Tào Tháo (155-220) là nhà chính trị, quân sự kiệt xuất cuối thời Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc. Ông là người đặt nền móng hình thành Tào Ngụy thời Tam quốc. Nếu không vì chủ quan dẫn đến thất bại trong trận Xích Bích có lẽ Tào Tháo đã thống nhất được thiên hạ.
Tào Tháo còn gọi Tào A Man, tự là Mạnh Đức, ông là người huyện Bạc, tỉnh An Huy, Trung Quốc. Dù mang tiếng đa nghi, gian trá, ông vẫn được đánh giá là người dũng cảm, mưu trí hơn người.
Tào Tháo yêu người tài, khát người tài, tìm mọi cách để có được người tài, chính vậy bên cạnh ông luôn có những mưu sĩ hàng đầu thời bấy giờ theo phò tá. Tuy nhiên, một người luôn coi trọng nhân tài như Tào Tháo lại từng xuống tay với nhiều nhân tài kiệt xuất, việc này khiến Tào Tháo rất ân hận.
Theo Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, vào năm 200, Viên Thiệu dẫn quân tấn công Tào Tháo ở trận Quan Độ. Thư Thụ khuyên Viên Thiệu không được khinh địch, và nên đợi cơ hội thích hợp. Thiệu không nghe, nên giam Thư Thụ ở trong quân.
Viên Thiệu giao cho Thuần Vu Quỳnh canh giữ lương ở Ô Sào. Thư Thụ biết rằng Thuần Vu Quỳnh nghiện rượu, không thích hợp cho việc canh giữ lương thảo nên đã khuyên Viên Thiệu thay bằng người khác. Lúc đó, Viên Thiệu đã quá mệt mỏi với Thư Thụ nên đã phớt lờ đề nghị này.
Đúng như Thư Thụ dự đoán, quân Viên Thiệu thảm bại ở trận Quan Độ và toàn bộ lương thảo ở Ô Sào bị quân Tào Tháo đốt sạch. Viên Thiệu phải chạy đến Hà Bắc nhưng vì Thư Thụ bị giam nên không chạy được. Vốn có quen biết với Tào Tháo, nhưng khi gặp Tào Tháo ông tỏ ý không đầu hàng. Tào Tháo tiếc tài năng của ông nên tỏ ý muốn thu dụng, do đó giữ ông lại và hậu đãi. Tuy nhiên, Thư Thụ không chịu hàng và đã tìm cách trốn về Hà Bắc, nhưng bị quân Tào phát hiện bắt giữ, Tào Tháo bèn ra lệnh giết chết ông. Không rõ khi đó Thư Thụ bao nhiêu tuổi. Sau đó Tào Tháo ân hận vì đã giết ông, sai làm lễ hậu, chôn ở cửa sông Hoàng Hà.
Thư Thụ (?-200), tên tự là Công Dữ, là mưu thần cuối thời Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc. Ông cùng với Điền Phong, được coi là mưu sĩ tài năng nhất của Viên Thiệu. Thư Thụ thường đưa ra những lời khuyên chuẩn xác cho Viên Thiệu, nhưng phần lớn đều bị bỏ ngoài tai.
Thư Thụ vốn là mưu thần dưới quyền Châu mục Ký Châu Hàn Phức. Năm 192, Viên Thiệu bày mưu cùng Công Tôn Toản tấn công Ký Châu của Hàn Phức khiến Hàn Phức sợ hãi xin nhường Ký Châu cho Viên Thiệu. Thư Thụ đi theo Viên Thiệu.
Ông được Viên Thiệu bổ nhiệm làm Yết giả. Lúc đó vua Hán Hiến Đế đang bị Đổng Trác khống chế, đưa từ Lạc Dương đi Trường An. Viên Thiệu hỏi kế ông cách chinh phục thiên hạ. Thư Thụ hiến kế sách được Viên Thiệu khen kế hay, phong cho ông làm Phấn vũ tướng quân, lệnh cho ông giám hộ các bộ tướng. Nhưng mưu kế của ông không được thi hành.
Năm 195, Hán Hiến Đế bổ nhiệm Viên Thiệu làm Hữu tướng quân. Cuối năm đó, vì loạn Lý Thôi và Quách Dĩ ở Trường An, Hiến Đế phải bỏ chạy về phía đông. Thư Thụ bèn khuyên Viên Thiệu nghênh đón Hiến Đế về Nghiệp Thành:
“Ngài... nên xuống phía tây đón đại giá hoàng đế, đưa vào trú ở Nghiệp Đô, như thế có thể khống chế được thiên tử mà lệnh cho chư hầu, tích trữ binh mã để dẹp bọn chưa phục”.
Viên Thiệu vốn tán đồng ý kiến này, nhưng lúc đó Thuần Vu Quỳnh và Quách Đồ không đồng tình. Viên Thiệu thấy họ nói có lý, nghe theo Quách Đồ. Ngay sau đó Tào Tháo ở Duyện Châu mang quân tới đón Hán Hiến Đế, giành Hiến Đế từ tay Dương Phụng, Hàn Tiêm, trở thành người "mượn danh thiên tử sai khiến chư hầu". Viên Thiệu hối hận không nghe lời Thư Thụ đã muộn.
Nhiều nhà nghiên cứu nhận định nếu Viên Thiệu chịu nghe mưu kế của Thư Thụ, thì họ Viên sớm đã chiếm được thiên hạ, chứ không phải chịu kết cục bại vong thảm hại.
La Quán Trung làm thơ về Thư Thụ:
Hà Bắc nhiều danh sĩ
Trung trinh có Thư quân
Mắt trông hiểu trận pháp
Mặt ngẩng biết thiên văn
Đến chết lòng son sắt
Lâm nguy chí tựa vân
Tào công trọng vì nghĩa
Bia cao dựng trước phần.
Video: Tào Tháo tha Trần Lâm.
Quốc Tiệp (t/h)