Viên Thiệu chịu tang cha mẹ 6 năm
Ông là một trong những thế lực quân phiệt hùng mạnh nhất thời Tam quốc, thống lĩnh Ký Châu, U Châu, Tịnh Châu, Thanh Châu, được gọi là Hà Sóc Tứ Châu. Vào thời kì đầu Tam quốc, ông là đối thủ mạnh nhất của Tào Tháo, lúc đó chỉ làm chủ Duyện Châu, yếu thế hơn hẳn. Thế nhưng sau thất bại ở trận Quan Độ, ông đã bị Tào Tháo đánh bại và cũng vì chiến thắng này mà Tào Tháo trở thành sứ quân hùng mạnh nhất bấy giờ.
Về thân thế, Viên Thiệu là người Nhữ Dương, quận Nhữ Nam. Xuất thân từ sĩ tộc trứ danh Nhữ Nam Viên thị, cha của ông là Viên Bàng làm Tư đồ thời Hán Linh Đế.
Tuy nhiên, Viên Bàng mất sớm, Viên Thiệu mồ côi cha từ nhỏ. Do danh vọng trong nhà, từ lúc trẻ Viên Thiệu đã được bổ nhiệm làm quan lang. Đến khi trưởng thành, ông thăng tiến làm quan đứng đầu Bộc Dương. Sau đó mẹ ông qua đời, ông về nhà chịu tang trong 3 năm. Nhớ tới cha Viên Bàng mất sớm, ông lại chịu tang cha thêm 3 năm nữa.
Sau 6 năm chịu tang cha mẹ, ông chuyển đến kinh đô Lạc Dương. Với ngoại hình đẹp đẽ, giỏi bồi dưỡng danh vọng, khéo léo lấy lòng kẻ sĩ Viên Thiệu được nhiều môn khách đến theo, xe cộ chật tắc đường. Ông giao du với các danh sĩ Trương Mạnh Trác, Hà Bá Cầu, Ngô Tử Khanh, Hứa Du, Ngũ Đức Du,...
Tào Tháo đánh Đào Khiêm báo thù cho cha
Tào Tung tự là Cự Cao, ông từng được giữ các chức vụ Tư Lệ hiệu uý, Đại Tư nông, Đại hồng lư thời Đông Hán. Vì triều đình của Hán Linh Đế cho mua quan bán tước nên sau đó Tào Tung mang nhiều tiền đi hối lộ các hoạn quan trong triều và bỏ ra 10 triệu quan tiền mua được chức quan Thái uý trong vài tháng.
Giữa năm 193, Tào Tung từ Lạc Dương cùng con út là Tào Tật và gia quyến tới Lang Nha định dưỡng lão, mang theo hơn 100 xe hành lý chứa nhiều vàng bạc châu báu. Tào Tung đi ngang qua Từ Châu được thứ sử Từ Châu là Đào Khiêm vì khiếp sợ trước uy phong và dã tâm của Tào Tháo, đã sai bộ tướng đi hộ tống Tào Tung để lấy lòng Tào Tháo.
Trong Tam quốc chí của sử gia Trần Thọ, chép rằng Đào Khiêm sai thủ hạ là Trương Cương đi hộ tống cho Tào Tung, khi đoàn đến địa phận giữa Thái Sơn và huyện Hoa, huyện Phí thì Trương Cương nổi lòng tham của cải, nên đã giết chết ông và cướp hết đồ rồi bỏ trốn đến Hoài Nam.
Sách Hậu Hán thư thì không nói rõ viên tướng nào giết Tào Tung, chỉ nói rằng do quân sĩ của Đào Khiêm đóng ở huyện Âm Bình do nổi lòng tham nên đã giết Tào Tung cướp của cải.
Tào Tháo nghe tin cha bị hại ở Từ Châu, cho rằng Đào Khiêm đồng mưu sai khiến thủ hạ, bèn cất vài chục vạn quân đi đánh Từ Châu để trả thù. Tào Tháo cũng muốn nhân đó chiếm luôn địa bàn Từ Châu liền kề với Duyện Châu để mở rộng thế lực.
Bàn về cái chết của Tào Tung, sử gia Lê Đông Phương cho rằng lẽ ra trong thời loạn lạc, ông không nên mạo hiểm di dời với số đông người và nhiều của cải trong một hành trình dài đến thế.
Từ Thứ quy hàng Tào Tháo vì mẹ
Từ Thứ có tên tự là Nguyên Trực, ban đầu ông đi theo phò tá Lưu Bị. trong Tam quốc diễn nghĩa, ông đã hiến kế cho Lưu Bị đánh bại tướng của Tào Tháo là Tào Nhân, đánh úp chiếm Phàn Thành. Tào Tháo lập mưu bắt mẹ Từ Thứ, dù Từ mẫu không đồng ý cộng tác nhưng Tào Tháo dùng mưu kế của Trình Dục, bắt chước nét chữ của bà để viết thư dụ Từ Thứ.
Từ Thứ tưởng là thư của mẹ gửi nên đành từ biệt Lưu Bị ra đi. Ông nói hết tên tuổi thật của mình và tiến cử Gia Cát Lượng với Lưu Bị, sau đó đi Hứa Xương. Mẹ Từ Thứ khi thấy con trai đến thì rất tức giận, chửi mắng ông rồi tự vẫn. Từ Thứ biết mình bị lừa, nguyện suốt đời không giúp kế gì cho Tào Tháo.
Vụ việc này được gọi là điển tích Từ Thứ quy Tào. Theo nhiều nhà nghiên cứu, việc Tào Tháo cho người bắt chước nét chữ của mẹ Từ Thứ để viết thư dụ ông là do nhà văn La Quán Trung đã hư cấu, vì thực tế mẹ Từ Thứ tự nguyện viết thư cho ông, thời gian xảy ra việc này sau trận Đương Dương Tràng Bản năm 208.
Còn tiếp…
Quốc Tiệp (t/h)