Huế làm gì để bảo tồn di sản trước “làn sóng” phát triển đô thị?

Huế làm gì để bảo tồn di sản trước “làn sóng” phát triển đô thị?

Thứ 4, 18/12/2024 07:00

Một trong những thách thức lớn nhất của Huế khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đó chính là đảm bảo hài hoà giữa việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa với xu hướng phát triển kinh tế trong bối cảnh “làn sóng” đô thị hoá mạnh mẽ.

"Cái khó của Huế"

Là một thành phố với 8 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của thế giới, cùng gần 1.000 di tích lịch sử, có thể khẳng định rằng, Huế là vùng đất có chiều sâu văn hoá, di sản, kết tinh nhiều giá trị của nền văn minh nhân loại, giàu bản sắc. Sự kiện Quốc hội thông qua Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương vào ngày 30/11/2024 đã trở thành cột mốc lịch sử, đánh dấu sự phát triển toàn diện của vùng đất Cố đô.

Tuy nhiên, trên hành trình phát triển ấy, có nhiều khó khăn Thừa Thiên-Huế phải đối mặt và cần phải giải quyết. Đặc biệt là việc cân bằng giữa bảo tồn di sản và phát triển đô thị.

Huế làm gì để bảo tồn di sản trước “làn sóng” phát triển đô thị?- Ảnh 1.

Hạ tầng đô thị Huế đang ngày càng phát triển.

Như PGS.TS Nguyễn Văn Mạnh, nguyên Tổ trưởng chuyên môn khoa Lịch sử, Trường đại học Khoa học - đại học Huế, từng nhận định, cái khó của Huế là ở chỗ, nó là thành phố du lịch nên vừa phải chú trọng quy hoạch trùng tu, bảo tồn, vừa quy hoạch phát triển văn minh đô thị. Nếu không chú trọng phát triển mạnh mẽ công nghiệp, thương mại, dịch vụ… thì văn minh hiện đại của đô thị sẽ bị hạn chế; nhưng chú trọng đến mức bỏ qua các yếu tố bảo tồn ở đô thị du lịch như Huế thì cũng là điều không nên.

Về vấn đề này, trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, cũng cho rằng, để Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, có nhiều vấn đề cần phải giải quyết, nhưng một trong những thách thức lớn nhất đó chính là đảm bảo hài hoà giữa việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa với xu hướng phát triển kinh tế trong bối cảnh phát triển đô thị. Không chỉ vậy, việc tuyên truyền, giáo dục ý thức cho người dân về tầm quan trọng của việc bảo tồn di sản, văn hóa cũng là một thách thức.

Huế làm gì để bảo tồn di sản trước “làn sóng” phát triển đô thị?- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thừa Thiên-Huế nêu quan điểm, định hướng phát triển Huế là trên cơ sở những nét đặc thù về lịch sử, văn hóa, cảnh quan kiến trúc của mô hình thành phố trực thuộc Trung ương, phát triển theo hướng hài hòa, bền vững, giảm áp lực dân cư tập trung vào đô thị, hạn chế can thiệp, ảnh hưởng đến các di tích và cảnh quan kiến trúc truyền thống...

“Quá trình phát triển của Huế luôn phải cân nhắc giữa bảo tồn di sản và phát triển đô thị. Vì vậy, Huế sẽ luôn đẩy mạnh công tác kêu gọi đầu tư để phát triển kinh tế, song luôn kiên định mục tiêu phát triển gắn với việc giữ gìn cảnh quan môi trường và bảo tồn các giá trị di sản, văn hóa, mặc dù điều này làm hạn chế một phần đến việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Câu chuyện về Huế không chỉ là việc trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, mà còn là hành trình tìm kiếm một mô hình phát triển bền vững, nơi di sản văn hóa được bảo vệ và phát huy trong sự phát triển hiện đại”, ông Nguyễn Văn Phương nhấn mạnh.

Biến thách thức thành động lực phát triển

Trước câu hỏi làm thế nào để cân bằng, hài hoà giữa bảo tồn di sản và phát triển đô thị, biến thách thức thành động lực phát triển trong thời gian tới?

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cho rằng, trong quá trình phát triển, tỉnh đã luôn chú trọng đến công tác quy hoạch phát triển đô thị. Theo đó, quá trình xây dựng định hướng phát triển các quy hoạch có liên quan đã định hình và xác định rõ các không gian phát triển, phân định rõ khu vực dồn nén đô thị, không gian bảo vệ cảnh quan, không gian bảo vệ di sản và các khu vực tập trung phát triển các khu chức năng (khu du lịch, khu công nghiệp, khu vực phát triển nông nghiệp,…); với các bài toán quy hoạch cụ thể đã xây dựng được các khu vực không gian đô thị không làm ảnh hưởng đến các khu vực có di tích, việc này nhằm đảm bảo sự phát triển đồng bộ giữa bảo tồn di sản và xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại.

Huế làm gì để bảo tồn di sản trước “làn sóng” phát triển đô thị?- Ảnh 3.

Quá trình phát triển của Huế luôn phải cân nhắc giữa bảo tồn di sản và phát triển đô thị.

Ngoài ra, trên cơ sở định hình về phương án quy hoạch và kịch bản phát triển, tỉnh đã huy động tối đa các nguồn vốn để đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng đô thị theo hướng hiện đại; trong đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, có tác động lan tỏa, kết nối, tạo không gian, động lực phát triển mới như: tuyến đường bộ ven biển, đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt qua sông Hương, đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài, Đường vành đai 3,... Tập trung hoàn thành Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng Khu vực I Kinh thành Huế, các dự án chỉnh trang đô thị,… Đồng thời, tăng cường huy động các nguồn lực phát triển KT-XH, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ, du lịch - công nghiệp - nông nghiệp phù hợp với các lợi thế của địa phương, trong đó, xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, công nghệ thông tin và truyền thông là đột phá, công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao là nền tảng.

Nâng cao hiệu quả liên kết phát triển vùng; mở rộng hợp tác và quan hệ đối ngoại phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; củng cố vị thế là trung tâm văn hóa lớn và đặc sắc của cả nước.

Nói về công tác bảo tồn di sản, ông Nguyễn Văn Phương cho hay, tỉnh tập trung đầu tư một số công trình dự án trùng tu, bảo tồn di tích Cố đô Huế, di tích xuống cấp nghiêm trọng; tổ chức các lễ hội văn hóa truyền thống; tăng cường hợp tác với tổ chức quốc tế và chuyên gia để áp dụng các phương pháp bảo tồn tiên tiến. Chú trọng vào phát triển ngành công nghiệp văn hóa nhằm thu hút khách du lịch mà không làm tổn hại đến các di sản.

Huế làm gì để bảo tồn di sản trước “làn sóng” phát triển đô thị?- Ảnh 4.

Huế làm gì để bảo tồn di sản trước “làn sóng” phát triển đô thị?- Ảnh 5.

Điện Thái Hoà sau khi hoàn thiện trùng tu đã rất thu hút du khách về tham quan.

Các chương trình giáo dục cộng đồng về bảo tồn văn hóa đã được triển khai và tiếp tục tăng cường hơn nữa nhằm nâng cao ý thức của người dân về tầm quan trọng của di sản và cách thức bảo tồn.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Phương, để thực hiện mục tiêu phát triển Huế theo hướng trở thành đô thị hiện đại, văn minh, thân thiện, cởi mở chào đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tỉnh sẽ ưu tiên mọi nguồn lực đầu tư cho mục tiêu bảo tồn và phát huy có hiệu quả các giá trị di sản Cố đô, bản sắc văn hóa Huế - con người Huế một cách bền vững, theo hướng “bảo tồn đi liền với phát triển”; phát huy bản sắc văn hóa Huế, con người Huế; tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, an toàn và thân thiện để thu hút nguồn lực đầu tư phát triển bền vững; khai thác các giá trị văn hóa, di sản để phát triển du lịch dịch vụ. Ưu tiên nguồn lực địa phương và huy động nguồn lực xã hội hóa thực hiện công tác bảo tồn di sản, công nghiệp văn hóa, tổ chức các hoạt động lễ hội, sự kiện văn hóa nghệ thuật có quy mô tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Đồng thời, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ và chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa.

“Nhờ vào các giải pháp này, Huế sẽ không chỉ bảo tồn được giá trị văn hóa mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế, tạo ra một mô hình phát triển hài hòa giữa hiện đại và truyền thống”, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế khẳng định.

Lê Kông

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.