Sau khi Kinh Châu thất thủ và Quan Vũ bị giết, Lưu Bị đã vô cùng oán hận Đông Ngô. Cuối năm 220, Tào Phi ép Hán Hiến Đế nhường ngôi, xưng đế và kiến lập nhà Tào Ngụy, sau đó không lâu Lưu Bị cũng lên ngôi ở Thành Đô kiến lập Thục Hán là sự kế thừa của nhà Hán.
Vừa lên ngôi, Lưu Bị đã muốn lấy lại Kinh Châu và tháng 7 năm 221, để trả thù cho Quan Vũ nên Lưu Bị đã tuyên bố tuyệt giao với Đông Ngô, đem đại quân tiến đánh Tôn Quyền. Lưu Bị đánh Đông Ngô là vi phạm sách lược "liên Ngô chống Tào" của Gia Cát Lượng. Gia Cát Lượng biết đánh Ngô hại nhiều hơn lợi nhưng không can ngăn nổi Lưu Bị.
Lưu Bị đích thân ngự giá thân chinh, thống lĩnh 4 vạn quân Thục đông chinh (Tam quốc diễn nghĩa hư cấu lên 70 vạn) cùng với sự trợ giúp của Man Vương Ma Sa Kha tấn công Đông Ngô để chiếm lại Kinh Châu và trả thù cho Quan Vũ. Quân Ngô liên tiếp thất bại trước sự tấn công của quân Thục, Tôn Quyền quyết định bái Lục Tốn làm Đại đô đốc, chỉ huy quân Ngô chống lại quân Thục.
Lục Tốn đã thiết lập rất nhiều doanh trại và chiến lũy trên đường tiến quân của quân Thục chứ không trực tiếp giao chiến với quân Thục. Tuy chiến lược này sẽ khiến nước Ngô mất đi khá nhiều đất đai, nhưng ông lại có đủ thời giờ để chuẩn bị lại lực lượng sau những thất bại liên tiếp. Những chốt phòng ngự trọng điểm cũng được lập ra nhằm làm chậm quá trình tiến quân của quân Thục cũng như gây khó khăn cho việc vận chuyển quân nhu của kẻ địch. Mưu kế này đã có tác dụng khi Lưu Bị hạ lệnh cho quân thủy lên bộ hạ trại. Giữa Tỉ Quy và Hào Đình cách nhau 700 dặm, Lưu Bị lập ra liên tiếp mấy chục doanh trại bằng gỗ cây rừng. Lập liên trại với khoảng cách xa như vậy là sai lầm của Lưu Bị, tối kỵ đối với nhà binh. Tào Phi ở Lạc Dương nghe tin này cũng đoán Lưu Bị sẽ thất bại.
Giữa năm 222, khi biết tin quân Thục đã có dấu hiệu bị bệnh dịch, sau nhiều tháng kiên thủ, Lục Tốn quyết định đây chính là thời cơ phản công. Đầu tiên, ông cử nghi binh tới một số doanh trại của quân Thục cách nhau nhằm đánh lạc hướng các tướng Thục. Kế đến ông lệnh cho quân sĩ dùng hỏa công tấn công vào các trại còn lại. Sau cùng ông ra lệnh tổng tấn công vào doanh trại quân Thục từ 3 hướng khác nhau khiến cho quân Thục đại bại, toàn quân gần như bị tiêu diệt.
Lưu Bị chỉ còn tàn quân chủ lực chạy vào núi Mã Yên, bị Lục Tốn truy kích. Ông phải sai quân mang khôi giáp đốt để chặn đường quân Ngô, sau đó chạy qua rồi phá đường sạn đạo Di Lăng để ngăn quân Ngô đuổi theo, cuối cùng chạy thoát về thành Bạch Đế trong tình cảnh rất thê thảm. Lục Tốn nổi danh nhờ vào chiến công đại phá quân Thục ở Di Lăng nên nhận được sự ngưỡng mộ từ các tướng lĩnh và quan lại nước Ngô.
Trong Tam quốc diễn nghĩa, La Quán Trung mô tả Lục Tốn lúc này là một "thư sinh trẻ tuổi, chưa có tiếng tăm" (tính ra lúc đó Lục Tốn đã 40 tuổi) khiến các tướng ban đầu không phục. Khi Lục Tốn ham truy kích Lưu Bị tới Vu huyện thì bị lọt vào Bát trận đồ mà Gia Cát Lượng đã giăng sẵn, không sao tìm được đường ra, suýt mất mạng thì cha vợ của Khổng Minh là Hoàng Thừa Ngạn đã xuất hiện và dẫn Lục Tốn ra khỏi Bát trận đồ. Lục Tốn sợ hãi phải lui binh.
Các sử gia lý giải rằng, dù Bát trận đồ là sa bàn đóng quân có thực mà Khổng Minh tạo ra, nhưng Lục Tốn chưa từng tiến quân tới Vu huyện và không bị lọt vào Bát trận đồ này. Chính vì vậy không có chuyện Lục Tốn bị lạc trong trận không tìm được đường ra.
Tam quốc diễn nghĩa kể rằng, Lưu Bị thua chạy, Lục Tốn mang quân đuổi theo truy kích. Khi đuổi đến ải Quỳ Quan, Tốn ngồi trên ngựa, trước mặt thấy chỗ cạnh bờ sông bên sườn núi có một đám sát khí bốc ngùn ngụt lên tận trời. Tốn nghi có mai phục nên cho đại quân dừng lại, lùi 10 dặm, dựng trại đợi địch đến giao chiến.
Quân do thám về báo không thấy bất cứ đạo binh mã nào. Tốn vẫn chưa tin, tự mình cưỡi ngựa lên núi quan sát nhưng cũng không thấy bất cứ dấu hiệu khả nghi nào khác. Tuy vậy, càng về tối thì sát khí bốc lên ngày càng mạnh. Lục Tốn nghi hoặc, sai người tâm phúc đi do thám. Người đó về báo rằng không có quân mã nào mai phục mà chỉ có chừng tám chín mươi đống đá ngổn ngang dựng ở cạnh bờ sông. Tốn tự mình đi hỏi thổ dân ở đó thì được biết bến này tên là Ngư Phúc, trước khi vào Xuyên, Gia Cát Lượng đi qua đây đã lấy đá bày ra thế trận này. Từ đó, ngày nào cũng có sát khí bốc lên ngùn ngụt.
Lục Tốn tự mình thân chinh, mang vài chục quân kỵ mã đến tận nơi dò la. Tốn đứng trên núi nhìn xuống thì thấy thạch trận này bốn mặt tám phương đều có cửa ra vào. Tốn cười cho đó là mê thuật làm mê hoặc lòng người. Đoạn, Tốn cầm quân thân chinh đi vào bãi đá xem xét.
Khi chuẩn bị trở về, bỗng đâu một cơn gió lớn nổi lên, cát sỏi bay lên mù mịt, lại thấy đá dựng lên chơm chởm như gươm cắm, cát nổi lên từng đống như núi, dưới sông lại thấy nước chảy cuồn cuộn, tiếng reo như trống rung. Lục Tốn giật mình nói: “Ta mắc phải mẹo Gia Cát Lượng mất rồi”. Tốn vội vàng tìm đường ra nhưng đã lạc vào thạch trận, loay hoay mãi vẫn chưa thấy lối thoát. Đang trong cơn túng quẫn thì bỗng đâu thấy một cụ già đứng ở trước ngựa, nói: “Tướng quân có muốn ra khỏi trận này không?”. Tốn cầu xin ông cụ dẫn ra khỏi thạch trận.
Cụ già chống gậy, đi từ từ dẫn Lục Tốn thoát khỏi thạch trận. Tốn đa tạ rồi hỏi danh tính thì mới biết đó chính là Hoàng Thừa Ngạn tiên sinh, bố vợ của Gia Cát Lượng. Hoàng tiên sinh giải thích: “Khi rể lão vào Xuyên, có bày thạch trận ở đây, gọi là Bát trận đồ chia làm tám cửa, theo hưu, sinh, thương, đỗ, cảnh, tử, kinh, khai, trong độn giáp. Mỗi ngày, mỗi giờ, biến hoá không biết đâu mà lần, sánh bằng mười vạn tinh binh. Khi con rể lão đi có dặn lão rằng: “Về sau, có đại tướng Đông Ngô lạc vào trận này, thì đừng có đưa ra!” Mới rồi, lão chơi trên sườn núi. Thấy tướng quân từ cửa Tử đi vào, chắc rằng không hiểu trận này, thế nào cũng lạc lối. Lão xưa nay ưa làm phúc, không nỡ để tướng quân chết tại đây, cho nên dắt tướng quân ra cửa sinh”.
Tốn lại hỏi phép bày trận này có học được không, Hoàng Thừa Ngạn trả lời: “Phép trận này biến hóa vô cùng, không sao học được”. Tốn lạy tạ rồi quay ngựa ra về, đến trại than rằng: “Khổng Minh đúng là “Rồng nằm”! Ta không bằng được!”, rồi hạ lệnh rút quân.
Video: Lục Tốn suýt chết vì Bát trận đồ của Khổng Minh.
Quốc Tiệp (t/h)