Năm 2023, doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng hải gặp khó khăn do xung đột một số khu vực diễn biến khó lường, kinh tế nhiều nước rơi vào suy thoái hậu Covid-19, nhu cầu tiêu dùng bên ngoài suy giảm, đặc biệt là từ các thị trường xuất khẩu trọng điểm như Mỹ và châu Âu.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong năm 2023 ước đạt 683 tỷ USD, giảm 6,6% so với năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 4,4%; nhập khẩu giảm 8,9%.
Dù thị trường có nhiều biến động, song trong năm 2023, nhiều doanh nghiệp cảng biển – vốn được xem là “đầu tàu” chịu tác động của chuỗi cung ứng vẫn có lợi nhuận tăng trưởng so với năm 2022.
Điển hình như CTCP Cảng Đà Nẵng, báo cáo tài chính quý IV/2023 của Cảng Đà Nẵng cho thấy lợi nhuận sau thuế đạt 70,1 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, lũy kế năm 2023, con số này là hơn 275,1 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,25% so với năm 2022. Đây cũng là mức cao kỷ lục của công ty kể từ khi cổ phần hóa vào năm 2014.
Cũng ghi nhận mức tăng trưởng tốt là CTCP Cảng Sài Gòn. Trong quý cuối năm 2023, doanh thu thuần của doanh nghiệp đạt 269 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, hoạt động cung cấp dịch vụ khai thác cảng chiếm phần lớn trong cơ cấu doanh thu với 180 tỷ đồng, còn lại đến từ kinh doanh bất động sản, xây lắp và các hoạt động khác. Trong quý IV/2023, Cảng Sài Gòn báo lãi sau thuế đạt gần 69 tỷ đồng, tăng gấp 7 lần so với quý IV/2022.
Lũy kế năm 2023, dù doanh thu “đi lùi” 15%, đạt 942 tỷ đồng, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế của Cảng Sài Gòn vẫn tăng đến 45% so với năm 2022, với 295 tỷ đồng.
CTCP Cảng Hải Phòng cũng có một năm đạt kết quả sản xuất kinh doanh tích cực. Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023 của doanh nghiệp ghi nhận mức doanh thu và lợi nhuận sau thuế trong quý cuối cùng của năm 2023 đạt 577 tỷ đồng và 127 tỷ đồng, giảm lần lượt 6% và 17% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế cả năm, lợi nhuận trước thuế và sau thuế của Cảng Hải Phòng đạt lần lượt là 915 tỷ đồng và hơn 746 tỷ đồng, tăng khoảng 3% so với năm trước. Đây là mức lợi nhuận cao nhất mà doanh nghiệp này đạt được kể từ khi niêm yết đến nay.
Cũng ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan là CTCP Cảng Quy Nhơn. Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023 của doanh nghiệp cho thấy mức lợi nhuận sau thuế trong 3 tháng cuối cùng của năm 2023 đạt hơn 23 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 31 tỷ đồng.
Lũy kế cả năm 2023, doanh nghiệp báo lãi sau thuế đạt 112,3 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần so với năm trước mặc dù doanh thu giảm đến 12% (938 tỷ đồng).
Một doanh nghiệp khác là CTCP Cảng Đồng Nai năm 2023 ghi nhận doanh thu đạt 1.167 tỷ đồng, tăng nhẹ 9% so với năm 2022. Với mức doanh thu trên, doanh nghiệp này tiếp tục phá kỷ lục năm 2022, ghi nhận mức doanh thu cao nhất lịch sử.
Nhờ tiết giảm được các loại chi phí và hoạt động tài chính khởi sắc, doanh nghiệp này báo lãi trước thuế tăng 26% so với năm 2022, đạt 368 tỷ đồng. Lãi sau thuế cũng có mức tăng tương đương, đạt 295 tỷ đồng. Đây cũng là mức lãi cao nhất của doanh nghiệp này từng có.
Với kết quả kinh doanh như trên, Cảng Đồng Nai cũng vượt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm lần lượt 17,8% và 36%.
Bên cạnh các cảng biển đón “tin mừng” sau năm kinh doanh 2023, một số doanh nghiệp cũng gặp phải tình trạng không mấy khả quan. Trường hợp như CTCP Cảng Cam Ranh, cả năm 2023, ghi nhận doanh thu giảm 5% so với năm 2022, đạt 143 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 14,8 tỷ đồng, gần như đi ngang so với năm 2022.
Năm 2023, Cảng Cam Ranh đặt mục tiêu đạt 165 tỷ đồng doanh thu và 23,5 tỷ đồng lợi nhuận. Như vậy, sau một năm kinh doanh, doanh nghiệp này chỉ hoàn thành 86% mục tiêu doanh thu và gần 63% mục tiêu lợi nhuận.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) trong năm 2023, doanh thu thuần của VIMC đạt 12.813 tỷ đồng giảm 10,6% so với năm 2022, trong khi lợi nhuận trước thuế giảm tới 30,8%, thu về 2.114 tỷ đồng, tương ứng hoàn thành 90% kế hoạch.
Riêng với mảng khai thác cảng biển và dịch vụ hàng hải, VIMC ghi nhận doanh thu giảm 15% so với năm 2022, đạt 6.308 tỷ đồng và lợi nhuận gộp giảm gần 9%, đạt 1.800 tỷ đồng.
Kỳ vọng gì cho năm 2024?
Theo nhận định của Công ty chứng khoản SSI trong báo cáo "Triển vọng Ngành Cảng biển & Logistics năm 2024" mới đây, ngành cảng biển trong năm 2024 sẽ là phục hồi sản lượng do nhu cầu xuất nhập khẩu cải thiện (đặc biệt là từ việc bổ sung hàng tồn kho ở Mỹ/Châu Âu), trong khi nguồn cung sẽ duy trì ổn định đến năm 2025.
Đầu tiên, theo kịch bản cơ sở của SSI là nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng chậm, nhưng sẽ không có tình trạng hạ cánh cứng/suy thoái nghiêm trọng và mất việc làm/thu nhập đáng kể, và các doanh nghiệp bán lẻ sẽ đẩy mạnh bổ sung hàng tồn kho sau khi giảm hàng tồn kho trong 1,5 năm qua.
Đợt cắt giảm lãi suất tiếp theo của ngân hàng trung ương sẽ là một yếu tố hỗ trợ khác cho chi tiêu của người tiêu dùng và sản xuất, tất cả động thái đều giúp khối lượng hàng hóa vận tải biển và xếp dỡ tại cảng tăng lên.
Thứ hai, SSI cho rằng tăng trưởng sản lượng có thể cao hơn đối với các cảng nước sâu với mức tăng trưởng 15% so với cùng kỳ (hoạt động nhiều hơn ở thị trường Mỹ/Châu Âu) so với các cảng trung chuyển với mức tăng 7% so với cùng kỳ (hoạt động chủ yếu ở thị trường thương mại nội Á), điều này sẽ có lợi cho những công ty có cảng nước sâu như GMD, MVN.
“Yếu tố hỗ trợ tăng trưởng đối với ngành vận tải biển một lần nữa lại đến từ căng thẳng địa chính trị. Căng thẳng địa chính trị hiện nay (chiến tranh Nga - Ukraine, xung đột Israel – Hamas - Hezbollah tại Trung Đông, các cuộc tấn công tàu hàng gần đây của Houthi tại Biển Đỏ...) sẽ là yếu tố hỗ trợ cho ngành, đặc biệt là đối với vận tải biển vì khi xảy ra xung đột khiến các tuyến đường biển kéo dài hơn, giảm nguồn cung và hỗ trợ vận chuyển hàng hóa”, SSI đánh giá.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT đã phê duyệt Thông tư 39/2023/TT-BGTVT quy định biểu giá mới về xếp dỡ container tại cảng biển và các dịch vụ khác cho tất cả các cảng biển Việt Nam. Đây được coi là động thái được tất cả các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong ngành chờ đợi từ lâu, nhằm tăng giá sàn cho dịch vụ xếp dỡ container lên khoảng 10% đối với cả cảng trung chuyển và cảng nước sâu so với Thông tư 54/2018/TT-BGTVT, có hiệu lực từ ngày 15/02/2024. Đây cũng sẽ là yếu tố hỗ trợ cho ngành, đặc biệt là các cảng biển có công suất hoạt động cao và nằm ở những vị trí ít bị cạnh tranh hơn (khu vực cảng nước sâu như Lạch Huyện và Cái Mép).
Do đó, SSI kỳ vọng, lợi nhuận ngành sẽ được hỗ trợ từ sự tăng trưởng về sản lượng hàng hóa tại các cảng biển và giá cước/giá thuê tàu có thể cao hơn ở các hãng tàu.