Ngày 15/4, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) phối hợp với các đơn vị, chuyên gia trong ngành thực phẩm tổ chức tọa đàm Dòng chảy thị trường gia vị Việt.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng, trong các thế mạnh của nền kinh tế nông nghiệp nước ta có gia vị.
Thời gian qua, có sự cạnh tranh quyết liệt giữa các đơn vị làm gia vị trong nước với các công ty đa quốc gia và với các sản phẩm ngoại nhập. Đây là thị trường cạnh tranh có thể không dễ thấy ở bề mặt nhưng thực tế đầy quyết liệt và sống động.
“Thị trường gia vị, đặc biệt là tương ớt thay đổi liên tục, sản phẩm của công ty này vừa vượt lên, chỉ vài tháng sau lại có công ty khác vượt mặt. Điều này cho thấy, sự cạnh tranh quyết liệt, đồng thời cho thấy sự lớn mạnh của thị trường gia vị tại Việt Nam”, bà Hạnh dẫn chứng.
Theo chuyên gia thị trường Ngô Đình Dũng, Giám đốc điều hành Công ty Giải pháp Quản trị Tổng thể (ISM), gia vị là một thành phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại của người tiêu dùng. Con người thích ăn ngon hơn, ăn uống tinh tế hơn. Mặt khác, họ thích sự thuận tiện dễ dàng.
Thế nên, các loại gia vị đóng gói sẵn ngày càng phổ biến vì người tiêu dùng thích sự thuận tiện trong việc nấu nướng và ăn uống.
“Cách đây vài năm, các loại muối chấm trái cây vẫn chưa phổ biến nhưng nay đã rất phổ biến. Nếu chúng ta nghĩ gia vị là thành phẩm sẵn cho từng loại món ăn thì thị trường gia vị rất rộng lớn. Đặc biệt, với người Việt và người châu Á các khẩu vị ăn uống của họ rất tinh tế”, ông Dũng giải thích.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Vân Anh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại-Dịch vụ và Sản xuất Trí Việt Phát thông tin, hàng năm, Việt Nam xuất khẩu nhiều gia vị thô như quế, hồi, đinh hương, thảo quả… và có vị trí nhất định trên thị trường thế giới về một số mặt hàng gia vị.
Bà Vũ Kim Hạnh nêu vấn đề, đến nay không chỉ có gia vị, hầu hết các sản phẩm khác của Việt Nam chưa có thương hiệu trên thị trường thế giới. Vì không có thương hiệu nên giá bán chưa thể tương xứng với giá trị. Do đó, để thay đổi hiện trạng này, phải mất nhiều thời gian và đòi hỏi từng thương nhân và tất cả thương nhân cùng ý thức xây dựng.
“Nếu các thương nhân biết bắt tay với nhau thì chúng ta có thể quảng bá, làm thương hiệu cho một dải sản phẩm rất rộng, từ gia vị đến các loại nông sản, thực phẩm xuất khẩu”, bà Hạnh đề xuất.
Bà Hạnh kiến nghị, Nhà nước có thể dành ra một đội ngũ hùng hậu để nghiên cứu các loại gia vị và đưa ra thứ tự ưu tiên đầu tư cho một số gia vị. Chẳng hạn, hỗ trợ cho công ty mì gói, đồ khô, thực phẩm ăn liền của Việt Nam vì đây là một nguồn xuất khẩu rất lớn.
“Tôi theo dõi thấy, những sản phẩm này đang có những rào cản rất vô lý, Nhà nước cần nhanh chóng tháo gỡ và có chính sách hỗ trợ kịp thời để ngành thực phẩm cũng như ngành gia vị có thể bay xa, xâm nhập thị trường thế giới”, bà Hạnh nói.
Các chuyên gia cũng đồng tình rằng, trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu và độ mở sâu rộng của nền kinh tế Việt Nam mà để cung ứng sản phẩm vào doanh nghiệp FDI hay chuỗi cung ứng của doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đa quốc gia thì doanh nghiệp Việt phải thay đổi quản trị công ty, vận hành quy trình sản xuất...
Doanh nghiệp bắt buộc phải xây dựng đội ngũ lao động, tích lũy nguồn lực, đầu tư công nghệ... theo tiêu chuẩn quốc tế mới có thể mở cửa chào đón khách hàng công nghiệp đến tham quan, khảo sát và tìm kiếm đơn hàng xuất nhập khẩu.