Năm 215, trong lúc Lưu Bị đang đối đầu với Tôn Quyền ở Giang Lăng thì Tào Tháo tiến vào Hán Trung, Trương Lỗ đầu hàng. Nhưng khi phân chia xong địa giới hành chính Hán Trung, Tào Tháo lại muốn lui quân về, Tư Mã Ý khuyên Tào Tháo nên nhân đà thắng lợi đánh ngay vào Tây Xuyên khi Lưu Bị vướng Tôn Quyền và chưa thu được nhân tâm đất Thục nhưng Tào Tháo không nghe theo, chỉ để lại Hạ Hầu Uyên, Trương Cáp và Đỗ Tập trấn thủ Đông Xuyên.
Trong khi Lưu Bị phải tập trung vào việc ổn định tình hình Tây Xuyên mới chiếm được, còn Tào Tháo và Tôn Quyền tập trung vào chiến dịch phía đông với nhau, thì xung đột giữa Tào Tháo và Lưu Bị vẫn nổ ra ở phía tây do các thuộc tướng tiến hành.
Năm 217, Trương Cáp mang quân xuống phía nam tiến vào Ba Tây để bắt dân mang về Hán Trung. Trương Phi mang quân ra kháng cự. Hai bên gặp nhau ở Đãng Cừ, Mông Đầu, cầm cự 50 ngày không phân thắng bại. Trương Phi dùng kế, tự mình mang hơn 1 vạn quân ra đường mòn chặn đánh Trương Cáp.
Trương Cáp nghe tin thám mã báo quân Thục đi theo đường mòn, cho rằng Trương Phi muốn tập kích bất ngờ nhân lúc quân mình thiếu lương, liền dẫn quân theo đường mòn truy kích Trương Phi. Nhưng khi quân Tào đuổi đến ải Ngõa Đẩu thì mất dấu tích quân địch. Biết mình trúng kế, Trương Cáp vội lui quân về, nhưng gặp đường núi khó di chuyển thì bị Trương Phi đổ quân mai phục ra đánh. Quân Tào bị thua to, Trương Cáp phải bỏ lại quân sĩ và ngựa chiến dẫn tàn quân men theo đường nhỏ dốc đứng trốn thoát về Nam Trịnh. Mấy vạn quân Tào bị thiệt hại gần hết.
Tam quốc diễn nghĩa mô tả trận này như sau: Trương Phi sai người tung tin ông say rượu trong trướng, để hình người nộm để dụ Trương Cáp vào cướp trại rồi đổ phục binh đánh bại Trương Cáp.
Nghe tin Trương Cáp bại trận, Tào Tháo không trị tội, vẫn phong làm Đãng khấu tướng quân để khuyến khích lập công.
Tào Tháo phái người ám sát Lưu Bị
Trong cuộc chiến tranh giành Hán Trung, Tào Tháo thấy phe cánh của Lưu Bị đã "đủ lông đủ cánh", tiêu diệt trên chiến trường không phải chuyện dễ dàng. Bởi vậy, "gian hùng" bậc nhất Tam quốc này liền tiếp tục dùng thủ đoạn ám sát bằng cách âm thầm phái thích khách tới Hán Trung.
Để thực hiện âm mưu này, thích khách của quân Tào dùng thân phận văn nhân tìm cách tiếp cận, một mặt vừa ca ngợi công lao của Lưu Bị, mặt khác lại vờ mắng Tào Tháo là "Hán tặc".
Sau đó, kẻ này còn cất công đề xuất kế sách phạt Tào Ngụy của chính mình, khiến cho Lưu Bị hết sức tâm đắc.
Đang lúc chuẩn bị hành thích Lưu Bị, thì quân sư Khổng Minh từ bên ngoài tiến vào. Thích khách mặt biến sắc, viện cớ đi nhà xí.
Lưu Bị bấy giờ có khen: "Đây là một vị kỳ nhân, có thể cùng giúp ông".
Khổng Minh chỉ đáp: "Người này có thể là thích khách".
Quả nhiên, “vị kỳ nhân" trong lời nói của Lưu Bị đã bỏ trốn mất tăm.
Trong Tam quốc chí phần Gia Cát Lượng truyện có ghi lại đoạn sự thật lịch sử này. Theo đó, "Tào công phái thích khách đi gặp Lưu Bị, tìm cách nói chuyện, vờ khai ra kế sách phạt Ngụy, rất hợp với ý của Bị.
Đương lúc chuẩn bị hành thích, Gia Cát Lượng đi vào, thích khách sắc mặt lúng túng. Lượng quan sát thấy vẻ bất thường… Lượng nói: 'quan khách này sắc động thần uy, gian hình ngoại lậu, tà tâm nội tàng, tất là thích khách của quân Tào.' Ngay sau đó, thích khách trèo tường bỏ chạy".
Để ám sát Lưu Bị, Tào Tháo đã cất công chọn lựa ra một văn nhân không thua kém nhiều so với Gia Cát Lượng. Chỉ tiếc rằng kẻ này có mưu mà không có dũng, có trí tuệ nhưng lại nhát gan, nên đã sớm bị Gia Cát Lượng nhìn ra sơ hở và bắt thóp.
Kết quả của trận chiến Hán Trung, quận Thượng Dung và Tây Thành đầu hàng Lưu Bị. Toàn Đông Xuyên mà Tào Tháo đánh chiếm năm 215 mất về tay Lưu Bị.
Lưu Bị chiếm được toàn bộ Ích Châu, lãnh thổ mà ông quản lý rộng nhất trong toàn bộ sự nghiệp (gồm Ích Châu và 4 quận Kinh Châu là Vũ Lăng, Nam Quận, Nghi Đô, Phòng Lăng).
Không lâu sau thắng lợi này, Lưu Bị tự xưng là Hán Trung vương, đứng ngang hàng với Tào Tháo (đã xưng Ngụy vương năm 216).
Quốc Tiệp (t/h)