Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC - UPCoM: MVN) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2024, trong đó ghi nhận doanh thu đạt 4.645 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2023.
Kết quả này đến từ sự tăng trưởng ở cả 2 mảng chủ lực, trong đó hoạt động khai thác cảng biển và dịch vụ hàng hải tăng 17%, hoạt động vận tải biển tăng 10%. Doanh thu bán hàng trong kỳ cũng tăng 2,8 lần.
Tuy nhiên, do giá vốn có mức tăng cao (50%) nên lợi nhuận gộp lại giảm nhẹ 4% so với cùng kỳ, đạt 686 tỷ đồng. Biên lợi nhuận vì vậy cũng giảm xuống còn 15%.
Trong kỳ, hoạt động tài chính của VIMC kém sắc hơn. Do khoản lãi tiền gửi, tiền cho vay giảm mạnh nên doanh thu tài chính sụt giảm 16%, còn 163 tỷ đồng.
Khoản lãi trong công ty liên kết, liên doanh giảm 32%, còn gần 34 tỷ đồng. Các chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp có sự biến động không quá lớn.
Điểm sáng nổi bật trong bức tranh kinh doanh của doanh nghiệp vận tải biển nay đến từ khoản thu nhập khác, đạt hơn 844 tỷ đồng, tăng gấp 42 lần cùng kỳ. Khoản thu nhập từ chủ yếu từ việc thanh lý tài sản và phần lãi được xóa.
Theo kế hoạch, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam sẽ bán các "tàu già" vốn khai thác không hiệu quả nhằm giảm chi phí đồng thời sẽ lựa chọn đầu tư các tàu biển phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Cụ thể, trong giai đoạn 2021-2025, VIMC thực hiện thanh lý 24 tàu với tổng trọng tải khoảng 617.000 tấn (DWT); đầu tư 4 tàu container từ 1.700-2.200 Teus và 8 tàu hàng khô trọng tải đến 60.000 tấn (DWT).
Khấu trừ các chi phí, VIMC ghi nhận lãi ròng đạt hơn 1.137 tỷ đồng, tăng 125% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là mức lợi nhuận cao nhất mà doanh nghiệp này ghi nhận trong 2 năm qua.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, VIMC có doanh thu thuần đạt 8.241 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.887 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.616 tỷ đồng, lần lượt tăng 80% và 70% so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2024, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất là 13.450 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 2.730 tỷ đồng. Như vậy, sau nửa năm kinh doanh, doanh nghiệp đã hoàn thành 61% mục tiêu doanh thu và 70% mục tiêu lợi nhuận năm.
Tính tới 30/06/2024, tổng tài sản của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam đạt 29.385 tỷ đồng, tăng trên 1.800 tỷ đồng so với đầu năm, gần như chia đều cho tài sản ngắn hạn (13.658 tỷ đồng) và dài hạn (15.726 tỷ đồng). Doanh nghiệp này có trên 4.488 tỷ đồng là tiền và các khoản tương đương tiền. Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn đạt 4.748 tỷ đồng. Tài sản cố định đạt trên 8.927 tỷ đồng.
Doanh nghiệp cũng dành trên 2.700 tỷ đồng cho chi phí xây dựng cơ bản, trong đó một số dự án trọng điểm như: Dự án đầu tư xây dựng các bến container số 3, số 4 Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (tại khu bến cảng Lạch Huyện); dự án đầu tư xây dựng Cảng Sài Gòn – Hiệp Phước….
Nợ phải trả của VIMC tại thời điểm cuối kỳ tăng nhẹ so đầu năm, ở mức trên 13.000 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của VIMC đạt 16.366 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm, trong đó lỗ lũy kế còn tren 362 tỷ đồng.