Lỗ Túc (172 - 217), tên tự là Tử Kính, là một chính trị gia, tướng lĩnh quân sự và nhà ngoại giao phục vụ dưới trướng Tôn Quyền vào cuối thời Đông Hán ở lịch sử Trung Quốc.
Là một trong những thuộc hạ thân tín nhất của Tôn Quyền, Lỗ Túc đã vạch ra chiến lược giúp Tôn Quyền tranh bá với các thế lực phong kiến khác, và ông cũng là người kế nhiệm Chu Du ở vị trí người chỉ huy tối cao của quân đội Giang Đông sau khi Chu Du qua đời. Ông cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập quan hệ liên minh giữa Tôn Quyền và Lưu Bị, và cũng là người rất kiên quyết trong việc phải duy trì quan hệ liên minh giữa hai nhà Tôn - Lưu để chống lại thế lực của họ Tào ở phía bắc.
Lỗ Túc là người Đông Thành, Lâm Hoài (ngày nay là Định Viễn, tỉnh An Huy), xuất thân trong một gia đình hào môn và rất có ảnh hưởng mặc dù trong họ tộc của ông không ai ra làm quan cả. Cha ông qua đời không bao lâu sau khi ông ra đời, và ông lớn lên trong sự bảo bọc của bà nội ông và mẹ.
Khi Đổng Trác nổi lên chiếm đoạt đại quyền triều đình và làm lũng đoạn việc triều chính, Lỗ Túc đã bán hết gia sản của mình và dùng số tiền đó để giúp đỡ những người trong dòng tộc và cùng quê, đồng thời cũng dành thời gian để kết giao với giới nhân sỹ để mở rộng quan hệ. Ngay trong thời gian này, bà nội ông qua đời.
Trong thời gian Chu Du ở Cư Sào, ông nghe tiếng Lỗ Túc ở Đông Thành giàu có phóng khoáng, hay đem tiền của chia cho người nghèo và thích kết giao danh sĩ, bèn đến chỗ Lỗ Túc mượn lương thảo. Nhà Lỗ Túc có 2 vựa lúa lớn, liền đem 1 vựa tặng luôn cho Chu Du. Du rất khâm phục, hai người kết bạn với nhau.
Ít lâu sau, Viên Thuật mời Lỗ Túc ra làm quan huyện Đông Thành, nhưng Lỗ Túc cũng tìm cách từ chối, rồi dẫn cả nhà hàng trăm người đi đến Cư Sào gặp Chu Du. Sau đó, cả hai đưa gia quyến cùng rời Cư Sào, vượt sông về Ngô quận theo Tôn Sách.
Tuy nhiên, Lỗ Túc phục vụ dưới trướng Tôn Sách được một khoảng thời gian nhưng không hề được giao cho trọng trách. Sau khi Tôn Sách qua đời, Chu Du đã tiến cử ông với Tôn Quyền, em trai và cũng là người kế vị Tôn Sách. Ngay trong lần đầu tiên gặp mặt, Tôn Quyền đã rất ấn tượng với Lỗ Túc và rất tôn trọng ông, ngay sau đó ông đã từ chối hết tất cả khách được mời đến dự tiệc, chỉ giữ lại mỗi Lỗ Túc. Tôn Quyền đã mời Lỗ Túc đến ngồi cạnh ông và cả hai đã cùng đàm đạo về việc thiên hạ và thưởng rượu.
Kể từ đó, bộ ba Lỗ Túc, Chu Du, Trương Chiêu là những nhân vật có tiếng nói quyết định trong việc phò trợ, phụ chính, định hướng cho sự phát triển thế lực Tôn gia.
Khi Chu Du lâm trọng bệnh và mất vào năm 210, Lỗ Túc lên thay ông ấy đảm nhận vị trí lãnh đạo tối cao trong quân đội của Tôn Quyền, và ông đã dời bộ chỉ huy đến Lục Khẩu (陸口), để Lưu Bị toàn quyền kiểm soát toàn bộ biên giới Kinh Châu. Về thuật ngữ ngoại giao, phía Tôn Quyền nhận định rằng họ đang cho Lưu Bị "mượn" Kinh Châu để làm căn cứ tạm thời và Lưu Bị có nghĩa vụ phải hoàn trả lại Kinh Châu sau khi ông ta đã thiết lập được căn cứ khác.
Khi Lỗ Túc ngã bệnh và qua đời vào năm 217 ở tuổi 45. Tôn Quyền rất đau buồn và dự lễ tang của ông. Gia Cát Lượng cũng thể hiện lòng thương tiếc đến Lỗ Túc.
Tuy nhiên, trong Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, vai trò của Lỗ Túc bị hạ thấp rất nhiều so với lịch sử.
Ông chỉ được xem là một nhân vật phụ trợ để nhấn mạnh tài trí của Chu Du, và nhất là Gia Cát Lượng. Ông cũng bị sử dụng để cho một ít yếu tố hài hước vào cuộc đối đầu của Chu Du và Gia Cát Lượng, nhất là trong các sự kiện trong trận Xích Bích. Thêm nữa, ông bị miêu tả là một người ngây thơ, thành thật, dễ bị lừa và lợi dụng, dẫn đến việc ông vụng về để mất Kinh Châu vào tay Lưu Bị.
Theo Ngô Sách của Vi Chiêu, Lỗ Túc được miêu tả là một người nghiêm khắc, không màng vật chất, sống một đời giản dị, không ham thích những thú vui tầm thường. Ông giữ kỉ cương quân pháp tốt, xử trí không sai lệch. Ngay cả khi đang ở trong quân, ông vẫn thường xuyên đọc sách. Ông giỏi biện luận và viết lách. Ông có tầm nhìn xa và thường làm gương cho người khác. Lỗ Túc là người giỏi thứ nhì, sau Chu Du.
Video: Lỗ Túc khuyên Tôn Quyền.
Quốc Tiệp (t/h)