Quan Vũ tự Vân Trường là nhân vật có thật trong lịch sử, đứng đầu Ngũ hổ tướng nhà Thục Hán, có ảnh hưởng sâu rộng tới văn hóa Trung Quốc nói riêng và Đông Á nói chung. Nhưng hình tượng của Quan Vũ, qua tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa, đã được thần thánh hóa quá mức đặc biệt là các chiến tích của ông.
Tại hồi thứ 26 trong Tam quốc diễn nghĩa - Viên Bản Sơ hao binh tổn tướng; Quan Vân Trường treo ấn gói vàng. Văn Xú thực lực không thua kém Nhan Lương, do sốt ruột vì muốn báo thù cho người anh em, Văn Xú đã tự dẫn quân xông đến trước trận, một mình đánh với cả Trương Liêu, Từ Hoảng mà vẫn thắng. Điều đó cho thấy thực lực của Văn Xú mạnh đến mức các tướng giỏi của Tào cũng đánh không lại.
Thế nhưng sau đó lại bị Quan Vũ dễ dàng chém chết khi đuổi theo. Đó là chuyện viết trong tiểu thuyết. Còn trong thực tế, Văn Xú một mình đánh với 2 tướng Tào, không hề sợ hãi, càng đánh càng hăng. Dù thế nào cũng không thể như La Quán Trung mô tả: vừa gặp Quan Vũ đánh chưa được ba hiệp đã thấy núng thế liền quay ngựa chạy. Ngựa Xích Thố chạy quá nhanh, sấn kịp ngay sau lưng Văn Xú; Quan Vũ đưa một nhát đao, Văn Xú chết ngay dưới chân ngựa.
Tuy nhiên, về cái chết của Văn Xú theo sử liệu, vào năm 200, sau khi Nhan Lương bị Quan Vũ giết chết trong trận Bạch Mã, Viên Thiệu đã đem toàn bộ quân của mình và tấn công quân đội của Tào Tháo tại Diên Tân. Văn Xú cùng với Lưu Bị (lúc đó đang nương nhờ Viên Thiệu) được cử làm tiên phong với 5000 kị binh đuổi theo Tào Tháo. Tào Tháo sai quân bỏ lại lương thảo và ngựa. Quân Văn Xú thấy vậy nên bỏ cả hàng ngũ, tranh nhau cướp ngựa. Bấy giờ Tào Tháo mới sai quân quay lại đánh. Quân của Tháo tuy ít hơn nhưng tinh nhuệ, đánh bại quân Văn Xú và ông cũng chết trong đám loạn quân.
Suýt giết được Công Tôn Toản
Văn Xú (? – 200) là một võ tướng thời Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc. Ông phục vụ dưới quyền Viên Thiệu. Có rất ít tư liệu lịch sử nói về ông, nhưng phần lớn đều so sánh sự dũng mãnh của ông ngang bằng với Nhan Lương, một tướng khác của Viên Thiệu.
Năm 191, liên minh đánh Đổng Trác tan rã, chia bè đánh lẫn nhau. Viên Thiệu khi đó là Thái thú Bột Hải (thuộc Ký châu) muốn đoạt toàn bộ Ký châu của Châu mục Hàn Phức, nghe theo lời mưu sĩ Phùng Kỷ bèn viết thư mời Công Tôn Toản cùng đánh Ký châu, nhân đó sẽ dọa Hàn Phức phải cầu viện mình.
Công Tôn Toản được thư, bèn nhân danh Đổng Trác mang quân tới Ký châu đánh Hàn Phức (vì Phức đã tham gia liên minh với Viên Thiệu. Hàn Phức không chống nổi quân Công Tôn Toản, phải đóng cửa thành cố thủ. Viên Thiệu nhân đó sai cháu là Cao Cán và mưu sĩ Tuân Thần đến du thuyết Hàn Phức, khuyên nên nhường Ký châu cho Viên Thiệu, nếu không họ Viên sẽ liên minh với Công Tôn Toản lấy Ký châu.
Quả nhiên Hàn Phức sợ và đồng ý giao lại Ký châu cho Viên Thiệu. Viên Thiệu bèn lấy cả Ký châu không chia cho Công Tôn Toản. Từ đó Công Tôn Toản mang thù với Viên Thiệu. Cộng với việc Công Tôn Việt trúng tên của quân Viên Thiệu và tử trận, vì vậy Công Tôn Toản càng hận Viên Thiệu giết em mình.
Để báo thù Viên Thiệu, tháng 12 năm 191, Công Tôn Toản dâng biểu về triều đình do Đổng Trác thao túng, kể 10 tội của họ Viên, rồi khởi binh đánh luôn các quận Ký châu để mở rộng địa bàn. Nhiều nơi bỏ Viên Thiệu theo hàng ông.
Trong một lần khi đang đem quân đánh Viên Thiệu, giữa đường Công Tôn Toản bị mai phục. Văn Xú đuổi theo gần giết được Toản, Triệu Vân chạy lại đánh Văn Xú, nhờ vậy Công Tôn Toản thoát được.
Video: Quan Vũ giết Văn Xú.
Quốc Tiệp