Các ý tưởng marketing cổ xúy cho việc phát triển thị trường, mở rộng thị phần, xúc tiến bán hàng và gia tăng doanh số bán. Lợi nhuận to lớn đồng nghĩa với tiêu thụ lớn. Sản xuất phục vụ tiêu thụ lớn đồng nghĩa với đất mẹ bị tận dụng đến mức tối đa. Có sản phẩm nào không lấy ra từ đất. Đất kiệt quệ đến lúc nào đó sự tiêu thụ phải dừng lại.
Hạnh phúc không nằm ở tiêu thụ nhiều. Người ăn bát cơm đạm bạc vẫn có hạnh phúc nếu biết cách tiêu thụ, nên phẩm chất hạnh phúc không nằm ở số lượng tiêu thụ mà cách thức tiêu thụ. Bữa cơm đạm bạc có ba mẹ, có bạn bè, có những vị đồng tu xung quanh, bữa cơm này hạnh phúc. Khi ăn biết mình đang ăn, biết vạn vật đang có mặt trong bữa ăn, bữa cơm này có hạnh phúc. Ăn cơm đầy cao lương mỹ vị nhưng tâm đầy lo toan, ăn như tống khứ mọi thứ vào miệng, bữa ăn này không có hạnh phúc, mà còn hao tổn tài nguyên của đất mẹ.
Thèm khát tiêu thụ đưa mình vào thế giới của khổ đau, cho việc tiêu thụ là mục tiêu tối thượng, nên muốn làm việc hết mình để thỏa mãn danh sách tiêu thụ. Tiêu thụ càng nhiêu, cái thỏa mãn không bao giờ dứt mà càng thêm chất chồng. Nhu cầu con người mà Maslow đưa ra, thứ nhất nhu cầu thiết yếu của con người như cái ăn cái mặc. Ăn no đủ rồi thì tìm kiếm thức ăn ngon, cái mặc đẹp. Nhu cầu này thỏa mãn, nhu cầu khác phát sinh, nhu cầu về an toàn, muốn sống ở nơi bình an, muốn được bảo vệ, muốn được bình yên. Nhu cầu này thỏa mãn, nhu cầu thứ ba xuất hiện, nhu cầu phụ thuộc, muốn nằm trong một nhóm, muốn có gia đình, muốn được yêu thương.
Có gia đình rồi, mình chưa thỏa mãn, mình mong được tôn trọng, muốn người khác lắng nghe, muốn được vinh danh, muốn được công nhận. Nhu cầu thứ năm là nhu cầu về tự thể hiện, phô diễn tài năng, chứng minh bản thân và lưu lại tên tuổi. Năm thứ nhu cầu này chính là sự tiêu thụ nằm trong nhóm nhu cầu kim tự tháp của Maslow. Lòng tham con người không có đáy, không biết hài lòng với những gì mình có. Thời đại ngày nay nhu cầu này không nhỏ bé như kim tự tháp, mà lớn lên như núi Phú Sĩ, và phồng to ra như dãy Everest. Phục vụ tiêu thụ như thế, sức người không chịu nổi.
Buông bỏ tiêu thụ là buông bỏ ý niệm về tiêu thụ, tức là cho rằng tiêu thụ càng nhiều, đời sống mới có hạnh phúc. Mình có quyền tiêu thụ nhưng tiêu thụ thế nào mà giữ được giới, bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ sự sống và không làm tàn hại thân tâm.
Ăn có chánh niệm, uống có chánh niệm, giải trí có chánh niệm và làm việc có chánh niệm. Ăn có chánh niệm là ăn những thức ăn lành mạnh, nuôi dưỡng lòng từ bi và đóng góp vào tiến trình làm giảm sự nóng ấm toàn cầu.
Uống có chánh niệm là biết cơ thể cần gì, không đưa vào cơ thể những độc tố, sự thèm khát hay gây ra bệnh tật. Giải trí có chánh niệm là không đi vào thế giới ảo, bảo vệ các hạt giống tổ tiên trong cơ thể, thu thúc sáu căn và mang lại sự an toàn trong mọi hoàn cảnh.
Làm việc có chánh niệm là làm việc trong an lạc và thảnh thơi, biết lắng nghe, biết chia sẻ, biết vừa đủ để có thì giờ tu tập, thì giờ phụng sự và thì giờ có mặt cho người mình thương. Đây gọi là nhu cầu đích thực, chấm dứt những tìm kiếm. Càng tìm kiếm lại càng không thấy. Ngừng tìm kiếm thì lại thấy, hay vậy đó. Bởi vì mọi thứ đã có sẵn. An lạc đã có sẵn, bình yên đã có sẵn. Ngừng tìm kiếm, tâm không chạy nữa, mình thấy mọi thứ đang có mặt cho mình.
Sinh viên đi học thường châm mẫm vào điểm số mà quên rằng số điểm kia không tác động đến bình an của mình. Đi học để học cách suy nghĩ hơn là chất chứa kiến thức. Kiến thức không áp dụng được vào thực tiễn thì kiến thức kia chỉ là mớ bòng bong. Giảng viên không phải là người cung cấp kiến thức, mà là người chia sẻ cách suy nghĩ, cách làm việc có phẩm chất.
Nếu làm việc để chết, phục vụ tìm kiếm tiêu thụ hẹp hòi, mình sẽ trở thành một cỗ máy trong công nghệ giáo dục. Có phải mình trở nên xa lạ với chính mình hay không. Mình không còn là người nữa. Mình trở thành linh kiện điện tử.
Năm 2011 hãng Sony ra máy Sony Internet TV. Mình mua cái máy này về, dán mắt vào nó. Mục đích của cái máy ra đời thì phải có người tiêu thụ. Mình chính là một linh kiện tiêu thụ trong chu trình sản xuất ra cái máy. Nếu cho có cái máy này mới có hạnh phúc thì mình nghèo nàn hạnh phúc quá. Mình bị kẹt bởi hạnh phúc bên ngoài, hạnh phúc của tiện nghi.
Khoảng chừng vài tháng sau, mình sẽ chán cái máy này ngay thôi. Những cực nhọc trong sinh tử đều do ham muốn mà ra, chấm dứt ham muốn thì khổ đau đâu nữa. Buông bỏ tiêu thụ là buông bỏ ham muốn hay giải thoát khỏi ham muốn. Với người tu, giữ giới là thức ăn hàng ngày, thiền tuệ là thức uống hàng ngày, thiểu dục và tri túc là công việc hàng ngày, làm việc trong chánh niệm là giải trí hàng ngày.
Một ham muốn khác của con người là hiềm hận và ôm ấp sự hiềm hận. Đây là sợi dây oan kết siết chặt con người lại với nhau, oan oan tương báo cứ thế kéo dài mãi không thôi. Có những dân tộc hận thù nhau từ kiếp này sang kiếp khác. Cha ông hận thù nhau, bắt con cháu hận thù theo. Kết quả của hận thù là gì, là sự khó chịu, tức giận, mệt mỏi, chán chường, đánh nhau, chiến tranh.
Theo Kinh Diệt Trừ Phiền Giận, có năm phương pháp để đối trị với cơn giận của mình. Thứ nhất, nếu có một ai đó mà hành động không dễ thương nhưng lời nói lại dễ thương, thì nếu là kẻ trí mà mình lại sinh tâm phiền giận người đó thì mình phải nên biết cách quán chiếu để trừ bỏ cái phiền giận ấy đi.
Thứ hai, nếu có một ai đó mà lời nói không dễ thương nhưng hành động lại dễ thương thì nếu là kẻ trí mà mình lại sinh tâm phiền giận người đó thì mình phải nên biết cách quán chiếu để trừ bỏ cái phiền giận ấy đi.
Thứ ba, nếu có một ai đó mà hành động không dễ thương, lời nói không dễ thương nhưng trong tâm vẫn còn có chút dễ thương, thì nếu là kẻ trí mà mình lại sinh tâm phiền giận người đó thì mình phải nên tìm cách quán chiếu để trừ bỏ cái phiền giận ấy đi.
Thứ tư, nếu có một ai đó mà hành động không dễ thương, lời nói không dễ thương mà trong tâm cũng không còn lại một chút gì gọi là dễ thương, thì nếu là kẻ trí mà mình lại sinh tâm phiền giận kẻ đó thì mình phải nên tìm cách quán chiếu để trừ bỏ cái phiền giận ấy đi.
Thứ năm, nếu có một ai đó mà hành động dễ thương, lời nói cũng dễ thương mà tâm ý cũng dễ thương, thì nếu là kẻ trí mà lại sinh tâm phiền giận hoặc ganh ghét với kẻ đó thì mình phải nên tìm cách quán chiếu để trừ bỏ phiền giận ấy đi.
Trong sự hiềm giận, mình lúc nào cũng có lỗi dù ít hay nhiều. Vấn đề là làm sao điều tiết cơn giận của mình và buông bỏ nó. Người có nhiều khổ đau, nhiều tri giác sai lầm, nhiều xung đột ở trong tâm nên người nói lời nói không dễ thương, hành động không dễ thương và suy nghĩ không dễ thương. Người đang khổ đau như vậy tại sao lại giận người. Người đáng thương hơn đáng giận.
Phát khởi tình thương với người làm mình giận bằng cách quán chiếu nỗi khổ niềm đau của họ là phương pháp thực tập buông bỏ ôm ấp hiềm hận. Điều này trước hết giúp ích cho mình vì bản thân không bị cơn giận chi phối và điềm tĩnh trong việc ứng xử với hoàn cảnh. Thực tập tâm từ, thương lấy cơn giận vì cơn giận đang thiếu thốn tình thương.
Thực tập tâm bi, thông cảm với cơn giận vì cơn giận là biểu hiện của khổ đau. Thực tập tâm xả, điềm tĩnh với cơn giận vì cơn giận chỉ là thăng trầm trong đòi hỏi về quyền lợi của tâm. Kham nhẫn liên tục giúp cơn giận không phát khởi, nếu có sẽ biết cách chuyển hóa nó thành tươi mát như hồ sen.
Thương người làm mình giận là thương lấy mình, mình chưa lắng nghe được, chưa hiểu được người nên mình giận. Thương cái đối tượng làm mình giận, chẳng qua mình còn đòi hỏi, còn đặt tiêu chuẩn, còn nguyên tắc, mình phải mềm mỏng hơn, uyển chuyển hơn, linh hoạt hơn. Buông bỏ hiềm giận thì từ ái hiện tiền, trước hết giúp cho thân tâm bình an, không bị mất ngủ, không bị giày xéo.
L.N (t/h)