Lời tòa soạn:
Định hướng của Đảng, Nhà nước xác định phát triển cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh trở thành nòng cốt của kinh tế đất nước, đóng vai trò dẫn dắt sự phát triển của xã hội. Với vai trò đó, bên cạnh đóng góp bằng kết quả sản xuất kinh doanh, lực lượng doanh nghiệp còn có cơ hội, khả năng đóng góp vào hệ giá trị văn hóa quốc gia – dân tộc bằng chính văn hóa mà doanh nghiệp tạo nên. Văn hóa doanh nghiệp vì thế không chỉ là “trụ cột tinh thần” làm nên cốt cách của doanh nghiệp mà còn là chất liệu để kiến tạo nền văn hóa Việt Nam trong thời đại Đổi mới và hội nhập quốc tế. Tại Đại hội XIII, Đảng ta nhấn mạnh nhiệm vụ “xây dựng văn hoá doanh nghiệp, doanh nhân và kinh doanh”.
Văn hóa doanh nghiệp cũng là một trong những thành tố của hệ sinh thái văn hóa như kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021: “Xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp”, “Xây dựng môi trường văn hoá số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số, làm cho văn hoá thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.
Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới cũng đã xác định: “Khuyến khích đội ngũ doanh nhân phấn đấu, xây dựng đạo đức, văn hoá kinh doanh”, “Hoàn thiện và vận động đội ngũ doanh nhân phấn đấu thực hiện chuẩn mực đạo đức, văn hoá kinh doanh, gắn với bản sắc dân tộc và tiếp cận được tinh hoa văn hoá kinh doanh thế giới là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài trong xây dựng đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam.”
Với nhận thức trên, Người Đưa Tin thực hiện tuyến bài viết "Văn hóa doanh nghiệp trong hệ giá trị văn hóa quốc gia" nhằm phân tích vai trò của văn hóa doanh nghiệp đối với bản thân doanh nghiệp và trong việc định hình hệ giá trị văn hóa và giá trị của quốc gia - dân tộc Việt Nam, thực trạng triển khai văn hóa doanh nghiệp tại các doanh nghiệp Việt Nam, từ đó đề xuất một số giải pháp giúp các doanh nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp.
Xin trân trọng giới thiệu để quý độc giả đón đọc!
Văn hóa là “linh hồn”, “bộ gen” của doanh nghiệp
Văn hóa doanh nghiệp là hệ thống các giá trị, những chuẩn mực, các quan niệm và hành vi của doanh nghiệp. Nó không chỉ chi phối hoạt động của các thành viên trong doanh nghiệp, mà còn tạo ra bản sắc kinh doanh riêng cho doanh nghiệp đồng thời có tác động tích cực đến nền kinh tế và xã hội.
Trên thực tế, nguyên nhân thành công và đóng góp của nhiều doanh nghiệp Việt Nam, như: Vinamilk, Viettel, Vingroup, FPT… bên cạnh nhiều yếu tố, được các chuyên gia lý giải bằng sự khác biệt từ văn hóa doanh nghiệp. Và chính “cú hích” thành công của các doanh nghiệp lớn đã làm thay đổi nhận thức và hành vi của nhiều doanh nghiệp trong xây dựng văn hóa, bản sắc của riêng mình.
Chia sẻ về giá trị và vai trò của văn hóa doanh nghiệp từ thực tiễn hoạt động, ông Nguyễn Đoàn Kết - Phó Chủ tịch HĐQT, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông cho rằng, văn hóa là một nền tảng quan trọng, mang tính cốt lõi, nếu như không muốn nói rằng văn hóa là yếu tố quyết định vì văn hóa tạo ra con người, mà con người là trung tâm của sự thành công hay thất bại đối với doanh nghiệp.
“Trong thời đại ngày nay, khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang phát triển như vũ bão, thậm chí sắp sang đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ năm, doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển một cách bền vững sẽ phải thực hiện chuyển đổi. Đó là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh hướng tới phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ và kinh tế tuần hoàn.
Tuy nhiên, những cuộc chuyển đổi trên đều dựa trên nền tảng căn bản, cốt lõi là văn hóa. Nền tảng văn hóa sẽ quyết định sự thành bại của tổ chức chiến lược vì từ văn hóa thì mới có thể đào tạo ra những con người thích ứng được với thời đại mới. Trong văn hóa thì có nhiều cấu phần, nhưng một trong những cấu phần cụ thể nhất chính là văn hóa số. Con người muốn trưởng thành số thì phải có văn hóa số, trong văn hoá số thì có kỷ luật số”, ông Nguyễn Đoàn Kết phân tích.
Theo lãnh đạo Rạng Đông, để doanh nghiệp phát triền bền vững thì nền tảng quan trọng trong mô hình chiến lược phải là nền tảng văn hóa và nền tảng số (nền tảng công nghệ số, nền tảng hạ tầng số, hạ tầng dữ liệu số). Văn hóa doanh nghiệp là cơ sở, căn cứ để thực hiện thành công những trụ cột của chiến lược phát triển doanh nghiệp.
Còn theo ông Ngô Hữu Tiệp - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Giza Việt Nam, văn hóa doanh nghiệp là một công cụ kết nối điển hình và hiệu quả. Khi doanh nghiệp phát triển lên đến vài trăm người, phân bổ tại các dự án ở khắp nơi, nhân sự không thể biết hết mặt nhau. Văn hóa doanh nghiệp lúc này phát huy vai trò quan trọng, trở thành khuôn mẫu vô hình, giúp định hình hành vi, tác phong ứng xử cũng như tư duy làm việc của toàn bộ đội ngũ.
Không chỉ dừng lại ở các giá trị hữu hình mà văn hóa doanh nghiệp còn tăng năng suất lao động, ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh. Theo ông Ngô Hữu Tiệp, khi đội ngũ cùng chung tầm nhìn, sẽ tạo ra sức cộng hưởng lớn giúp công ty liên tục cải tiến được chất lượng sản phẩm dịch vụ, tăng cường năng lực cạnh tranh, từ đó đáp ứng tốt hơn yêu cầu thị trường, giúp doanh nghiệp gia tăng nội lực để phát triển bền vững dù có phải kinh qua những giai đoạn khó khăn.
Bên cạnh đó, lãnh đạo doanh nghiệp này cũng cho rằng khi khách hàng, đối tác cảm nhận được một doanh nghiệp có văn hóa bài bản, tác phong chuyên nghiệp, môi trường tích cực, họ cũng sẽ có ấn tượng tốt và đặt niềm tin hơn vào một tổ chức phát triển bền vững. Đó là lợi thế cạnh tranh rất khó sao chép.
Khẳng định văn hóa là “linh hồn”, “bộ gen” của doanh nghiệp, ông Huang Bo - Tổng Giám đốc Chứng khoán Guotai Junan cho rằng việc coi trọng xây dựng và duy trì một hệ thống văn hóa doanh nghiệp mạnh mẽ và tích cực không chỉ giúp doanh nghiệp tạo nên một bản sắc riêng, mà còn là yếu tố quan trọng giúp xây dựng uy tín và cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường. Đây đã thực sự trở thành kim chỉ nam cho mọi hoạt động của công ty, từ việc phát triển sản phẩm đến dịch vụ khách hàng và quan hệ đối tác.
“Văn hóa doanh nghiệp là yếu tố then chốt giúp chúng tôi thực hiện chiến lược kinh doanh một cách hiệu quả và bền vững. Chúng tôi áp dụng triết lý kinh doanh phát triển bền vững, sử dụng hệ thống chặt chẽ để truyền đạt tầm nhìn và sứ mệnh tới từng nhân viên, giúp họ hiểu rõ và cam kết với các mục tiêu chung.
Nhờ đầu tư cho văn hóa doanh nghiệp đã giúp tạo ra một môi trường làm việc tích cực và sáng tạo để thúc đẩy tinh thần làm việc và hiệu suất của nhân viên. Mỗi cá nhân đều cảm thấy được tôn trọng và khuyến khích, họ sẽ có động lực làm việc tốt hơn và đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của công ty.
Văn hóa doanh nghiệp còn là yếu tố quan trọng trong việc thu hút và giữ chân nhân tài. Một môi trường làm việc tích cực, thân thiện và có cơ hội phát triển sẽ thu hút những người tài năng và giữ chân họ lâu dài”, ông Huang Bo chia sẻ.
Ngoài ra, Tổng Giám đốc Chứng khoán Guotai Junan cũng cho biết với một văn hóa doanh nghiệp vững mạnh sẽ giúp thích nghi hiệu quả với những thách thức và biến động trong môi trường kinh doanh. Khi tất cả nhân viên cùng chung sức và đồng lòng, thì doanh nghiệp có thể vượt qua mọi khó khăn và tiếp tục phát triển.
Trụ cột của hệ sinh thái văn hóa
Trong sự nghiệp chấn hưng đất nước, doanh nghiệp, doanh nhân được xác định là lực lượng chủ lực trong xây dựng kinh tế. Vì vậy, không chỉ đóng vai trò là "trụ cột tinh thần" của doanh nghiệp, chính văn hóa mà doanh nghiệp tạo nên còn là chất liệu để kiến tạo nền hệ sinh thái văn hóa Việt Nam trong thời đại Đổi mới và hội nhập quốc tế.
Trao đổi với Người Đưa Tin về văn hóa doanh nghiệp dưới góc nhìn văn hóa, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng trong thời kỳ Đổi mới và hội nhập quốc tế, văn hóa doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc định hình hệ giá trị văn hóa và giá trị của quốc gia - dân tộc Việt Nam.
“Văn hóa doanh nghiệp không chỉ là cách doanh nghiệp thể hiện giá trị, định hình nhận thức và hành vi nội bộ, từ đó lan tỏa ra văn hóa xã hội. Với sự đa dạng và phong phú của văn hóa Việt Nam, văn hóa doanh nghiệp có thể giúp tôn vinh và bảo tồn những giá trị truyền thống của dân tộc, từ đó giúp tạo ra sự độc đáo và đặc biệt cho doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp cũng góp phần vào việc xây dựng hình ảnh quốc gia tích cực trên trường quốc tế thông qua cách thức hoạt động và giao tiếp của mình.
Hơn nữa, văn hóa doanh nghiệp còn thúc đẩy sự phát triển bền vững thông qua việc xây dựng môi trường làm việc tích cực, tạo điều kiện cho nhân viên phát triển và sáng tạo. Điều này không chỉ tăng cường năng suất lao động mà còn góp phần vào sự phát triển của đất nước”, ông Sơn nhấn mạnh.
Theo chuyên gia này, doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong việc truyền bá và gắn kết cộng đồng với những giá trị văn hóa dân tộc. Bằng cách thể hiện và thúc đẩy những giá trị tốt đẹp, doanh nghiệp không chỉ tạo lòng tin từ phía khách hàng mà còn gây dựng niềm tin từ phía cộng đồng. Việc thấu hiểu và tôn trọng văn hóa dân tộc cũng giúp doanh nghiệp hòa nhập và phát triển bền vững trong môi trường kinh doanh đó.
Do đó, văn hóa doanh nghiệp không chỉ là phần quan trọng của chiến lược kinh doanh mà còn là cơ hội để doanh nghiệp góp phần vào việc phát triển bền vững của quốc gia - dân tộc Việt Nam trong bối cảnh Đổi mới và hội nhập quốc tế ngày nay.
Nhìn từ bức tranh văn hóa chung, ông Lê Doãn Hợp - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh bàn đến văn hóa nói chung, văn hóa doanh nghiệp nói riêng lúc này là “quá đúng và cần thiết”. Vì hiện nay văn hóa đạo đức xã hội đang xuống cấp, thậm chí chưa rõ điểm dừng. Vì vậy phải quan tâm đến văn hóa đạo đức xã hội, nếu không mọi thứ đều vô nghĩa.
Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người là những vấn đề rất hệ trọng mà quốc gia nào cũng quan tâm xây dựng. Việc xác định hệ giá trị văn hóa Việt Nam là một công việc vô cùng khó khăn, tuy nhiên, khó hơn nữa là việc triển khai thực thi những giá trị đó trong đời sống xã hội. Để xây dựng nền văn hóa mới của Việt Nam phù hợp với thời đại và khắc phục những nhược điểm, theo ông Lê Doãn Hợp, cần chú trọng đầu tư vào 3 trụ cột văn hóa nền tảng và 2 trụ cột văn hóa thượng tầng. Nếu phát triển, xây dựng được 5 trụ cột văn hóa này thì đất nước mới phát triển và văn hóa mới được tôn vinh.
Theo đó, 3 trụ cột văn hóa nền tảng bao gồm: Thứ nhất là văn hóa gia đình - nền tảng của xã hội; thứ hai là văn hóa doanh nghiệp - nền tảng kinh tế của đất nước; Thứ ba là văn hóa công sở - đạo đức công vụ - là nền tảng chính trị của quốc gia. 2 trụ cột văn hóa thượng tầng bao gồm: Thứ nhất là văn học nghệ thuật; Thứ hai là các di sản vật thể và phi vật thể.
Đề cập đến văn hóa doanh nghiệp, ông Lê Doãn Hợp nhấn mạnh trước hết phải nhìn nhận được 5 nhiệm vụ vô cùng vẻ vang và nặng nề mà doanh nghiệp đang đảm nhận đối với đất nước và nhân dân.
Thứ nhất, doanh nghiệp và hộ gia đình là hai lực lượng chủ lực tạo ra mọi của cải và vật chất cho xã hội. Chính vì vậy, lo cho 2 lực lượng kinh tế này là lo cho sự phát triển bền vững của đất nước. Thứ hai, doanh nghiệp là lực lượng chủ công nộp ngân sách cho nhà nước để nuôi bộ máy quản trị quốc gia. Thứ ba, doanh nghiệp là lực lượng chủ yếu trong công tác từ thiện nhân đạo, an sinh xã hội. Thứ tư, doanh nghiệp là lực lượng nòng cốt của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, nếu không có doanh nghiệp mạnh thì rất khó để hội nhập quốc tế có hiệu quả cao. Thứ năm, doanh nghiệp là nơi đào luyện đội ngũ doanh nhân có tâm, có tài làm giàu cho đất nước.
“Để hiện thực hóa khát vọng hùng cường, điều tiên quyết là phải lo cho doanh nghiệp phát triển “hết ga, lút tầm””, ông Hợp nhấn mạnh.
Nhìn từ tầm quan trọng của lực lượng doanh nghiệp với đất nước và xã hội, ông Lê Doãn Hợp khẳng định văn hóa doanh nghiệp là nền tảng cho sự phát triển kinh tế. Nếu không chăm lo xây dựng văn hóa doanh nghiệp thì không thể có kinh tế bền vững.
Mạnh Quốc - Tú Anh