Cái chết và sự giải thoát theo Phật giáo Theravada
Phật giáo Theravada chủ trương sự sống là một quá trình diễn tiến liên tục và không chấp nhận sự hiện hữu của bất cứ một thể dạng trung gian nào giữa hai sự sinh, tức là giữa hai "kiếp sống" của một cá thể. Khi một sự sinh này biến mất thì ngay sau đó nó sẽ được tiếp nối bởi sự hình thành của một sự sinh khác, phù hợp với các quy luật tương liên và nguyên-nhân-hậu-quả. Quá trình "sinh-tử-và-tái-sinh" đối với Phật Giáo Theravada là một quá trình liên tục, tương tự như hình ảnh tiếp nối không gián đoạn giữa các đơn vị của dòng tri thức. Khái niệm về một chu kỳ "vĩ mô" gồm có ba giai đoạn rõ rệt là sự "sinh ", "thể dạng trung gian" và sự "tái sinh" không hề được nêu lên trong Phật Giáo Theravada. Sự kiện này cũng cho thấy một khía cạnh lô-gic (hợp lý) nào đó trong giáo lý của tông phái này về sự sinh và cái chết. Tái sinh là một sự sinh mới, phát sinh từ các hậu quả do sự sinh trước đó tạo ra. Sự tái sinh này lại trở thành nguyên nhân làm phát sinh ra một sự sinh khác.
Tóm lại Phật giáo Theravada chỉ chú trọng đến sự sống trong những giây phút hiện tại mà không tìm hiểu hay ít ra cũng không quan tâm một cách quá đáng đến cái chết và những gì xảy ra phía sau cái chết. Chủ đích của việc tu tập là phải tinh khiết hóa "quá trình vi mô", không để cho một dấu vết nào của nghiệp có thể làm ô nhiễm dòng tri thức. Người tu tập phải luôn chú tâm, theo dõi và chủ động từng tư duy, tác ý và xúc cảm trong tâm thức, cũng như từng hành động, cử chỉ và ngôn từ trên thân xác nhằm chận đứng không để cho chúng tạo ra các vết hằn của nghiệp, đồng thời phải phát huy một sự quán thấy sâu xa để loại bỏ vô minh giúp mình tinh khiết hóa những gì có sẵn và đang tồn lưu trên dòng tri thức của mình. Con đường tu tập đó mang tính cách thăng tiến tuần tự, biểu trưng bởi một sự luyện tập kiên trì, nhẫn nại và can trường, nhằm chận đứng sự thâm nhập của nghiệp mới và tẩy xóa các vết hằn cũ trong từng đơn vị trên dòng tri thức. Nói một cách cụ thể và ngắn gọn hơn là không để cho giác cảm chi phối mình và tạo ra cho mình mọi thứ thèm khát, đam mê hay dục vọng, khiến cho quá trình vận hành của khổ đau phải dừng lại, hoàn toàn chấm dứt và tắt nghỉ. Kinh sách gọi đấy là sự "đình chỉ" (nirodha), là niết-bàn, là thể dạng của một vị A-la-hán. Trong thể dạng đó không còn bóng dáng nào của sự sinh cũng như cái chết.
Cái chết chỉ là sự chấm dứt của tổng thể vận hành của năm thứ cấu hợp do các quy luật tương liên và nguyên-nhân-hậu-quả tạo ra và chi phối nó. Nếu một người tu tập xóa bỏ được "cái tôi tạo dựng" đó thì có nghĩa là người này đã đạt được thể dạng A-la-hán, tức là niết-bàn. Thế nhưng niết-bàn ấy vẫn chưa phải là niết-bàn tuyệt đối và hoàn hảo và chỉ được gọi là "niết-bàn còn vướng phần dư thừa" (saupadidesa nibbana / hữu dư niết-bàn), bởi vì vị A-la-hán ấy vẫn còn mang thân xác cấu hợp tạo ra bởi nghiệp lực của mình từ trước. Khi nào vị A-la-hán này rời bỏ phần thân xác "dư thừa" (residue, remains / cặn bã, sự tồn dư) mà mình hiện đang có trong kiếp nhân sinh cuối cùng này, thì khi đó vị ấy mới thật sự hòa nhập vào "niết-bàn hoàn hảo" (parinibbana / bát niết-bàn) và không còn phải hiện hữu nữa, "cảnh giới" niết-bàn đó còn được gọi là "niết-bàn không còn phần dư thừa" (anupadisena nibbana hoặc khandaparinibbana / vô dư niết -bàn).
Cũng xin lưu ý là đạt được thể dạng A-la-hán có nghĩa là đạt được sự giải thoát cho riêng mình. Do đó vị A-la-hán không có khả năng nào giúp mình cứu độ các chúng sinh khác. Tuy nhiên kinh sách Phật Giáo Theravada cũng có nêu lên trường hợp nếu một vị A-la-hán sau khi đã đạt được sự giải thoát, thế nhưng vì lòng từ bi thúc đẩy, quyết tâm không hòa nhập vào niết-bàn mà lưu lại thế giới luân hồi hầu có thể giúp đỡ các chúng sinh khác, thì vị A-la-hán ấy sẽ được gọi là một vị Bồ-tát.
Cái chết và sự giải thoát theo Kim Cương Thừa
Nếu Phật giáo Theravada không chấp nhận sự hiện hữu của một giai đoạn chuyển tiếp giữa hai sự sinh, thì trái lại Kim Cương Thừa, còn gọi là Tan-tra Thừa hay Phật Giáo Tây Tạng, lại đặc biệt quan tâm đến giai đoạn trung gian này. Thật ra Kim Cương Thừa chú trọng đến tất cả các giai đoạn tiếp nối nhau trên dòng sinh diệt và gọi mỗi một giai đoạn như thế là một bardo (tiếng Tây Tạng bardo có nghĩa là một sự chuyển tiếp / tiếng Phạn là antarabhâva). Bardo do đó không nhất thiết chỉ có nghĩa là giai đoạn trung gian hay chuyển tiếp xảy ra giữa hai sự sinh, mà còn được dùng để chỉ định bất cứ một giai đoạn chuyển tiếp nào xảy ra trong cuộc sống: chẳng hạn như những lúc lắng vào giấc ngủ, bị hôn mê, hoặc khi não bộ bị chấn thương và không còn hoạt động được. Mỗi khi có một giai đoạn trung gian chấm dứt thì lại có một giai đoạn trung gian khác hiện ra sau đó, và cứ tiếp tục như thế. Tóm lại có hai bardo chính yếu là: "bardo của sự sống" tức là giai đoạn biểu trưng cho cuộc sống thường nhật của một cá thể, và "bardo của cái chết" tức là giai đoạn bắt đầu từ lúc các thành phần cấu hợp khởi sự tan biến cho đến khi chấm dứt giai đoạn hình thành đánh dấu bởi một sự sinh mới (lúc tinh trùng kết hợp với noãn cầu). "Bardo của sự sống" cũng như "bardo của cái chết" mỗi thứ lại được phân chia thành ba bardo thứ yếu. Tóm lại là có sáu bardo tất cả.
Ba "bardo của sự sống" là:
- bardo trong lúc tỉnh thức
- bardo trong khi ngủ
- bardo trong khi thiền định, tất nhiên là bardo này chỉ có thể hiện ra với một người hành thiền trong khi người này hòa nhập vào thể dạng trong sáng của trí tuệ.
Ba "bardo của cái chết" là:
- bardo của quá trình cái chết, tức là giai đoạn khởi sự xảy ra sự tan biến của năm thứ cấu hợp cho đến khi cái chết thật sự xảy ra (xin lưu ý là cái chết thật sự theo Kim Cương Thừa được định nghĩa khác hơn với cái chết theo tiêu chuẩn y khoa).
- bardo của thể dạng hiện thực, tức là giai đoạn bắt đầu sau cái chết thật sự tức là khi các khả năng của năm thứ cấu hợp (ngũ uẩn) đã tan biến hết và dòng tri thức tinh tế tách rời khỏi thân xác, và tiếp tục cho đến khi chấm dứt giai đoạn này, có nghĩa là vào thời điểm trước khi tinh trùng phối hợp với noãn cầu.
- bardo của sự hình thành là giai đoạn khởi sự từ lúc bardo của thể dạng hiện thực chấm dứt đến khi tinh trùng bắt đầu phối hợp với noãn cầu đánh dấu một sự sinh mới.
Trong khuôn khổ và chủ đích của bài viết này chúng ta chỉ đề cập đến quá trình bardo của cái chết, tuy nhiên cũng xin lưu ý là bardo của giấc ngủ cũng khá tương tự như bardo của cái chết. Tuy bardo của giấc ngủ khá đơn giản và không đầy đủ so với bardo của cái chết, thế nhưng bardo này có thể đảo ngược được (reversible), tức có nghĩa là có thể "tỉnh dậy" sau đó. Vì thế người tu tập theo Kim Cương Thừa thường sử dụng phép du-già thiền định để phân tích, tìm hiểu, theo dõi quá trình bardo của giấc ngủ để tập cho quen dần, hầu giúp mình ứng phó dễ dàng hơn khi cái chết thật sự xảy ra. Cũng xin lưu ý là bardo của giấc ngủ diễn tiến rất nhanh và do đó chỉ có những người luyện tập du-già thành thạo mới có thể theo dõi được.
Bardo trong lúc xảy ra cái chết gồm có hai giai đoạn "tan biến" (dissolution): trước hết là sự tan biến bên ngoài (người khác có thể quan sát và theo dõi được), đấy là sự tan biến của các khả năng cảm nhận của các cơ quan giác cảm trên thân xác, và sau đó là sự tan biến bên trong của dòng tri thức thuộc lãnh vực nội tâm (ngoại trừ một số nhà sư cao thâm ra thì chỉ có người hấp hối mới cảm nhận được sự tan biến rất tinh tế này).
Giai đoạn tan biến thứ nhất liên quan đến quá trình tan biến của năm thành phần của vũ trụ là: đất, nước, lửa, khí và không gian (sinh khí). Khi thành phần đất (chất cứng) tan biến (nên hiểu tan biến ở đây có nghĩa là các thành phần mất đi khả năng của chúng, thí dụ thành phần đất tan biến thì đấy có nghĩa là thân xác không còn cử động được, mặc dù thành phần cứng của thân thể vẫn còn), người sắp chết sẽ cảm thấy thân xác nặng nề, không cử động được, không xoay trở được, dường như có một vật nặng đè lên người. Khi thành phần nước tan biến, các chất nhờn trở nên khô ráo (các hạch bài tiết ngưng hoạt động), người hấp hối cảm thấy khát, tâm thần hoang mang và cảm thấy nhẹ bỗng và bồng bềnh, tương tự như bị một dòng nước cuốn trôi. Khi thành phần lửa tan biến, thân xác mất nhiệt và trở nên lạnh, người hấp hối khó thở, và sau đó sẽ mê man và không còn suy nghĩ được nữa. Tiếp theo đó đủ mọi thứ ảo ảnh sẽ hiện ra và các biến cố đủ loại trong cuộc sống vừa qua sẽ hiện về trong tâm thần người hấp hối, tương tự như một cuốn phim chiếu nhanh. Tuy nhiên đôi khi người hấp hối cũng có thể cảm thấy một thể dạng trong sáng lạ thường, chẳng hạn như một bầu không gian rạng ngời và an bình. Cũng bắt đầu từ giai đoạn này tim sẽ ngưng đập và phổi hết thở, tiếp theo đó não bộ bắt đầu suy thoái. Đây cũng là thời điểm đánh dấu cái chết theo tiêu chuẩn y khoa. Tuy nhiên chúng ta cũng thấy nhiều trường hợp một người đã chết theo tiêu chuẩn y khoa thế nhưng nhờ cứu cấp đôi khi cũng có thể hồi tỉnh được, và điều này cho thấy là các tiêu chuẩn y khoa không được chính xác và đầy đủ để xác định cái chết thật sự. Trong giai đoạn này (tức là đã chết theo tiêu chuẩn y khoa) "sinh khí" biểu trưng bởi "không gian" trong cơ thể vẫn còn duy trì thêm được một thời gian nữa trước khi tan biến hết. Khi giai đoạn này chấm dứt thì dòng tri thức tinh tế cũng sẽ tách rời khỏi thân xác và sự kiện này sẽ đánh dấu cái chết thật sự theo tiêu chuẩn của Kim Cương Thừa.
Giai đoạn tan biến thứ hai là sự tan biến bên trong. Trong giai đoạn này năm thành phần cấu hợp thô thiển (ngũ uẩn tạo ra môt cá thể) đã hoàn toàn mất hết khả năng, dòng tri thức tách rời khỏi năm thành phần ấy và trải qua một loạt các thể dạng khác nhau và sau cùng sẽ trở nên càng lúc càng tinh tế hơn. Đấy là sự "tan biến tinh tế" của tri thức: các thứ xúc cảm dần dần tan biến hết, trong khi đó thì hai thành phần tinh túy thừa hưởng của cha và của mẹ trước đây (khi cá thể được thụ thai) sẽ hội nhập với nhau ở vị trí tim và cùng tan biến sau đó. Thành phần tri thức tinh tế, sau khi đã được giải thoát ra khỏi "lớp vỏ cứng" tạo ra bởi những sự suy nghĩ quy ước và quen thuộc trước đây, sẽ nhờ đó để thể hiện được thể dạng nguyên sinh và tinh khiết nhất của nó, tức là một thể dạng rạng ngời và trống không gọi là "ánh sáng trong suốt" của cái chết.
Thời điểm phát hiện "ánh sáng trong suốt" là một thời điểm chủ yếu nhất đối với người luyện tập du-già, bởi vì người này có thể ý thức được bản chất trống không và Giác Ngộ của thể dạng đó để hòa nhập vĩnh viễn với nó. Đấy là cách giúp người luyện tập thoát khỏi chuỗi dài tái sinh bằng cách "dừng lại" ở thể dạng tinh khiết nhất của "bardo hiện thực" tức là thể dạng "ánh sáng trong suốt". Tuy nhiên họ cũng có thể không hòa nhập với nó mà tự nguyện sẽ chuyển sang bardo tiếp theo để tái sinh trở lại hầu có thể giúp đỡ chúng sinh còn đang vướng mắc trong cõi luân hồi. Đối với những người luyện tập du-già cao thâm thì giai đoạn bardo của ánh sáng trong suốt trên đây có thể kéo dài nhiều ngày hoặc hàng tuần, đôi khi cũng có thể là hàng tháng. Trong thời gian này xác chết của họ vẫn giữ nguyên tình trạng tươi tốt không hư thối, chỉ sau khi họ đã hoàn toàn hòa nhập với ánh sáng trong suốt (tức là tánh không tuyệt đối) thì khi đó xác chết của họ mới bắt đầu hư thối.
Những người bình dị tức không tu tập vẫn đạt được thể dạng ánh sáng trong suốt trên đây thế nhưng đối với họ thì thể dạng trung gian này xảy ra rất ngắn và chỉ kéo dài trong khoảng vài giờ đến ba ngày là cùng. Sau khi giai đoạn hiển hiện của ánh sáng trong suốt trên đây chấm dứt thì họ sẽ rơi vào một tình trạng hôn mê và cũng sẽ tỉnh lại ngay sau đó trong một bardo khác, gọi là bardo của sự hình thành. Trong bardo này tri thức của người quá cố sẽ được hồi phục, thế nhưng họ có cảm giác như mình đang sống trong một giấc mơ. Thế nhưng thật ra họ đã hoàn toàn rời khỏi xác chết trước đây của mình và đang mang một "thân xác" mới thật tinh tế (có thể hình dung như thân xác chiêm bao trong giấc ngủ). Trong giai đoạn hình thành và mang một thân xác tinh tế - tức chưa phải là thân xác thật sự thuộc bardo của sự sinh sắp xảy ra - thì đủ mọi thứ ảo giác khiếp đảm sẽ hiện lên với họ, thí dụ như nhưng tiếng nổ long trời, những hố sâu đen ngòm, những đàn thú dữ gầm thét..., những ảo giác ấy là hậu quả phát sinh từ nghiệp của họ. Nói chung họ phải chịu nhiều khổ đau và gian truân trước khi tìm được một tử cung phù hợp với nghiệp của mình để tái sinh. Dù sao thì thời gian này cũng chỉ kéo dài tối đa bốn mươi chín ngày, tuy nhiên cũng có giả thuyết cho rằng bardo của sự hình thành có thể kéo dài lâu hay mau là tùy thuộc vào nghiệp của mỗi cá thể, và cũng có giả thuyết cho rằng "ngày" trong giai đoạn bardo này không nhất thiết phải tương tự như "ngày" trong "cảnh giới" của chúng ta.
Tóm lại Kim Cương Thừa đặc biệt quan tâm đến "quá trình vĩ mô" của sự sống và cái chết bằng cách phân chia quá trình này thành nhiều bardo khác nhau. Riêng "bardo về cái chết" được đặc biệt mô tả thật chi tiết nhờ vào kết quả mang lại từ phép luyện tập gọi là du-già thiền định. Đồng thời Kim Cương Thừa cũng mô tả "quá trình vi mô" diễn tiến song hành với quá trình vĩ mô như trên đây qua những sự tan biến và hình thành trên dòng tri thức. Tính cách "lô-gic" trong quan điểm về cái chết của Kim Cương Thừa được căn cứ vào sự quan sát và các kinh nghiệm cảm nhận trực tiếp nhờ vào thiền định. Người hành thiền cao thâm có thể "hình dung" hay "tạo ra" một cái chết giả tưởng để theo dõi và phân tích. Nói chung là Kim Cương Thừa chú trọng đến cả hai quá trình "vi mô" và "vĩ mô" và mô tả tỉ mỉ sự vận hành chung của hai quá trình này.
Tóm lại đối với Kim Cương Thừa cái chết là một dịp giúp người tu tập tự giải thoát khỏi vòng xoay vần bất tận của luân hồi. Cũng xin lưu ý là Kim Cương Thừa không phải chỉ hướng vào bardo của cái chết để tìm sự giải thoát cuối cùng, mà đúng hơn chủ đích tu tập của tông phái này là phải thành Phật ngay trong kiếp sống hiện tại, hoặc trong một hay hai kiếp sống sau đó. Nếu không đủ khả năng để thành Phật ngay trong kiếp nhân sinh này thì cũng có thể nhờ vào giai đoạn bardo của ánh sáng trong suốt của cái chết để hoà nhập với tánh không như vừa trình bày trên đây.
Cái chết và sự giải thoát theo Thiền Học
"Tại nơi này và ở thời điểm này" là một câu có thể biểu trưng cho toàn bộ cốt lõi của tông phái Thiền Học. "Tại nơi này và ở thời điểm này" là cách "cắt đứt" quá khứ và "chận đứng" vị lai, nói cách khác là làm "dừng lại" mọi sự vận hành nhị nguyên của tâm thức. Đây là phương cách mà Thiền Học sử dụng để "hoá giải" các quy luật tương liên (pratityasamutpada), vô thường (anitya) và nhân quả (karma). Nguyên tắc căn bản của Thiền Học là không có bất cứ gì để nắm bắt, để tìm hiểu hay là để nhận thức mà chỉ cần "sống" thật đơn giản với những gì hiển hiện ra với mình, dù đấy là sự sinh tồn hay cái chết, nói một cách khác là phải hòa nhập với Thực Tại. Sở dĩ con người quá sợ hãi cái chết chẳng qua là vì họ đã tự tạo ra cho mình đủ mọi thứ tưởng tượng nhị nguyên và đối nghịch, khiến họ bị rơi trệch ra bên ngoài Hiện Thực. Tìm đủ mọi phương cách để trực tiếp đối đầu với cái chết không phải là cách ứng phó hữu hiệu nhất với nó mà đúng hơn phải làm tan biến mọi sự tưởng tượng trong trí của chính mình.
Có một vị thiền sư và một người đệ tử cùng tham dự một đám táng, người đệ tử trỏ xác chết của người quá cố và hỏi vị thầy: "Thế hắn đang sống hay đã chết?" Vị thầy trả lời: "Ta không sao trả lời mi được, bởi vì chính ta cũng không biết" (câu chuyện do thiền sư J.P. Faure kể trong một buổi phát sóng hàng tuần về Phật Giáo vào ngày 5 tháng 3, năm 2000 trên đài truyền hình quốc gia Pháp, do đó cũng không rõ vị thầy tên gì và nguồn gốc câu chuyện thuộc vào tài liệu nào). Vị thầy không đứng vào vị trí của quá khứ mà cũng chẳng đặt mình vào vị thế của tương lai, ông không thắc mắc những gì đã xảy ra trước đó với người quá cố và cũng không tưởng tượng những gì sẽ xảy đến với hắn trong tương lai. Nếu tự tách mình ra khỏi quá khứ và cũng không hướng mình vào tương lai thì mình cũng sẽ chẳng thấy sự sống hay cái chết của người khác cũng như của mình ở đâu cả.
Tất cả mọi công án của Thiền Học đều nhằm vào một mục đích duy nhất là tìm cách chận đứng tất cả mọi tư duy mang xu hướng quay nhìn về quá khứ hoặc hướng vào tương lai, cũng như mọi sự suy luận và tính toán, nói một cách đơn giản là không tưởng tượng gì cả. Đối với Phật Giáo tất cả mọi hiện tượng trong thế giới đều biến động và đổi thay, không ngoại trừ bất cứ một thứ gì: từ một hạt bụi, một quả núi, một lục địa cho đến một hành tinh, tất cả đều đang "hình thành" hoặc "thoái hóa" trong từng giây phút một. Trong tâm thức con người tư duy và xúc cảm cũng biến đổi không ngừng. Sự sống và cái chết cũng thế, cũng đều vô thường như nhau, không nên tách rời sự sống với cái chết, không phải chỉ có cái chết mới vô thường. Tất cả những gì hiện ra đều biến đi, chính vì thế nên tất cả đều là vô-thực-thể, kể cả cái chết. Nếu nhìn thấy chúng là thật thì tức khắc chúng sẽ hóa thành nguồn gốc mang lại khổ đau. Nếu ý thức được là chúng không có một thực-thể nào cả thì đấy sẽ là cách giúp mình quán thấy được Sự Thật Tối Hậu của mọi sự vật, tức là tánh không, là niết-bàn.
Những gì vừa trình bày trên đây cho thấy Thiền Học luôn chú tâm vào việc "ứng phó" với thời gian mà không tìm cách "đối đầu" với cái chết. Tách rời ra khỏi quá khứ cũng như tương lai là một cách giải quyết tận cội rễ của mọi sự vướng mắc. Thế nhưng thời gian là gì? Câu hỏi này có thể được nêu lên một cách khá bất ngờ đối với người đọc, bởi vì có ai mà chẳng biết thời gian là gì: chẳng phải là ngày hôm nay khác với ngày hôm qua hay sao? Thế nhưng trên thực tế cho đến nay chưa có một khoa học gia, một triết gia, một tư tưởng gia hay một nhà bác học nào có thể giải thích được bản chất của thời gian là gì! Chúng ta trông thấy mặt trời mọc buổi sáng và lặn vào buổi chiều, thế nhưng thật ra mặt trời không mọc mà cũng không lặn, đấy là vì địa cầu quay chung quanh nó để tạo ra ngày và đêm. Trục quay của địa cầu cũng làm thay đổi độ nghiêng để tạo ra mùa màng. Chúng ta đồng hóa tất cả những thứ ấy với thời gian. Trong toán học và vật lý học có một hệ số hay yếu tố biểu trưng cho thời gian, thế nhưng thực sự hệ số hay yếu tố ấy là gì? Sở dĩ kim đồng hồ quay ấy là nhờ vào lò xo hoặc vào sự "nhấp nháy" của một transitor, thời gian không làm cho kim đồng hồ quay được.
Cho đến nay chưa có ai hiểu được thời gian là gì mà chỉ biết đồng hóa thời gian với một sự chuyển động mà thôi, và chỉ đơn giản có thế. Thân xác và tâm thức một cá thể luôn chuyển động, do đó thời gian cũng ẩn chứa một cách tự tại bên trong thân xác và tâm thức của cá thể đó. Sự chuyển động ấy của thời gian chính là "hệ số" quan trọng nhất chi phối sự sống và cái chết của mỗi cá thể. Cũng xin mượn dịp này để tóm lược ra đây một vài lời giảng của Đức Đạt-lai Lạt-ma về quan điểm của Phật Giáo đối với thời gian. Ngài cho biết rằng một học phái xưa là Kinh Lượng Bộ (Sautrantrika) quan niệm rằng mọi hiện tượng và biến cố chỉ hiện hữu trong hiện tại. Quá khứ và vị lai chỉ mang tính cách khái niệm, đấy chỉ là những tạo dựng đơn thuần của tâm thức. Đối với học phái Trung Quán Cụ Duyên Tông (Madhyamika-prasangika / một chi phái của Trung Quan Tông) thời gian chỉ mang tính cách tương đối, và chỉ là một thực thể trừu tượng tạo dựng bởi tâm thức dựa vào sự "xảy ra liên tục" (continuity) của một biến cố hay một hiện tượng. Do đó không thể nào xem thời gian như là một thực thể tự chủ (entité autonome / autonomous entity) độc lập với sự hiện hữu của một vật thể, tức có nghĩa là thời gian không thể nằm bên ngoài vật thể ấy được. Trên phương diện triết học thời gian chỉ là một khái niệm lệ thuộc vào sự liên tục (continuum) của các hiện tượng.
Thiền Học được hình thành từ thế kỷ thứ VI và kể từ đó đã có không biết bao nhiêu vị thầy lỗi lạc kế tiếp nhau xuất hiện để triển khai học phái này, thế nhưng phải chờ đến thế kỷ XIII mới thấy xuất hiện một vị thiền sư khác thường và ngoại hạng là Đạo Nguyên (Dôgen, 1200-1253). Ông là một triết gia lớn của nước Nhật và cũng là một trong số những nhà tư tưởng lỗi lạc nhất trong lịch sử Phật Giáo. Thiết nghĩ có thể xem ông ngang hàng với Long Thụ (Nagarjuna) ở thế kỷ thứ II và Vô Trước ở thế kỷ thứ IV. Đấy là ba cột trụ to lớn và vững chắc nhất của triết học Phật Giáo. Tập Chánh Pháp Nhãn Tạng (Sôboghenzô) của ông là tập luận giải đồ sộ nhất và quan trọng nhất của Thiền Học. Có thể nói là hầu như toàn bộ tập luận này đều trực tiếp hay gián tiếp hướng vào chủ đích phân tích, tìm hiểu và khắc phục thời gian. Theo ông người ta có thể nhìn thấy được toàn thể vũ trụ trong một hạt bụi, tất nhiên là với điều kiện phải thấu triệt được bản chất của hạt bụi là gì.
Thời gian cũng thế, cũng chỉ có thể xác định được dưới một hình thức "khẳng định" hay "quyết định" (a determination) nào đó gọi là một "khoảnh khắc" (an instant), có nghĩa là thời gian không thể xác định được bên ngoài một khoảnh khắc. Khái niệm về một sự tiếp nối liên tục giữa quá khứ/hiện tại/tương lai là một sự lầm lẫn hoàn toàn. Chỉ có "giây phút" xảy ra trong một khoảnh khắc là thật mà thôi. Do đó, mỗi khoảnh khắc dù ngắn cách mấy đi nữa cũng biểu trưng cho toàn thể thời gian, không cần phải có một khoảnh khắc khác tiếp nối với nó, tương tự như một hạt bụi cũng có thể biểu trưng cho toàn thể thế giới trong thí dụ trên đây. Cũng xin ghi chú thêm là quan điểm của ông về thời gian mang nhiều khía cạnh gần với ngành Vật Lý Lượng Tử ngày nay và đã làm cho nhiều nhà vật lý phải thán phục. Trên phương diện triết học thì quan điểm của ông cũng rất gần với chủ thuyết hiện sinh (existentialism) và tư tưởng của một số triết gia cận đại của Tây Phương như: M. Heidegger (1889-1976), J.P. Sartre (1905-1980), M. Merleau-Ponty (1908-1961), v.v...
Khoảnh khắc xảy ra "tại nơi này và ở thời điểm này" phát sinh từ quá khứ, bao hàm và cất chứa toàn thể quá khứ kể từ lúc khởi thủy của thời gian, thế nhưng đồng thời khoảnh khắc xảy ra "tại nơi này và ở thời điểm này" cũng lại là một nhân tố có thể làm biến đổi được cả tương lai. Do đó dừng lại "tại nơi này và ở thời điểm này" chính là cách tạo ra một tiềm năng rất lớn có thể hóa giải được cái chết. Nói mộtcách cụ thể và đơn giản hơn là trong từng khoảnh khắc chúng ta phải buông xả hay buông bỏ tất cả, phải thật chú tâm vào những giây phút của hiện tại. Một mặt phải xả bỏ những hối tiếc của quá khứ, một mặt không tính toán hay cân nhắc gì cả về tương lai. Đấy chính là phép luyện tập để ứng phó với sự sống và cái chết theo học phái Thiền Học.
Phải chấp nhận rằng một khoảnh khắc dù là mới xảy ra đi nữa thì nó cũng đã đi vào quá khứ và sẽ chẳng bao giờ quay trở lại. Tất cả những gì thuộc quá khứ sẽ mãi mãi là quá khứ, hiện thực chính là "tại nơi này và ở thời điểm này". Nếu muốn giúp mình có thể sống trong khoảnh khắc của hiện tại thì phải loại bỏ tất cả mọi thứ tưởng tượng ô nhiễm nhằm ngăn cách mình với hiện thực và tách rời mình ra khỏi sự vận hành của vũ trụ. Vậy thì những thứ tưởng tượng ô nhiễm ấy là gì? Thật hết sức đơn giản, đấy là những tư duy mang bản chất bám víu. Một mặt chúng khiến cho ta cứ mãi mê hối tiếc quá khứ, một mặt thì chúng lại thúc đẩy ta tìm đủ mọi cách để nắm bắt tương lai! Tóm lại Thiền Học chủ trương sự giác ngộ phải đạt được "tại nơi này và ở thời điểm này" có nghĩa là trong kiếp sống này, trong ngày hôm nay, ở thời điểm mà người viết "đang" viết những dòng chữ này và người đọc cũng "đang" đọc những dòng chữ này.
Mặc dù cách trình bày trên đây đã khá cụ thể và đơn giản thế nhưng cũng vẫn còn khá lý thuyết. Vậy phải làm thế nào để sống và để chết "tại nơi này và ở thời điểm này"? Ngoài phép "tọa thiền" (zazen) còn gọi là "ngồi thiền" ra thì không còn có cách nào khác hơn. Tọa thiền theo Thiền Học là ngồi yên để tập trung tâm thần cực mạnh hướng vào thân xác và hơi thở, sự tập trung đó sẽ giúp cho tâm thức lắng xuống, không còn chạy theo để đuổi bắt các tư duy và xúc cảm liên tiếp hiện lên trong đầu để quấy rối mình nữa. Đấy là cách giúp mình dừng lại "tại nơi này và ở thời điểm này". Cảm nhận và thực hiện được thời gian vô biên trong từng khoảnh khắc một là cách tiếp cận tốt nhất với sự sống và cả cái chết, tức là cách không để cho khoảnh khắc hiện tại đang xảy ra biến thành bất cứ một sự phóng tưởng nào. Khoảnh khắc hiện tại tự nó đã là một sự viên mãn, tràn đầy và tuyệt đối, không cần phải ghép thêm vào đấy một sự tưởng tượng nào nữa.
Dù sao cũng phải hiểu rằng tọa thiền (zazen) không phải là cách nhằm tạo ra một thể dạng "phẳng lặng" nào cả. Điều đó không thể thực hiện được, bởi vì tư duy và xúc cảm luôn chuyển động, tâm thức thường xuyên ở trong một tình trạng chuyển đổi liên tục: có lúc ta cảm thấy khổ đau, có lúc tham dục dấy lên, có lúc sợ hãi xâm chiếm toàn bộ tâm thức mình, thế nhưng cũng có lúc hiện lên sự thanh thoát và trong sáng. Tọa thiền là cách giúp chúng ta quán thấy và ý thức được quy luật vô thường đang chi phối bên trong tâm thức của chính mình. Thế nhưng tọa thiền đồng thời cũng là cách giúp chúng ta không tự nhận diện mình với những thể dạng vô thường ấy để có thể quay về với bản chất đích thật của chính mình. Quán nhìn vào thân xác và từng hơi thở là một cách giúp mình ý thức được bản chất vô thường của chúng hầu mang lại cho mình một thể dạng an bình hơn. Cứ mỗi lần quay trở lại với thân xác và hơi thở là mỗi lần chúng ta tạo ra cho mình một thể dạng tâm thức mới, tươi mát và thanh thoát, vượt thoát khỏi sự chi phối của tư duy và các xúc cảm bấn loạn, tức là các thứ tưởng tượng rơi ra bên ngoài hiện thực. Thể dạng mới mẻ và tươi mát đó của tâm thức hiện ra mỗi khi chúng ta quay về với thân xác và hơi thở của mình chính là thể dạng niết-bàn.
Nếu thể dạng ấy xảy ra càng thường xuyên hơn thì niết-bàn cũng sẽ trở nên càng vững vàng hơn. Xao động hay an bình thì cũng chỉ là hai thể dạng tâm thần, cõi luân hồi hay niết-bàn thì cũng chỉ là hai thể dạng của tâm thức, tương tự như một tấm màn ảnh chiếu phim: một bên hiện lên đủ mọi thứ hình ảnh linh động, một bên chẳng có gì cả. Thế nhưng thông thường một số người tu hành lại không hiểu như thế, bởi vì một mặt thì họ kinh sợ thế giới luân hồi, một mặt thì ước mong phải đạt cho bằng được cõi niết-bàn. Sự ước mong đó tất sẽ tạo ra một sự ham muốn, và ham muốn hay ước vọng (aspiration) đều sẽ chuyển thành thèm khát (desire) thật dễ dàng. Thèm khát chính là nguyên nhân sâu xa nhất đưa đến sự tái sinh. Như thế có phải là ước vọng thực hiện được niết-bàn lại trở thành cách hướng vào thể dạng đối nghịch với nó hay không? Đấy chẳng khác gì như đi tìm ngôi sao Bắc Đẩu bằng cách hướng nhìn về phương Nam. Một khi đã quán thấy được bản chất đích thật của cõi luân hồi không mang một thực thể nào cả - có nghĩa là sự sống này và cả sự biến mất của nó cũng chỉ là vô thường - thì khi đó ta sẽ buông bỏ chúng một cách thật dễ dàng. Thế nhưng buông bỏ chúng lại là cách mở ra cho ta cánh cửa của niết-bàn.
Tóm lại sự chú tâm thật hết sức quan trọng. Nếu chú tâm thật mạnh vào thân xác và hơi thở thì chúng ta cũng sẽ buông xả cho tư duy và mọi thứ xúc cảm trong đầu trôi đi dễ dàng hơn. Nếu sức chú tâm càng mạnh thì nó lại càng khiến cho mọi thứ tưởng tượng tan biến đi nhanh chóng hơn và càng giúp cho sự buông xả được dễ dàng hơn. Thế nhưng bản chất của sự buông xả thật sự là gì? Đấy là trí tuệ! Buông xả là một thể dạng quán thấy sâu xa giúp mình nhận biết được tất cả những gì mà mình đang bám víu không mang một thực thể nào cả: "cái tôi" và cái "của tôi" - tức "cái ngã" - là vô thường, thân xác, tư duy và xúc cảm là vô thường, sự sống và cái chết là vô thường. Không có bất cứ thứ gì đáng để mình bám víu vào đấy. Buông xả không phải là một sự cố gắng, bởi vì càng cắn răng nhịn nhục và chịu đựng để buông xả thì lại là cách càng gây ra nhiều khổ đau cho mình hơn.
Buông xả phải là một thể dạng tự nhiên phát sinh từ trí tuệ. Thế nhưng trí tuệ không nhất thiết là thể dạng tâm thức chỉ có thể hiện ra trong khi tọa thiền (zazen) mà phải làm cho nó hiện ra bất cứ lúc nào trong cuộc sống thường nhật để phát huy và duy trì nó. Điều ấy có nghĩa là không được xao lãng và đánh mất một giây phút nào trong cuộc sống. Khi nhìn vào một người tu thiền chúng ta sẽ thấy ngay là họ lúc nào cũng có vẻ thanh thoát, tĩnh lặng và nhàn nhã, thế nhưng thật ra bên trong họ tàng ẩn một sức mạnh khác thường phát sinh từ sự chú tâm cực mạnh của họ, giúp họ xả bỏ được rất nhiều những gì mà người khác bám víu. Nhờ không bám víu nên phong thái của họ trở nên thật thanh thản. Nếu biết chú tâm trong từng khoảnh khắc đang xảy ra "tại nơi này và ở thời điểm này" cho đến những khoảnh khắc cuối cùng khi cái chết xảy đến với mình, thì cái chết cũng sẽ chẳng gây ra cho mình một chút tai hại hay bấn loạn nào cả.
Tóm lại là Thiền Học không quan tâm đến "quá trình vi mô" và cả "quá trình vĩ mô" của sự sống và cái chết như đã được trình bày trên đây, mà trái lại chỉ hướng vào việc tìm hiểu sự vận hành của tâm thức nhằm giúp tâm thức quay về với thể dạng nguyên sinh và tinh khiết nhất của nó hầu giúp nó thích ứng và hoà nhập với hiện thực và để trở thành hiện thực. Thế nhưng nếu suy xét thật kỹ thì đấy cũng chính là cách dừng lại để sống với từng đơn vị của dòng tri thức, tức là không tiếp nhận những gì từ đơn vị trước đó chuyển sang cho nó, cũng không chuyển sang cho đơn vị xảy ra sau đó những gì mà nó hiện đang có. Đó cũng là sự "đình chỉ" mô tả trong phép tu tập của Phật Giáo Theravada và cũng là sự hòa nhập vào ánh sáng trong suốt nêu lên bởi phép thiền định du-già của Kim Cương Thừa.
Để chấm dứt phân đoạn này xin mạn phép kể ra đây câu chuyện về cái chết của một thiền sư Nhật Bản là Suzuki Shosan. Sinh năm 1579 trong một gia đình võ sĩ đạo (samurai), ông phục vụ cho vị tướng quân Shogun Tokugawa Ieyasu, l&atild