Thịt lợn là loại thịt quen thuộc trong bữa cơm của mọi gia đình. Bên cạnh phần thịt thì xương lợn, da lợn, móng giò, nội tạng... đều có thể chế biến thành những món ăn thơm ngon, hấp dẫn, khiến bạn ăn không ngớt miệng. Tuy nhiên, có những bộ phận của con lợn bạn không nên ăn nhiều để tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Gan lợn
Gan lợn có thể được chế biến thành nhiều món ăn thơm ngon, hơn nữa còn rất giàu chất sắt, dễ hấp thu, chứa vitamin A cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển của trẻ. Bởi vậy, nhiều người thường xuyên chế biến gan cho trẻ nhỏ, người già, người ốm mà không biết rằng đây là bộ phận chuyển hóa và đào thải chất độc nên tập trung nhiều chất cặn bã, mầm bệnh cùng hàm lượng độc tố nhất định. Trong gan lợn còn có thể có nhiều ký sinh trùng như sán, virus gây bệnh.
Hơn nữa ăn quá nhiều gan lợn sẽ khiến vitamin A bị tích tụ, thậm chí gây ngộ độc. Với trẻ nhỏ, bổ sung quá nhiều vitamin A trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ gãy xương. Vì thế, dù thích thì bạn cũng chỉ nên ăn gan lợn mỗi tuần một lần để đảm bảo sức khỏe. Ngoài ra, khi mua gan nên lựa chọn gan có màu sắc tươi đặc trưng, không có đốm trắng, đỏ hay màu sắc bất thường. Trước khi chế biến, nên ngâm gan trong sữa tươi 30 phút để tẩy mùi hôi và giảm độc tố.
Lòng lợn
Lòng lợn luộc dai giòn sần sật là món khoái khẩu của không ít người. Tuy nhiên, lòng lợn cũng là bộ phận tiềm ẩn nguy cơ đe dọa sức khỏe của bạn. Lòng lợn (cả lòng non và lòng già) là nơi cư trú của các vi sinh vật, ký sinh trùng, vi khuẩn gây bệnh. Nếu không được chế biến cẩn thận, lòng lợn có thể gây ngộ độc thực phẩm. Bên cạnh đó hàm lượng chất béo trong ruột già của lợn khá cao, nếu tiêu thụ nhiều sẽ gây dư thừa năng lượng, dẫn đến béo phì và một số bệnh nguy hiểm khác như mỡ máu, tim mạch, rối loạn chuyển hóa…
Thận lợn
So với các cơ quan nội tạng khác, thận lợn (hoa thận) có hàm lượng selen cao hơn rất nhiều. Selen là một trong những khoáng chất vi lượng thiết yếu, có thể ngăn chặn những rối loạn chuyển hóa, làm chậm quá trình lão hóa và phòng chống một số bệnh mãn tính. Tuy nhiên, chất béo và cholesterol trong thận lợn cũng không phải là thấp. Vì vậy tốt nhất thỉnh thoảng bạn mới nên ăn và ăn có chừng mực.
Óc lợn
3/4 khối lượng của óc lợn là nước, không chứa chất bột đường, chất xơ, có khoảng 10% chất đạm, 10% chất béo nên mùi vị tự nhiên của nó rất thơm ngon, mềm mịn. Tuy nhiên, theo thống kê, cứ 100g óc lợn có tới 2500 mg cholesterol, tức là gấp 8 lần nhu cầu cholesterol của một người một ngày. Do đó, nếu ăn quá nhiều thực phẩm này rõ ràng không tốt cho cơ thể.
Như chúng ta đã biết, cholesterol cao là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các bệnh tim mạch, nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Chưa kể thành phần chất đạm trong óc lợn cũng chỉ có 9g/100g, thấp hơn rất nhiều so với các phần khác như thịt nạc.
Phổi lợn
Phổi lợn là nơi trao đổi không khí với bên ngoài nên có nhiều khả năng tích tụ bụi bẩn, chất độc hại mà lợn hít vào phổi mỗi ngày. Do đó khi ăn phổi lợn rất dễ nạp vào cơ thể nhiều bụi bẩn, kim loại nặng. Tất nhiên nếu chế biến đảm bảo vệ sinh và sức đề kháng tốt, người khỏe mạnh vẫn có thể ăn phổi lợn nhưng cũng không nên ăn nhiều. Người cao tuổi, trẻ nhỏ, người mắc bệnh mãn tính không nên ăn phổi lợn.
Chân giò
Chân giò chứa canxi, sắt, vitamin A, B, C, là những chất thiết yếu đối với các hoạt động sống của cơ thể. Bên cạnh đó thành phần chủ yếu của chân giò là protein, chất béo và chất keo protit. Song chất béo ở chân giò sẽ gây hại nếu ăn quá nhiều. Hơn nữa nạp nhiều chất béo còn khiến quá trình tiêu hóa gặp khó khăn, đặc biệt không tốt với người có dấu hiệu cholesterol tăng cao.
Minh Hoa (t/h)