn toàn nằm trong tay Tào Tháo. Việc phế bỏ Hán Hiến Đế và tự mình xưng đế đối với Tháo là rất dễ dàng. Nhưng ông ta nghĩ rằng nhà Hán tuy đã vô cùng suy yếu, vẫn còn có danh nghĩa chính thống, nếu mình lên làm hoàng đế, mọi người chưa dễ phục tòng. Vì vậy, Tào Tháo cho rằng, việc Tôn Quyền xúi mình phế bỏ Hiến đế, tự xưng hoàng đế, là có ý đẩy mình vào thế bị thiên hạ phản đối. Trầm ngâm một lát, Tào Tháo nói: “Nếu quả thật là mệnh trời, ta sẽ chỉ làm Chu Văn Vương thôi” (ý nói để tới đời con sẽ chiếm ngôi hoàng đế).

Năm Kiến An thứ 25 (220), Tào Tháo mất, Thế tử Tào Phi kế thừa địa vị Ngụy vương của cha. Lên làm Ngụy Vương, Tào Phi không e ngại dư luận như Tào Tháo. Mùa thu năm đó. Tào Phi sai thân tín liên danh dâng thư lên Hán Hiến Đế, khuyên (thực chất là buộc) Hán Hiến Đế nhường ngôi cho Ngụy Vương, Hán Hiến Đế đã ngồi trên ngai vàng, làm hoàng đế bù nhìn suốt hơn ba mươi năm. Nay nhận được biểu của các đại thần, đành tuyên bố nhượng vị, đổi xưng là Sơn Vương công. Các đại thần còn bày ra một nghi thức nhường ngôi long trọng, để Hán Hiến Đế bưng ngọc tỷ dâng cho Ngụy Vương Tào Phi, tỏ rằng hoàn toàn tự nguyện.

Cũng trong năm 220, Tào Phi xưng đế, dựng nên triều Ngụy. Đó là Ngụy Văn Đế. Tào Phi truy xưng cha mình là Tào Tháo làm Ngụy Võ Đế.

Không lâu sau, Tào Phi tìm cách trừ khử mọi mối nguy hiểm với ngai vàng của ông. Tào Thực trước kia từng được Tào Tháo yêu mến cũng trở thành mục tiêu của Tào Phi. Tào Phi đã giết hết tâm phúc của Thực rồi sau đó phong Thực tước vị ở những nơi hẻo lánh, bị buộc phải rời kinh đô.

"Thất bộ thi": Tuyệt phẩm thi ca giúp Tào Thực thoát cái chết mười mươi

Cũng trong thời điểm này lưu truyền một giai thoại kinh điển, có người tố giác Tào Thực thường xuyên uống rượu mắng chửi Phi. Tào Phi lập tức cử người tới Lâm Trung bắt Tào Thực đem về Nghiệp Thành hỏi tội.

Vương thái hậu Biện thị nghe tin, cuống quýt sợ hãi vội chạy đến xin hộ Tào Thực mong Tào Phi nghĩ tình anh em cùng mẹ mà khoan thứ.

Tào Phi không thể không nghe lời mẹ. Vả lại, chỉ vì một chuyện nhỏ mà giết em ruột, cũng sợ mọi người chê cười, liền gọi Thực tới mắng: “Ta với ngươi tuy tình là anh em, nhưng nghĩa là vua tôi, nếu không kính nể Thái hậu, thì ta quyết không tha mạng cho ngươi. Xưa nay ngươi vẫn cậy tài, vậy hôm nay, để chuộc lỗi, ngươi hãy đứng trước ta bảy bước tiến về phía ta. Hết bảy bước chân, nếu không làm xong bài thơ thì ta sẽ chém. Trong lời thơ, ngươi không được nói gì tới hai từ huynh đệ và nhắc gì tới chuyện hôm nay. Ngươi có làm được không?” Tào Thực sụp lạy, nói: “Xin vâng mệnh”. Sau đó, lùi xa bảy bước và ung dung tiến lên. Biện thị và các thị thần xung quanh chăm chú nhìn Tào Thực, phập phồng lo sợ.

Ngôi sao - Tam quốc diễn nghĩa: Lý do Tào Phi tha mạng cho Tào Thực dù biết đây là một mối họa (Hình 4).

Tạo hình Tào Thực trên phim.

Tào Thực đi lên. Một bước, hai bước, ba bước…, vẫn chưa đọc được gì. Mọi người, đặc biệt là Biện thị, càng lo thắt ruột. Bỗng nhiên, Thực ngẩng cao đầu, sang sảng đọc:

“Chử đậu nhiên đậu cơ

Đậu tại phủ trung khấp

Bản thị đồng căn sinh

Tương tiên hà thái cấp”

Dich:

“Cành đậu dun hạt đậu

Hạt đậu trong nồi khóc

Cùng một góc sinh ra

Đốt nhau sao quá gấp”

Từ bước thứ tư tới bước thứ bảy, mỗi bước đọc xong một câu thơ, và hoàn thành đúng như qui định khắt khe của Tào Phi.

Ý thơ khiến Tào Phi cũng phải trào lệ, ân hận. Ba mẹ con ôm nhau khóc. Mọi người vừa xúc động, vừa vui mừng cảm phục tài năng mẫn tiệp của Tào Thực.

Dù vậy Tào Phi vẫn triệt bỏ tước Lâm Truy hầu của Thực và giáng xuống một tước thấp hơn, bắt đi nhận chức xa kinh thành.

Câu chuyện “thất bộ thi” (bài thơ làm trong bảy bước) của Tào Thực trở thành một giai thoại trong lịch sử văn học Trung Quốc và được truyền tụng mãi.

Ngôi sao - Tam quốc diễn nghĩa: Lý do Tào Phi tha mạng cho Tào Thực dù biết đây là một mối họa (Hình 5).

Lối vào khu tưởng niệm và nơi đặt mộ phần của Tào Thực (Ảnh: Sohu.com)

Về sau, đến đời con của Phi- Ngụy Minh đế Tào Duệ, Tào Thực tuy được mang tước Trần Vương nhưng trong khoảng thời gian hơn 10 năm, ông bị thuyên chuyển 6 lần và cuộc sống chẳng khác gì người tù bị giam lỏng. Dần dần, Tào Thực sinh nhàm chán, u uất, dẫn đến bệnh tật. Tháng 2 năm 232, Tào Thực mất ở Ngụy Trần (nay là Hoài Dương, Hà Nam), hưởng thọ 40 tuổi.

Video: Tào Thực 7 bước làm thơ cứu mạng.

Tào Thực 7 bước làm thơ cứu mạng

Quốc Tiệp (tổng hợp)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.