Loại nguyên liệu "đặc biệt" làm nên sợi bún ngon
Mới đây, UBND Tx.Hương Trà, Tp.Huế đã tổ chức lễ đón nhận danh hiệu di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia đối với nghề làm bún Vân Cù ở xã Hương Toàn, Tx.Hương Trà.
Làng nghề truyền thống làm bún Vân Cù có lịch sử hơn 400 năm, đây là ngôi làng gắn liền với câu chuyện về bà Bún, người được dân làng ở đây tôn thờ như một vị thần hoàng. Ngôi làng này nằm cách kinh thành Huế khoảng 10km về phía Tây Bắc, là địa phương duy nhất ở miền Trung tổ chức lễ tế vị tổ nghề là Bà bún vào ngày 22 tháng Giêng âm lịch.
Sở dĩ bún Vân Cù nổi tiếng là trong quá trình sản xuất, người làm bún không dùng bất cứ chất phụ gia nào trừ muối sống để ngâm, vo gạo, nuôi bột nhằm làm sạch các tạp chất, khử khuẩn, khử chua. Đáng chú ý, loại nguyên liệu "đặt biệt" mà người dân Vân Cù thường sử dụng để làm bún đó là gạo Khang Dân.


Để làm ra sợ bún dẻo và ngon người dân làng Vân Cù sử dụng nguyên liệu chính là gạo Khang Dân.
Theo người dân địa phương, gạo Khang Dân hay còn gọi là gạo ruộng là loại gạo có độ dẻo phù hợp để làm ra sợi bún dai ngon hơn nhiều loại gạo khác. Để làm ra được sợi bún thành phẩm dẻo và ngon, gạo được người dân rửa sạch kỹ lớp cám bên ngoài từ 4 - 5 lần. Bí quyết đặc biệt là sau khi ngâm xong thì bỏ muối sống vào, đây là thành phần quan trọng để bún bớt bị chua trong quá trình làm mà lại có vị mặn vừa phải giúp bún ăn ngon và đậm đà.
Trò chuyện với PV, ông Nguyễn Văn Phú (54 tuổi), một người dân với hơn 30 năm tuổi nghề làm bún ở làng Vân Cù cho biết, gia đình ông có truyền thống làm bún từ đời ông nội. Trước đây toàn bộ quy trình làm bún phải bằng tay, mất nhiều thời gian, công sức nhưng sản phẩm làm ra vừa chậm vừa ít.
Theo ông Phú, ngày xưa, nghề làm bún là một nghề công phu và đòi hỏi quá trình làm rất vất vả. Nghề làm bún cần có chày, cối để giã gạo, có khuôn để vặn bún, có lò lửa để luộc bún, có thúng và mủng để đựng bún.
"Ngày nay, để đáp ứng nhu cầu của thị trường, vừa cho năng suất cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vừa giải phóng sức lao động, gia đình tôi đã chi ra hơn 100 triệu đồng để đầu tư máy móc hiện đại. trong quá trình làm bún. Tuy nhiên, để đảm bảo độ thơm ngon đặc trưng của sợi bún, nhiều công đoạn vẫn được tôi và các thành viên trong gia đình làm thủ công", ông Phú tâm sự.
Ông Phú chia sẻ thêm, muốn làm ra con bún không quá bở cũng không quá dai, người làm bún phải pha thêm bột lọc, tỷ lệ bột lọc cho vào trong bún không có công thức cụ thể mà đòi hỏi kinh nghiệm của người làm nghề.
Tạo tiếng vang cho làng bún Vân Cù
Theo thống kê của UBND xã Hương Toàn, làng Vân Cù có 125 hộ làm bún trên tổng số 399 hộ trong làng, với 325 lao động thường xuyên tham gia nghề.
Hiện nay, làng Vân Cù là nơi cung cấp bún nguyên liệu cho nhiều nhà hàng, quán ăn trên địa bàn Tp.Huế và các tỉnh lân cận. Bình quân, một hộ đầu tư dây chuyền máy móc sẽ sản xuất khoảng 500 - 600kg bún một ngày.

Làng bún Vân Cù đón nhận danh hiệu di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia (Ảnh Đình Hoàng).
Anh Nguyễn Sanh Minh, một người dân làm bún ở làng Vân Cù chia sẻ, gia đình anh đã gắn bó với nghề làm bún truyền thống ở đây hơn 10 năm, cơ sở làm bún của anh tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 5 lao động.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Hồng Toàn, Phó chủ tịch UBND xã Hương Toàn cho biết, trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục hỗ trợ cho nghề bún Vân Cù là sản phẩm chủ lực của địa phương theo chương trình mỗi xã mỗi sản phẩm OCOP.
"Bên cạnh đó, chính quyền địa phương sẽ tuyên truyền người dân áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, cùng với kinh nghiệm của các hộ dân để xây dựng sản phẩm bún khô, mở rộng thị trường, tạo tiếng vang cho làng bún Vân Cù", Phó chủ tịch UBND xã Hương Toàn nói.
Trong khi đó, lãnh đạo UBND Tx.Hương Trà cho biết, nghề làm bún Vân Cù được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia không chỉ là sự tôn vinh một nghề truyền thống mà còn là sự ghi nhận những giá trị văn hóa sâu sắc của vùng đất này.
Đồng thời, trong thời gian đến, UBND Tx.Hương Trà sẽ đẩy mạnh nhiều hơn những giải pháp đồng bộ, chú trọng cả về khía cạnh bảo tồn di sản văn hóa với phát triển sản xuất để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững.