Bước tiến của văn hóa doanh nghiệp
Từ khi đất nước bước sang thời kỳ đổi mới, môi trường kinh doanh ở Việt Nam đã được cải thiện, cộng đồng doanh nghiệp ngày càng phát triển, hình thành được các thương hiệu nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn vươn tầm ra khu vực và thế giới.
Về số lượng, tính trung bình trong giai đoạn 2010 - 2021, bình quân mỗi năm có trên 100.000 doanh nghiệp được thành lập. Đặc biệt, giai đoạn 2018 - 2022, mỗi năm có hơn 130.000 doanh nghiệp được thành lập mới. Năm 2023, dù kinh tế gặp nhiều khó khăn, nhưng vẫn có gần 160.000 doanh nghiệp thành lập mới.
Cùng với việc gia tăng số lượng, hoạt động xây dựng văn hóa doanh nghiệp đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Nhìn chung, các doanh nghiệp Việt Nam đã nhận thức được tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp đối với sự phát triển, ngày càng quan tâm hơn đến việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đạo đức kinh doanh.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Hoa Cương - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ KH&ĐT, khu vực kinh tế tư nhân đã hình thành và phát triển một số doanh nghiệp có quy mô lớn, đang từng bước kinh doanh đa ngành và trở thành những doanh nghiệp lớn, quan trọng trong nền kinh tế. Nhiều doanh nghiệp bước đầu gia nhập môi trường kinh doanh của thế giới, thích ứng được với môi trường cạnh tranh toàn cầu.
Đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh, tinh thần kinh doanh, tinh thần đổi mới và khát vọng vươn lên của khu vực kinh tế tư nhân ngày càng mạnh mẽ, trách nhiệm xã hội, đạo đức, văn hóa ngày càng lan tỏa sâu rộng.
Trong việc xây dựng văn hóa của nhiều doanh nghiệp, việc xây dựng chiến lược, mục tiêu kinh doanh được xác định rõ ràng, chuẩn xác, phù hợp. Triết lý kinh doanh được đúc rút sâu sắc, có bề dày văn hóa. Các nguyên tắc, quy định của doanh nghiệp được xây dựng gắn với thực tế và dễ thực hiện.
Các giá trị cốt lõi dần dần được hình thành, tạo nên bản sắc riêng cho nhiều doanh nghiệp, tạo dấu ấn và giành được thiện cảm của đối tác và khách hàng. Nhiều doanh nghiệp đã bước đầu áp dụng chế độ làm việc dựa trên hiệu quả công việc và sự hiện thực hóa những giá trị văn hóa, chuẩn mực văn hóa của doanh nghiệp.
Cộng đồng doanh nghiệp cũng ngày càng tăng cường việc thực thi trách nhiệm xã hội, tích cực hỗ trợ cộng đồng. Đã có hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng được quyên góp từ các doanh nghiệp để hỗ trợ người dân vùng thiên tai, bão lụt, dịch bệnh và bảo vệ môi trường.
Đặc biệt, trong 2 năm 2020-2021, cùng với cả nước, các doanh nghiệp, doanh nhân phải gồng mình chống chọi với đại dịch Covid-19. Nhiều doanh nhân, doanh nghiệp đã nêu tấm gương sáng về tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, trách nhiệm xã hội, khi vừa duy trì, ổn định sản xuất kinh doanh, bảo đảm việc làm, đời sống cho người lao động, vừa lăn xả hỗ trợ công tác phòng, chống đại dịch.
Có thể nói, trong những năm gần đây, văn hóa doanh nghiệp đã được quan tâm nhiều hơn, thể hiện được tinh thần dân tộc, trách nhiệm phụng sự Tổ quốc, lan tỏa các giá trị đạo đức doanh nhân, xây dựng doanh nghiệp vững mạnh, quốc gia hùng cường, thịnh vượng. Đây chính là những nét văn hóa doanh nghiệp nền tảng hết sức quan trọng nhằm giúp doanh nghiệp tiếp tục kiến tạo những giá trị văn hóa dưới tác động của kỷ nguyên số.
Phần lớn vẫn đang "hô khẩu hiệu"
Bên cạnh những doanh nghiệp đã xây dựng văn hóa doanh nghiệp thành công, còn tồn tại nhiều doanh nghiệp chưa tạo ra được nét văn hóa đặc trưng. Một bộ phận doanh nghiệp chưa quan tâm đến xây dựng văn hóa doanh nghiệp, thể hiện ở những điểm yếu, như chiến lược, mục tiêu kinh doanh chưa rõ ràng, thiếu tầm nhìn dài hạn; quản lý nhân sự còn yếu, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao; kỹ năng quản trị, khả năng xử lý rủi ro, vượt qua khủng hoảng còn hạn chế, nhất là trong bối cảnh có đại dịch, thiên tai.
Việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp tại nhiều doanh nghiệp còn mang tính hình thức, chạy theo phong trào, mới tập trung vào các hoạt động giải trí, văn hóa, thể thao và truyền thông, chưa hiện thực hóa tầm nhìn, sứ mệnh, các giá trị cốt lõi và chuẩn hành vi. Nhiều doanh nghiệp Việt có khát khao và thật tâm xây dựng văn hoá doanh nghiệp nhưng đa số vẫn chỉ đang hô khẩu hiệu mà chưa thành công.
Không ít doanh nghiệp thiếu tinh thần trách nhiệm đối với xã hội, có những cách kinh doanh phản văn hóa, vì mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận mà bất chấp lợi ích cộng đồng, xâm hại môi trường thiên nhiên, bất chấp đạo lý, kỷ cương, phủ nhận những giá trị đạo đức truyền thống.
Theo Báo cáo Đo lường Mức độ trưởng thành Văn hóa doanh nghiệp tại Việt Nam năm 2023 được thực hiện bởi Blue C (đơn vị tư vấn về Văn hóa doanh nghiệp), cho thấy, nếu mức độ trưởng thành văn hóa doanh nghiệp được chia làm 6 cấp thì chỉ có 4,1% số doanh nghiệp đạt cấp 6 – cấp độ cao nhất.
Có đến trên 60% số doanh nghiệp ở mức 2 và 3, tức là mới dừng lại ở việc hình thành ý tưởng hoặc bắt đầu có các kế hoạch để xây dựng văn hóa. Có tới 73,84% doanh nghiệp chưa đo lường văn hóa doanh nghiệp hoặc có đo lường nhưng chỉ lồng ghép vào các chương trình khảo sát, lắng nghe khác.
Đối với ngân sách, kết quả khảo sát cho thấy chỉ có 36,41% doanh nghiệp có đủ ngân sách để triển khai các hoạt động văn hóa doanh nghiệp. Về khó khăn trong xây dựng văn hóa, câu trả lời từ đa số các doanh nghiệp là không nắm vững cách làm, thiếu kỹ năng triển khai đang gây ra những trở ngại lớn cho xây dựng, phát triển văn hóa.
Gần một nửa doanh nghiệp (49,22%) tham gia khảo sát cho biết các khó khăn trong xây dựng văn hóa của họ xuất phát từ việc: thiếu phương pháp và kỹ năng triển khai; không đo lường được hiệu quả; và nhân lực thực thi mỏng.
Rào cản từ nhận thức và nguồn lực
Trên thực tế, việc nhiều doanh nghiệp chưa tạo ra được nét văn hóa đặc trưng, văn hóa doanh nghiệp chưa thực sự được sử dụng như một nguồn lực có thể lý giải dưới nhiều góc độ.
Ở góc độ khách quan, hiện nay nước ta vẫn đang thiếu những yếu tố và điều kiện cần thiết để phát triển nền văn hoá kinh doanh tiên tiến. Bên cạnh đó, bước vào giai đoạn kinh tế thị trường, những tác động tiêu cực của đồng tiền, lợi nhuận khiến cho những giá trị tốt đẹp trong truyền thống biến dạng. Vì đồng tiền mà đánh mất lương tri, đạo đức của con người, xem nhẹ những quan hệ truyền thống tốt đẹp.
Ở góc độ chủ quan, theo PGS.TS Dương Thị Liễu - Phó Tổng thư ký Hiệp hội phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, Viện trưởng Văn hóa kinh doanh, ở Việt Nam, các công ty lớn đã bắt đầu vươn ra thế giới nhờ sự quan tâm đầu tư phát triển văn hóa doanh nghiệp thành công. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa (chiếm đa số trong tổng số doanh nghiệp) đang gặp phải không ít khó khăn khi xây dựng văn hóa doanh nghiệp và loay hoay tìm cách vượt qua.
Theo đó, thực tế không ít chủ doanh nghiệp Việt Nam chưa nắm vững cấu trúc và biểu hiện phong phú, đa dạng nhưng cũng rất sâu sắc của văn hóa doanh nghiệp. Nhiều người nhầm lẫn chỉ những biểu hiện bề nổi là văn hóa doanh nghiệp nên trong quá trình triển khai, các doanh nghiệp chỉ chú ý các giải pháp cho phần nổi có thể nhìn thấy, sờ thấy và nghe thấy (kiến trúc, không gian văn phòng, logo, khẩu hiệu, công ty ca, hành vi ứng xử...). Thế nên dù chi rất nhiều tiền cho “làm văn hóa doanh nghiệp” nhưng không thấy có hiệu quả.
Bên cạnh đó, cũng có không ít doanh nghiệp dù có nhận thức đầy đủ, sâu sắc về văn hóa doanh nghiệp nhưng nhiều doanh nghiệp không biết bắt tay xây dựng văn hóa doanh nghiệp như thế nào. Nhiều nhà lãnh đạo có ý tưởng “cần xây dựng nền văn hóa tích cực” nhưng lại không có kế hoạch rõ ràng cụ thể. Việc không có kế hoạch triển khai như thế nào chẳng khác nào điều hành một con tàu mà không biết đích đến, không biết nên đi theo hướng nào, đi về đâu.
Về nguồn lực, Phó Tổng thư ký Hiệp hội phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam cho rằng không ít lãnh đạo doanh nghiệp nhìn nhận xây dựng văn hóa doanh nghiệp là việc chỉ các doanh nghiệp lớn có tiềm lực tài chính mạnh mới làm được, và chỉ khi có “của dư của để” rồi mới nghĩ đến chuyện xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Tuy nhiên thực tế, có những phương pháp hiệu quả nhất để xây dựng văn hóa doanh nghiệp lại đơn giản và ít tốn kém hơn ta nghĩ.
“Không cần phải “mạnh gạo, bạo tiền”, không phải công ty nhỏ, ít tiền là không thể xây dựng cho mình văn hóa doanh nghiệp ngay tức thì, mà bất kỳ công ty nào dù lớn dù nhỏ đều có thể xây dựng được văn hóa doanh nghiệp. Câu chuyện xây dựng văn hóa doanh nghiệp phải bắt đầu ngay từ khi công ty khai sinh, kể cả với những công ty khởi nghiệp nhỏ”, bà Liễu phân tích.
Chia sẻ về những khó khăn trong chính câu chuyện của doanh nghiệp, bà Tôn Nữ Xuân Quyên - Chủ tịch HĐQT BluSaigon cho rằng việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp là một quá trình và thành quả không thể xuất hiện ngay lập tức mà cần kiên trì thực hiện. Đối với các công ty khởi nghiệp, áp lực để tồn tại, khẳng định được sản phẩm, thương hiệu và tạo thị trường trong giai đoạn đầu khiến văn hóa doanh nghiệp trở nên mờ nhạt.
“Phải mất đến 5 năm kể từ khi khởi nghiệp, tôi mới bắt đầu cảm được văn hóa doanh nghiệp là gì, giai đoạn đầu gần như chúng tôi chưa định hình được văn hóa doanh nghiệp. Mất 5 năm đầu tiên để một doanh nghiệp startup thật sự hiểu chính bản thân mình, tính cách của mình ra sao trong kinh doanh và mất thời gian để viết ra được chính xác văn hóa bản thân mình muốn là gì và lên kế hoạch để tạo dựng những giá trị đó.
Văn hóa doanh nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào người lãnh đạo. Dù có đi học về văn hoá doanh nghiệp nhưng quá trình vừa tìm hiểu vừa thử nghiệm, phải đến 10 năm, chúng tôi mới hiểu chính xác văn hoá mà mình muốn có. Bởi viết thì dễ, nhưng thật sự khi làm và muốn lan tỏa thì thật sự khó”, bà Tôn Nữ Xuân Quyên bộc bạch.
Cũng theo bà Quyên, một trong những yếu tố quan trọng là tuyển dụng được nhân sự phù hợp với văn hóa doanh nghiệp. Một doanh nghiệp phát triển bền vững là doanh nghiệp sở hữu những con người phù hợp văn hóa của doanh nghiệp. Những nhân viên không phù hợp với các giá trị của tổ chức sẽ không thỏa mãn với công việc và có khả năng tạo ra một môi trường làm việc độc hại.
“Có thời điểm, chúng tôi đã phải trả giá cho việc tuyển nhầm người không phù hợp với văn hoá của doanh nghiệp. Mặc dù những nhân sự này có tài năng thật sự nhưng lại không tìm được tiếng nói chung với văn hóa của doanh nghiệp. Nguồn nhân lực không thích hợp với văn hóa doanh nghiệp gây thiệt hại nặng nề đến việc thực thi chiến lược, kế hoạch phát triển và tài chính của công ty. Những vấp váp trên khiến tôi hiểu rằng: tuyển được người tài, người giỏi là chưa đủ, doanh nghiệp cần phải tuyển những nhân viên phù hợp với văn hóa của doanh nghiệp họ”, Chủ tịch HĐQT BluSaigon chia sẻ.
Mạnh Quốc - Tú Anh