Ý nghĩa cái chết theo quan điểm Phật giáo (2)

Ý nghĩa cái chết theo quan điểm Phật giáo (2)

Thứ 5, 21/11/2013 14:32

Cái chết chỉ là hình ảnh phản chiếu sự sống hiện tại của mình trong một tấm gương. Nếu giữ được một cuộc sống nghiêm minh và thực hiện được phép thiền định thật sâu xa thì biết đâu mình cũng có thể đạt được một mức độ giải thoát nào đó ngay trong kiếp sống này?

Các cách ứng phó với cái chết

Trong tận cùng của tâm thức, mọi con người đều mong cầu tìm được hạnh phúc, thế nhưng các giải pháp thuộc các lãnh vực chính trị, triết học, khoa học, y khoa, kỹ thuật... mà xã hội đang nỗ lực thực hiện có mang lại được hạnh phúc mà con người mong cầu hay không? Trước câu hỏi này Phật Giáo khẳng định một cách dứt khoát là không! Quả cũng không khó để nhận thấy sự tiến bộ khoa học, y khoa cũng như các phương tiện kỹ thuật hiện đại, kể cả các chủ thuyết triết học và các thể chế chính trị..., tất cả đều không mang lại một giải pháp nào có thể hóa giải được vô thường và ứng phó hữu hiệu với cái chết.

Các cố gắng - nếu không muốn nói là các thái độ mang tính cách kiêu căng và thách thức ấy - của xã hội con người thật ra chỉ là những cách tránh né hiện thực, tạo ra một sự mất thăng bằng liên tục đưa đến các sự xung đột và chiến tranh mà thôi. Sự say mê tìm kiếm một sự an toàn nào đó - dù đấy là của cải, sức khoẻ hay tâm linh - chỉ là những cách phản ứng phát sinh từ những mối lo âu ích kỷ và một tầm nhìn thiển cận về sự sống ngắn ngủi của cá nhân mình trong thế giới này.

Tóm lại giải pháp có thể giúp mang lại sự an vui không thuộc vào bối cảnh bên ngoài, và cũng không nhất thiết là một trọng trách của xã hội, mà đúng hơn là thuộc nội tâm của mỗi cá thể. Giải pháp đó chỉ có thể mang lại bằng sự hiểu biết đúng đắn về bản chất đích thật của mình và của các hiện tượng đang chuyển động chung quanh. Thật vậy chúng ta nào có biết được bản chất của sự hiện hữu của mình là gì đâu? Chúng ta cũng chẳng hiểu được tại sao mình lại sinh ra đời? Cái tên do cha mẹ tùy hứng đặt cho mình nào có phải là mình đâu! Chúng ta chỉ biết tự nhận diện mình xuyên qua cảm tính của một "cái tôi" đứng phía sau cái tên gọi ấy như là một thứ nhãn hiệu đại diện cho mình. Chúng ta bám víu vào "cái tôi" và cái nhãn hiệu ấy để hiện hữu và để phát lộ mọi thứ xúc cảm: bấn loạn cũng có, thích thú cũng có, ích kỷ cũng có, hung dữ cũng có, thương yêu cũng có, đam mê cũng có... Nếu chúng ta cứ tiếp tục cảm nhận sự hiện hữu của mình xuyên qua những thứ xúc cảm đó và cho rằng đấy là bản chất của sự sống của chính mình thì quả thật hết sức thô thiển, hời hợt và sai lầm. Phật Giáo gọi những sự cảm nhận ấy là những cảm nhận phát sinh từ vô mình.

Nếu muốn xóa bỏ vô minh để nhìn thấy bản chất sâu kín của chính mình và của thế giới thì chỉ có một giải pháp duy nhất là sự chú tâm. Sự chú tâm giúp chúng ta chiến thắng vô minh tức là sự u mê tâm thần để quán thấy những gì tàng ẩn phía sau những cảm tính lừa phỉnh ấy, hầu có thể giúp mình quay trở về với bản chất đích thật và nguyên sinh của chính mình. Sự chú tâm cũng là một yếu tố tối cần để phát huy trí tuệ hầu giúp mình quán thấy bản chất của thế giới hiện tượng đang chuyển động chung quanh mình. Thế nhưng nếu muốn gia tăng sự chú tâm và phát huy trí tuệ thì phải làm sao? Không có cách nào khác hơn là phải thực hành phép thiền định.

Nói đến thiền định tất sẽ có người lo ngại hoặc nản chí vì không hiểu thiền định là gì. Sống với tham vọng, nhìn vào "cái tôi", nuôi nấng, bảo vệ sự si mê của mình, ước mơ thực hiện được những ý đồ của mình... chỉ là những cách mang lại cho mình sự xao động thường xuyên. Trái lại, sống trong đơn sơ, trở về với bản chất chân thật và giản dị của mình và thỉnh thoảng ngồi xuống trong yên lặng, thì đấy gọi là thiền định. Thật vậy không có gì dễ dàng hơn là sống trong đơn sơ và ngồi xuống trong yên lặng, thế nhưng đó lại là cách mở ra cho mình một bầu không gian rộng lớn. "Trong bầu không gian mênh mông đó Thần Chết (Mara) sẽ không còn tìm thấy mình ở đâu cả" (Kinh Pháp Cú, tiết 170). Ngồi yên để thiền định không phải là cách giả vờ chết hay lẫn trốn "Thần Chết" mà đúng hơn là cách cứ để cho "Thần Chết" chết theo với "cái tôi" và những thứ xúc cảm bấn loạn của mình. Dù sao nếu muốn cho việc thiền định mang lại hiệu quả thì phải có một cuộc sống thích nghi. Một cuộc sống hối hả, mưu đồ và tính toán sẽ không bao giờ giúp cho việc thiền định mang lại hiệu quả được. Học hỏi những lời giảng huấn của Đức Phật và sống với những lời giảng huấn ấy một cách chân thật và nghiêm túc là cách tạo ra cho mình những điều kiện thuận lợi để thiền định và đồng thời sẽ mang lại cho mình một cuộc sống tốt đẹp. Một cuộc sống tốt đẹp tất sẽ đưa đến một cái chết tốt đẹp. Một cái chết tốt đẹp sẽ đưa đến một sự tái sinh tốt đẹp.

Thiền++ - Ý nghĩa cái chết theo quan điểm Phật giáo (2)

Cái chết chỉ là hình ảnh phản chiếu sự sống hiện tại của mình trong một tấm gương. Nếu giữ được một cuộc sống nghiêm minh và thực hiện được phép thiền định thật sâu xa thì biết đâu mình cũng có thể đạt được một mức độ giải thoát nào đó ngay trong kiếp sống này?

Kinh sách xưa gọi sự giải thoát là một sự "đình chỉ" (nirodha), nói cách khác thì đấy là một sự "mở rộng trí tuệ" giúp mình cởi bỏ những mối dây ràng buộc tạo ra bởi mạng lưới của các các quy luật tương liên (pratityasamutpada) và nguyên-nhân-hậu-quả (karma). Khi nào thực hiện được sự "đình chỉ" ấy một cách tuyệt đối thì tất cả mọi thứ xúc cảm bấn loạn cũng sẽ bị tiêu trừ, "cái tôi" sẽ tan biến, và khi đó nếu nhìn vào tấm gương thì chúng ta cũng sẽ chẳng thấy mình ở đâu cả.

Tóm lại bước thứ tư của người tu tập không phải là một cách bó tay và chấp nhận cái chết mà phải làm mọi cách để cắt đứt vòng xoay vần của sinh tử, có nghĩa là phải làm đình chỉ chuỗi dài lôi kéo của khổ đau, nói một cách khác là vượt lên trên cả sự sống lẫn cái chết.

Dù sao thì bước tiến thứ tư này cũng khá phức tạp bởi vì các tông phái và học phái chủ trương nhiều phép tu tập khác nhau. Vậy phải hiểu như thế nào về những sự khác biệt ấy? Thiết nghĩ trước hết chúng ta hãy thử phân tích quan điểm chung của Phật Giáo về sự sống và cái chết, và sau đó sẽ tìm hiểu chi tiết hơn các quan điểm dị biệt giữa các tông phái và học phái.

Quan điểm chung của Phật giáo về sự sống và cái chết

Nếu muốn thấu triệt quan điểm của Phật Giáo về sự sống và cái chết thiết nghĩ không nên quan niệm Phật Giáo như là một tôn giáo theo cách hiểu thông thường, chẳng hạn như theo cung cách mà người Tây Phương đánh giá các tôn giáo độc thần của họ. Đạo Pháp (Dharma) do Đức Phật thuyết giảng không phải là những lời thần khải, cũng không nhất thiết là những lời giáo huấn đạo đức của một vị hiền nhân là Đức Thích-ca Mâu-ni, mà đúng hơn là một "khám phá" siêu việt của một vị Giác Ngộ về "Sự Thật" của thế giới.

 "Sự Thật" do Đấng Giác Ngộ nêu lên liên quan đến thế giới vật-chất và cả phi-vật-chất, bao hàm tất cả mọi lãnh vực hiểu biết của con người: từ khoa học, triết học cho đến đạo đức và cả sự vận hành sâu kín của tâm thức nơi mỗi cá thể. Nếu suy xét thật kỹ thì chúng ta cũng sẽ thấy rằng tuy "Sự Thật" đó liên quan đến bản chất của toàn thể vũ trụ, thế nhưng Đấng Giác Ngộ mà người ta còn gọi là Đức Phật, chỉ nhấn mạnh đến những khía cạnh thật thiết thực là những khổ đau mà con người tự gây ra cho mình và các phương pháp giúp họ tự giải thoát khỏi những khổ đau đó. Nếu nhìn hai khía cạnh ấy của Đạo Pháp qua nhãn quan của con người thuộc thời đại chúng ta ngày nay thì sẽ thấy rằng cả hai khía cạnh đều thuộc vào lãnh vực "tâm lý học" (psychology) với ý nghĩa thật bao quát của ngành học này. Nếu nhìn theo một góc cạnh thu hẹp và thực dụng hơn nữa thì đấy là một ngành y học gọi là "tâm lý trị liệu" (psychotherapy), nếu nhìn theo một góc cạnh mở rộng và sâu sắc hơn thì đấy là một sự khám phá kỳ diệu thuộc lãnh vực "tâm linh" (spiritual exploration). Thế nhưng mặc dù sự khám phá thuộc lãnh vực tâm linh ấy có siêu việt đến đâu đi nữa thì Phật Giáo nhất định cũng không phải là một tôn giáo mang tính cách thần bí và diệu kỳ (a mystical mysticism). "Niết-bàn" hay "mục đích tối thượng" của việc tu tập Phật Giáo không phải là một cõi "thần bí" hay "thiêng liêng" nào cả mà chỉ đơn thuần là một "thể dạng tâm thần" đang hiển hiện trong trí của mỗi chúng ta, tất nhiên là với điều kiện thể dạng tâm thần  ấy đã loại bỏ được cảm tính kiêu căng của "cái tôi" và những thứ xúc cảm bấn loạn phát sinh từ "cái tôi" ấy.
 
Phật giáo không hướng vào một Vị Sáng Tạo để xây dựng giáo lý của mình bằng cách dựa vào sự tưởng tượng và những thứ xúc cảm ngây thơ, mà chỉ nhắm vào những gì thật thiết thực mang lại lợi ích cho con người, nhằm đáp ứng những đòi hỏi sâu xa của họ. Phật Giáo cũng không hề được xây dựng dựa vào đức tin, nghi lễ, hoặc một sự kiện lịch sử hay một truyền thuyết nào cả, mà đúng hơn đã được phát huy từ sự quán xét và phân tích hiện thực qua những kinh nghiệm cảm nhận trực tiếp và những sự hiểu biết của con người dưới nhiều góc cạnh khác nhau. Cũng chính vì đặc tính nhân bản đó mà Phật Giáo đã trở nên đa dạng và đã đưa ra nhiều quan điểm khác nhau về cái chết, phản ảnh từ các góc nhìn khác nhau của các tông phái và học phái về vấn đề này.

Thật ra chúng ta cũng sẽ chỉ đề cập đến ba tông phái quan trọng nhất chủ trương những quan điểm rõ rệt hơn cả về sự sống và cái chết, phù hợp ít nhiều với giáo lý nguyên thủy nêu lên trong Đạo Pháp do Đức Phật thuyết giảng, đấy là: Phật Giáo Theravada, Kim Cương Thừa và Thiền Học. Phật Giáo Theravada chủ trương các quan điểm về sự sống và cái chết cũng như các phép tu tập gần với giáo lý nguyên thủy của Đức Phật hơn cả. Kim Cương Thừa dựa vào sự quan sát và những kinh nghiệm thiền định thật tinh tế nhằm phân tích quá trình của sự sống và cái chết và căn cứ vào đấy để đưa ra các phép tu tập thích nghi. Thiền Học chủ trương một giáo lý mang nhiều khía cạnh triết học và các phép tu tập rất cá biệt nhằm loại trừ sự sai lầm căn bản của sự hiểu biết quy ước do tâm thức tạo dựng. Giáo dục và các kinh nghiệm cảm nhận phiến diện và lừa phỉnh của các giác quan cũng như các cách diễn đạt lệch lạc của tâm thức đã mang lại cho con người một sự hiểu biết hoàn toàn lầm lẫn về hiện thực. Kinh sách gọi sự hiểu biết lầm lẫn đó là vô minh, và chủ đích của Thiền Học là tìm cách loại trừ sự vô minh đó để đạt được sự giác ngộ.

Nếu phân tích thật kỹ thì có lẽ cũng không phải là quá khó để nhận thấy rằng cả ba xu hướng của ba tông phái và học phái trên đây đều hướng vào sự tìm hiểu bản chất và sự vận hành của tri thức (vijnana, citta / consciousness) nhằm rút tỉa những sự hiểu biết qua những góc nhìn khác nhau hầu để ứng dụng vào việc tu tập của tông phái mình. Tóm lại tri thức chính là chiếc chìa khóa hữu hiệu nhất để tìm hiểu cả ba khuynh hướng tu tập trên đây và cả của Phật Giáo nói chung. Vậy chúng ta hãy thử tìm hiểu xem bản chất của tri thức là gì và sự vận hành của nó ra sao.       

Bản chất của tri thức

Phật giáo định nghĩa tri thức (consciousness / kinh sách gốc Hán ngữ gọi là "thức") là một "khoảnh khắc" giúp nhận biết được bản chất đích thật và đúng đắn của một hiện tượng. Trên bình diện tổng quát có thể gọi đấy là một "khoảnh khắc hiểu biết". Chữ tâm thức (esprit / spirit / kinh sách gốc Hán ngữ gọi là "Tâm") mang ý nghĩa bao quát hơn và có nghĩa là một tổng thể bao gồm những kinh nghiệm cảm nhận dưới các hình thức xúc cảm và cả sự hiểu biết nói chung. Tâm thức có khả năng biết suy nghĩ và nhận thức được những khái niệm trừu tượng và tinh tế, chẳng hạn như tánh không. Xúc cảm là các kết quả phát sinh từ sự diễn đạt của tâm thức về những gì mà ngũ giác và chính nó - tức là tâm thức - cảm nhận được (ngũ giác cảm nhận được mùi, vị, âm thanh..., tâm thức cảm nhận được xúc cảm, tư duy...). Các sự cảm nhận đó của "tâm thức" mang tính cách giai đoạn, trái lại sự hiểu biết tinh tế và sâu sắc của "tri thức" mang tính cách liên tục và lâu dài hơn, chẳng hạn như ta vẫn còn giữ được sự hiểu biết từ ngày còn nhỏ, như sở dĩ ta đọc được dễ dàng các dòng chữ này ấy là nhờ ngày còn nhỏ ta được đi học. Sự hiểu biết sở dĩ kéo dài được như thế là nhờ vào những "khoảnh khắc" hiểu biết liên tục tiếp nối nhau tương tự một dòng luân lưu không gián đoạn hay "dòng tiếp nối liên tục của tri thức" (continuum of consciousness) mà Đức Đạt-lai Lạt-ma nhắc đến. Tất nhiên là bản chất của nó mang tính cách phi-vật-chất, vậy sự liên hệ của tri thức phi-vật-chất liên quan với bộ não như thế nào?

Phật giáo xem bộ não như là cơ sở hỗ trợ và chuyển tải tâm thức qua những thể dạng vận hành thô thiển gồm các kinh nghiệm cảm nhận của các cơ quan giác cảm còn gọi là "tri thức ngũ giác", và các sự diễn đạt tâm thần còn gọi là "tri thức tâm thần" (gồm xúc cảm, tư duy, tác ý...). Não bộ và các loại tri thức thô thiển này tương tác với nhau một cách mật thiết, thí dụ bộ não bị chấn thương thì sẽ gây trở ngại hoặc tạo ra những ảnh hưởng tai hại cho sinh hoạt tâm thần (có thể bị hôn mê, mất trí, ngớ ngẩn chẳng hạn), các thể dạng tâm thần lành mạnh, an vui, hoặc lo âu hay xao động..., đều ảnh hưởng đến hệ thần kinh và sức khoẻ trên thân xác. Thế nhưng cũng có một thể dạng thật tinh tế của dòng tri thức dưới dạng những khoảnh khắc hiểu biết sâu sắc ("thức" trong các kinh sách gốc Hán ngữ) không liên hệ đến sự sinh hoạt của não bộ và cũng không sử dụng não bộ như là một cơ sở chống đỡ hay chuyển tải nó.

Tính cách "độc lập" đó giúp cho dòng tri thức tinh tế tồn tại và tiếp tục luân lưu suốt trong quá trình của sự sống, trong khi ngủ hay trong những lúc bị hôn mê, kể cả trong các trường hợp não bộ bị chấn thương và không còn hoạt động được nữa. Sự vận hành của nó mang tính cách liên tục dù cho thân xác vật chất và các thể dạng tâm thần thô thiển đã tan biến hết khi cái chết xảy ra. Nhờ đó dòng tri thức sẽ tiếp tục luân lưu từ kiếp sống này sang kiếp sống khác, xuyên qua các giai đoạn trung gian thuộc quá trình của cái chết.

Theo Phật giáo Tây Tạng thì dòng liên tục đó của tri thức luân lưu không có điểm khởi thủy và cũng sẽ không chấm dứt. Mỗi khoảnh khắc của dòng tri thức sở dĩ phát sinh là do nguyên nhân gây ra bởi khoảnh khắc xảy ra trước nó, chính nó lại tạo ra nguyên nhân làm phát sinh ra khoảnh khắc tiếp theo sau. Giả sử nếu như có một khoảnh khắc "đầu tiên" thì nhất định phải có các nguyên nhân "bên ngoài" nó khiến làm phát sinh ra nó. Điều đó đi ngược lại với nguyên tắc của Phật Giáo là một hiện tượng chỉ có thể phát sinh từ những nguyên nhân liên hệ với nó, thí dụ sự tái sinh và khổ đau sở dĩ xảy ra là do những nguyên nhân do chính mình tạo ra cho mình. Mặt khác nếu giả sử như dòng tri thức có một sự chấm dứt cuối cùng đánh dấu bởi một khoảnh khắc sau cùng, thì đấy cũng sẽ lại là một sự phi lý khác, bởi vì theo Phật Giáo nếu có một hiện tượng phát sinh thì bắt buộc sau đó nó sẽ phải trở thành một nguyên nhân để làm phát sinh ra một hiện tượng khác, do đó một sự chấm dứt cuối cùng sẽ không thể nào xảy ra được. Theo Đức Đạt-lai Lạt-ma thì dòng tiếp nối liên tục của tri thức tinh tế của một cá thể sẽ vẫn tiếp tục luân lưu sau khi cá thể ấy đã thoát ra khỏi vòng luân hồi, tức là đã đạt được sự Giải Thoát cuối cùng, chỉ có một điểm khác biệt là dòng tri thức ấy đã được tẩy sạch các vết hằn của nghiệp và đã trở nên tinh khiết.

Những gì được trình bày trên đây là bản chất của tri thức theo quan điểm của Phật Giáo. Vậy thì dòng tri thức tinh tế đó vận hành như thế nào.

Sự vận hành của tri thức

Các khoảnh khắc của dòng tri thức hiện ra và biến mất trong một khoảnh khắc rất ngắn, sự hiểu biết này tiếp nối với sự hiểu biết khác. Tuy mang tính cách giai đoạn và nhất thời (ponctuel / punctual) thế nhưng các khoảnh khắc hiện ra và tiếp nối nhau rất nhanh, tương tự như hình ảnh linh động của một cuốn phim, khiến chúng ta có cảm giác như dòng tri thức mang tính cách liên tục.

Tất cả mọi tư duy, hành động và ngôn từ đều tạo ra nghiệp: tích cực, tiêu cực hay trung hòa, bởi vì nếu đã có một nguyên nhân (hành động) thì tất sẽ phải tạo ra hậu quả (nghiệp / vết hằn / chủng tử). Nghiệp tạo ra bởi một cá thể sẽ lưu lại dấu vết của nó trên các đơn vị của dòng tri thức. Nói một cách khác là mỗi đơn vị của dòng tri thức sẽ tiếp nhận những vết hằn của nghiệp do chính cá thể ấy tạo ra, trùng hợp với thời điểm xảy ra sự hiển hiện của đơn vị ấy. Các vết hằn này lại tương tác với các vết hằn có sẵn mà đơn vị này đã tiếp nhận được từ đơn vị trước nó. Tác động của nghiệp vừa tiếp nhận sẽ có thể hóa giải bớt, hoặc gia tăng thêm hay cũng có thể chuyển hướng được xung năng của nghiệp cũ có sẵn trong cùng một đơn vị và tạo ra một "tổng thể các vết hằn mới" trước khi chuyển sang cho một đơn vị khác hiện ra sau đó.

Đây cũng chính là cách giải thích về sự vận hành của nghiệp trong hiện tại cũng như sự tồn lưu của nó từ kiếp sống này sang kiếp sống khác. Sự tương tác trên đây giữa các dấu vết của nghiệp trong từng đơn vị tri thức cho thấy tính cách luôn luôn biến động và vô thường của nghiệp. Nghiệp cũng chỉ là một hiện tượng như tất cả các hiện tượng khác. Người tu tập cũng nên ghi nhận sự kiện này để hiểu rằng nghiệp có thể khắc phục và biến đổi được trong từng giây phút một, do đó phải luôn tự nhắc nhở mình phải chú tâm thật mạnh vào từng tư duy, hành động và ngôn từ hầu giúp mình biến cải và tinh khiết hóa các dấu vết của nghiệp trên dòng tri thức của chính mình. Xao lãng và phung phí thì giờ vào những chuyện vô bổ là một điều đáng tiếc nhất cho một kiếp người.

Sự xao lãng sẽ khiến chúng ta không nhận thấy được những gì đang biến động trên thân xác và trong tâm thức mình. Mỗi đơn vị trên dòng tri thức tuy mang tính cách "độc lập", thế nhưng thật ra thì chúng đều lệ thuộc và tương tác với nhau thật chặt chẽ. Các dấu vết của nghiệp tồn lưu trong đơn vị này sẽ tạo ra nguyên nhân để làm phát sinh ra đơn vị khác hiện ra sau đó. Sự kiện này chẳng những có thể giải thích sự tồn lưu của nghiệp như vừa trình bày trên đây mà còn giúp tìm hiểu "trí nhớ" và sự "lãng quên" là gì. "Trí nhớ" dưới một khía cạnh nào đó có thể xem như là những vết hằn của nghiệp ghi khắc trên mỗi đơn vị tri thức. Khi các vết hằn thuộc loại trí nhớ được truyền sang cho một đơn vị khác thì chúng cũng có thể sẽ bị biến đổi đi, chẳng hạn như bị lu mờ, méo mó hoặc hoàn toàn bị che lấp bởi tác động của các vết hằn mới.

Thí dụ chúng ta có thể quên hoặc nhớ lại được một vài kỷ niệm ngày còn nhỏ, thế nhưng khi nhớ lại thì các kỷ niệm này cũng đã biến dạng đi, mơ hồ và thiếu chính xác, hoặc cũng có thể sẽ tạo ra những xúc cảm khác hơn. Đấy chẳng qua là vì các dấu vết đó sau khi đã được chuyển tải không biết bao nhiều lần, từ hết đơn vị này sang đơn vị khác trên dòng luân lưu của tri thức, đã bị các nghiệp khác tác động khiến cho chúng phải biến đổi khác đi. Chẳng hạn như ngày còn bé, mỗi khi phải ở một mình trong một gian phòng tối thì ta "sợ ma", ngày nay mỗi khi hồi tưởng hay "nhớ lại" sự sợ hãi đó thì sự kiện nhớ lại ấy lại có thể khiến cho ta phải bật cười, bởi vì ngày nay ta nhận thấy rằng sự sợ hãi ấy thật trẻ con. Chẳng qua đấy là vì những kinh nghiệm trong sự sống khi lớn lên đã ghi khắc trên dòng tri thức của mình những vết hằn mới, và các vết hằn này đã hóa giải được sự sợ hãi khi còn bé. Hãy lấy một thí dụ khác, trước đây có lần ta thất tình và chỉ muốn tự tử, thế nhưng một thời gian sau đó ta lại "quen" một người khác "xinh đẹp và có duyên" hoặc "bảnh trai và tài giỏi" hơn, và khi "nhớ lại" chuyện thất tình trước đây thì ta mừng thầm và nghĩ rằng nếu lúc đó mình uống một gói thuốc chuột thì đã tiêu đời từ lâu rồi! Sự kiện nhớ lại đó không làm cho mình "khổ sở" như trước đây nữa mà trái lại còn có thể làm gia tăng thêm "hạnh phúc" mà mình đang có. Đấy là vì tác động của các vết hằn mới đã khiến các vết hằn cũ trước đây phải chuyển hướng khác đi. Hãy nêu thêm một thí dụ khác nữa, khi đi ngang một sạp bán thịt heo ở chợ, ngửi thấy mùi thịt và máu xông lên rất hôi tanh, ta cảm thấy sợ và đêm hôm đó nằm mơ thấy cảnh thọc huyết heo, con vật giẫy dụa, kêu en ét, máu me lênh láng, ta khiếp sợ giật mình và toát mồ hôi.

Hình ảnh con vật bị thọc huyết khiến ta khiếp sợ thế nhưng đồng thời thì ta cũng cảm thấy thương hại con vật vô cùng. Hoặc ngược lại nếu ta trông thấy trên sạp bán thịt ở chợ một khối thịt đùi thật ngon, nạc nhiều, ít mỡ, da mỏng, lông cạo thật sạch, ta liên tưởng nếu được một nồi thịt kho thơm phức dọn ra trong buổi cơm chiều nay thì chẳng có gì thích thú hơn, một sự "thèm khát" và "bám víu" hiện ra trong trí mình. Về đến nhà hình ảnh miếng thịt vẫn chưa phai, và đêm hôm ấy ta nằm mơ thấy người nhà dọn cơm ra với thịt kho, rau luộc, dưa cải..., tuy đói thế nhưng vì lý do này hay lý do khác ta không sao ăn được. Hoặc cũng có thể ta nằm mơ thấy mình đang lang thang ở một nơi xa lạ, bụng đói thế nhưng nhà nhà đều đóng cửa, ta cứ đi hết phố này sang phố khác và không tìm thấy hàng quán nào để ăn, nhà của mình ở đâu cũng không biết. Các thí dụ trên đây cho thấy cách ghi khắc của nghiệp trên dòng tri thức và những biến dạng trong sự vận hành của nó. Nói chung nếu phân tích thật cẩn thận từng hành động, ngôn từ và tác ý của mình trong ngày hoặc đã xảy ra thật lâu trong quá khứ thì chúng ta cũng có thể giải đoán được các giấc mơ hay các cơn ác mộng của mình. Sự xao lãng và thiếu chú tâm nhất định sẽ không giúp mình tìm hiểu được những sự kiện ấy.

Một số nghiệp tạo ra trong cuộc sống thường nhật có thể tạo ra những ảnh hưởng rất sớm đến sự vận hành của tri thức trong giấc ngủ, bởi vì trong khi ngủ lục giác ngưng hoạt động, các đơn vị của dòng tri thức không tiếp nhận các vết hằn mới, do đó một số các vết hằn vừa ghi nhận được trong ngày có thể hiện ra trong tâm thức để khuấy động mình. Một số  nghiệp khác có thể ngủ yên lâu hơn và sẽ ảnh hưởng một cách cụ thể hơn trong những thời điểm khác, hoặc cũng có thể trong các kiếp sống khác. Thí dụ sự thương xót con vật bị thọc huyết sẽ khiến ta tái sinh trong một bối cảnh thuận lợi giúp ta biết ăn chay và biết được Đạo Pháp. Trái lại nếu sự thèm khát các thức thức ăn gây ra khổ đau cho các chúng sinh khác cứ xảy ra liên tục sẽ tạo ra một tổng hợp xung năng thật mạnh xui khiến ta tái sinh trong một gia đình thiếu thốn hoặc một nơi nghèo đói và hung bạo. Cùng một sự kiện đi ngang một sạp bán thịt ở chợ, thế nhưng những xung năng khác nhau của nghiệp có thể đưa đến những tác ý khác nhau và những hậu quá khác nhau.

Cách nêu lên sự vận hành của quy luật tương liên (interdependence) qua một vài thí dụ, dù đã được đơn giản hóa một cách quá đáng đi nữa, là chỉ nhằm vào mục đích giúp chúng ta dễ hiểu hơn về quy luật này. Hơn nữa đấy cũng là một dịp để nhắc nhở chúng ta về một nguyên tắc thật căn bản trong giáo lý nhà Phật là không có bất cứ gì sinh ra lại không có lý do và nguyên nhân của nó, và cũng chẳng có bất cứ thứ gì mất đi hay tan biến đi mà lại không lưu lại hậu quả phát sinh từ tác động do chính chúng gây ra. Dòng tri thức chẳng những là cơ sở chuyển tải các vết hằn của nghiệp mà đồng thời cũng gánh chịu những tác động do chúng tạo ra trên dòng lưu chuyển liên tục đó. Một cơn ác mộng không xảy ra vô cớ, khi giật mình toát mồ hôi trong đêm cũng không phải là không có lý do của nó. Sự chú tâm sẽ giúp mình nhận thấy rằng sức khoẻ hay ốm đau trên thân xác, an vui hay lo buồn trong tâm thức đều phát sinh từ những nguyên nhân rất gần hay thật xa nào đó mà chính mình đã tạo ra cho mình.

Tóm lại trí nhớ có thể hiểu như một sự vận hành và tồn lưu của nghiệp, do đó trí nhớ đôi khi cũng có thể là một dịp may giúp chúng ta suy nghĩ về các hành động trước đây của mình hầu giúp mình có thể canh chừng và theo dõi nghiệp đã, đang hay sẽ phát sinh từ các hành động ấy. Các vết hằn "ngủ yên" hay bị "quên lãng" cũng là một hình thức vận hành khác của nghiệp, giúp cho nghiệp tồn lưu trong dòng lưu chuyển của tri thức thật lâu, có thể xuyên qua nhiều kiếp sống. Dù "ngủ yên" và bị "quên lãng" thế nhưng thật ra chúng luôn luôn năng động và không ngừng tương tác với các nghiệp khác một cách kín đáo và có thể "thức dậy" để gây ra hậu quả bất cứ lúc nào trong cuộc sống của mình. Càng ngủ yên lâu dài chúng lại càng trở nên cường mạnh hơn dưới tác động của các nghiệp khác cùng một thể loại, hoặc cũng có thể bị hóa giải và tiêu trừ bởi những nghiệp mang tính cách đối nghịch với chúng. Các nghiệp xấu "ngủ yên" lâu dài thường rất nguy hiểm, chúng có thể "thức dậy" bất cứ lúc nào khi gặp được cơ duyên thuận lợi để đưa ta vào những cảnh khổ đau kinh khiếp và không lường được. Thiền định dưới một khía cạnh nào đó cũng là một cách "đánh thức" các nghiệp sâu kín trong tâm thức mình sớm hơn hầu để hóa giải chúng.  

Nếu phân tích thật kỹ hành vi cũng như các cách hành xử của mình trong hiện tại thì chúng ta cũng có thể nhận thấy tác động của nghiệp trong quá khứ ảnh hưởng khá rõ nét đến các hành vi và các cách hành xử ấy của mình. Có một số người có thể "nhớ lại" nhiều biến cố hay sự việc xảy ra liên quan với mình trong kiếp sống trước. Trong các trường hợp này các vết hằn "trí nhớ" của các người ấy không bị tác động của các vết hằn khác làm cho lu mờ nên đã được lưu giữ lâu dài hơn. Khoa học ngày nay có thể chụp hình và theo dõi sự vận hành của não bộ (IRM / MRI / MRT / Imagerie par Résonnance Magnétique / Magnetic Resonance Imaging), thế nhưng nếu hỏi một nhà khoa học trí nhớ là gì thì dù họ là nhà thần kinh học, tâm lý học hay phân tâm học thì tất cả cũng sẽ chịu thua không giải thích được. Đây cũng là một sự hiểu biết của Phật Giáo mà khoa học vẫn còn chưa theo kịp. Sau đây chúng ta sẽ tìm hiểu về  sự liên hệ giữa dòng tri thức và các thể dạng khác nhau biểu trưng cho sự sống và cái chết.

Quá trình "vi mô" và "vĩ mô" của sự sống và cái chết

Cách giải thích về tri thức trên đây cũng là một dịp gián tiếp để nhắc lại một một quy luật thiên nhiên và toàn cầu vô cùng quan trọng trong giáo huấn Phật Giáo mà Đức Phật đã khám phá ra hơn hai mươi lăm thế kỷ trước: đó là quy luật tương liên, tương tác, và tương tạo giữa mọi hiện tượng (pratityasamutpada / interdependence / lý duyên khởi). Các đơn vị của dòng tri thức thay nhau chuyển tải các vết hằn của nghiệp. Một đơn vị khi biến mất sẽ tạo điều kiện để làm phát sinh ra một đơn vị khác và chuyển sang cho đơn vị này các vết hằn của nghiệp mà nó cất giữ. Đơn vị vừa hiện ra lại sẽ biến mất để tạo ra nguyên nhân đưa đến sự hình thành của đơn vị tiếp theo. Mỗi đơn vị là một cơ sở dự phần vào việc tồn lưu và chuyển tải các vết hằn của nghiệp, do đó chúng mang tính cách cấu hợp và đồng thời phải lệ thuộc vào một đơn vị khác để hiện hữu. Sự hiện hữu đó gọi là sự tạo tác do điều kiện mà có (conditioning co-production / dependent origination). Chính vì đặc tính cấu hợp và do điều kiện mà sinh ra nên mỗi khoảnh khắc hay đơn vị của dòng tri thức cũng không tránh khỏi quy luật vô thường, kể cả nghiệp mà nó cất chứa bên trong nó cũng vô thường như chính nó (bởi vì chúng luôn tương tác với nhau để làm phát sinh ra các nghiệp mới). Mỗi đơn vị mang đặc tính trọn vẹn và đầy đủ của một hiện tượng: sinh ra, chuyển tải nghiệp, tan biến và tạo điều kiện để làm phát sinh ra một đơn vị khác. Do đó có thể xem mỗi đơn vị khi nó hiện ra là một "sự sống" và khi nó biến mất đi là một "cái chết". Dòng tri thức do đó cũng chết đi và sống lại liên tục qua từng đơn vị của nó. Dòng lưu chuyển liên tục đó cũng có thể xem như sự xoay vần của vòng luân hồi trên một bình diện thật tinh tế và sâu kín xảy ra trong tâm thức của mỗi cá thể. Chúng ta tạm gọi dòng biến đổi tinh tế ấy là "quá trình vi mô" của sự sống và cái chết.

Sự hình thành của một cá thể đưa đến già nua, bệnh tật, chết và tái sinh là "quá trình vĩ mô" của sự sống và cái chết. Quá trình này gồm có nhiều giai đoạn: tinh trùng kết hợp với noãn cầu đưa đến sự hình thành của bào thai, các giác quan phát triển, giác cảm phát sinh, "cái tôi" được tạo dựng, sau đó là già nua, bệnh tật, cái chết xảy ra, ngũ uẩn tan rã đưa đến một sự hình thành khác. Một số các giai đoạn này có thể quan sát và theo dõi được bằng mắt, trong khi đó thì "quá trình vi mô" diễn tiến thật âm thầm và sâu kín trong tâm thức. Vậy hai quá trình này liên hệ với nhau như thế nào?

Tác ý, hành động và ngôn từ thuộc quá trình vĩ mô của một cá thể tạo ra nghiệp, các nghiệp này lưu lại các dấu vết của chúng trên từng đơn vị của dòng tri thức. Quá trình "vi mô" tiếp nhận và chuyển tải các các dấu vết ấy và đồng thời cũng giữ một vai trò thật quan trọng là tạo ra một "cơ sở" hay "môi trường" thuận lợi giúp các vết hằn của nghiệp tương tác với nhau. Sự tương tác đó giữa các vết hằn của nghiệp trên quá trình vi mô và sẽ làm phát sinh ra hậu quả vào một thời điểm nào đó. Các hậu quả này lại gây ra tác động ảnh hưởng ngược trở lại quá trình vĩ mô. Thí dụ hậu quả phát sinh từ quá trình vi mô có thể đưa đến một sự sinh thuận lợi thuộc vào quá trình vĩ mô chẳng hạn, hoặc trong giấc ngủ các vết hằn của quá trình vi mô có thể tạo ra những cơn ác mộng hay những giấc mơ thật đẹp, hoặc trong lúc hấp hối các vết hằn này cũng có thể đưa đến một cái chết thanh thản hay một cái chết thảm thương đầy sợ hãi, v.v...

Sự liên kết và vận hành chung của hai quá trình vi mô và vĩ mô trên đây cho thấy sự diễn tiến níu kéo và xoay vần bất tận của một cá thể trong cõi luân hồi trên cả hai bình diện tinh tế và thô thiển. Chủ đích của việc tu tập là tìm cách làm cho sự diễn tiến đó phải "đình chỉ" tức là làm cho nó phải dừng lại, nói cách khác là "hóa giải" sự chi phối của nó, "vượt thoát" ra khỏi sự kiềm tỏa của nó. Tùy theo các góc nhìn khác nhau trước sự diễn tiến bất tận đó mà các tông phái và học phái đã đưa ra các phép tu tập khác nhau phù hợp với quan điểm hay góc nhìn của mình. Có ba tông phái và học phái lớn nêu lên các giáo lý gần với Đạo Pháp của Đức Phật hơn hết là: Phật Giáo Theravada, Kim Cương Thừa và Thiền Học. Chúng ta sẽ lần lượt nêu lên dưới đây các quan điểm dị biệt về sự sống và cái chết cũng như các khuynh hướng tu tập khác nhau của các tông phái và học phái này.

Hoang Phong

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.