Tào Tháo là một nhà chính trị, nhà quân sự, nhà văn hóa vĩ đại trong lịch sử Trung Quốc. Ông cũng là nhân vật gian hùng số một trong Tam quốc diễn nghĩa, được học giả các đời tranh luận nhiều nhất.
Phần lớn ấn tượng không mấy tốt đẹp của hậu thế về Tào Tháo là chịu ảnh hưởng từ cuốn tiểu thuyết chương hồi Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, vốn là một nhà văn có tinh thần “Ủng Lưu phản Tào” (ủng hộ họ Lưu, công kích họ Tào). Ở đó, Tào Tháo được khắc họa như là một gian hùng, chiếm quyền đoạt vị, gây nhiều tội ác.
Tuy nhiên, Tam Quốc diễn nghĩa chỉ là một tác phẩm văn chương, xây dựng từ một phần sử liệu cũ và tài năng nhào nặn hình tượng nghệ thuật của tác giả. Nếu xét kỹ từ trong các sách sử, người ta thấy có một Tào Tháo khác hẳn, dường như đối lập hoàn toàn với những gì lâu nay người đời vẫn lầm tưởng. Ông là một người đa tính cách khi thì độc ác, tàn nhẫn, thù dai nhưng cũng có lúc lại khoan dung, độ lượng và rơi lệ vì người khác, ngay cả đối với người từng phản bội mình như Trần Cung, Tào Tháo cũng rất coi trọng và không quên lời đã hứa.
Trần Cung (?-199) tự Công Đài là người Đông Quận (thuộc Duyện Châu, nay là phía nam huyện Tân, Sơn Đông). Sách Điển lược mô tả ông là người tráng liệt cứng cỏi.
Thời trẻ, ông là người có tiếng, những kẻ sĩ nổi danh trong nước đều đến kết giao. Khi loạn lạc nổi ra, Trần Cung lúc đầu theo Tào Tháo vào khoảng năm 190. Công lao nổi bật nhất của Trần Cung lúc dưới trướng Tào Tháo là lấy được Duyện Châu (phía tây tỉnh Sơn Đông ngày nay) bằng con đường giao thiệp, thu phục được mấy chục vạn quân mà không mất một mũi tên hòn đạn. Có thể nói, quan hệ của hai người lúc đó vô cùng thân thiết. Trần Cung còn hy vọng cùng Tào Tháo làm nên nghiệp bá vương.
Tào Tháo làm thứ sử Duyện Châu, mang quân sang Từ Châu (phía bắc Giang Tô ngày nay) đánh Đào Khiêm vì cho rằng Đào Khiêm gây ra cái chết của cha mình là Tào Tung. Năm 194, thấy Tào Tháo tàn sát nhiều người vô tội ở Từ Châu, Trần Cung thất vọng về Tào Tháo nên quyết định bỏ họ Tào theo Lã Bố.
Tam quốc chí của Trần Thọ chép rằng, do sinh lòng ngờ vực, Trần Cung nhân lúc Tào Tháo mải mê đánh Từ Châu, đã phản bội Tào Tháo và đầu quân cho Lã Bố. Tào Tháo buộc phải bỏ Từ Châu quay về chống Lã Bố. Sau một thời gian dài bị bao vây, cuối cùng Lã Bố hết lương và bị đánh bật ra khỏi Duyện Châu, phải chạy sang Hạ Bì (nay là Bi Châu), thủ phủ của Từ Châu và xin Lưu Bị che chở.
Năm 198, Lã Bố bị đại quân Tào Tháo vây khốn mấy tháng trời ở Hạ Phì. Lã Bố phải đầu hàng nhưng cũng bị Tào Tháo xử tử.
Trần Cung cũng bị bắt sống. Tào Tháo hỏi ông nên xử lý thế nào. Trần Cung đáp rằng: “Ta là thần mà lại bất trung, là con mà lại bất hiếu, theo lý thì phải bị đưa ra pháp trường”. Tào Tháo nuối tiếc mà rằng: “Ngươi chết rồi, mẹ già của ngươi phải làm sao?”.
Trần Cung thở dài thườn thượt, nói: “Ta nghe nói rằng những người định lấy hiếu trị vì thiên hạ thì sẽ không giết cha mẹ của người khác. Mẹ già của ta sống hay chết, chỉ có thể do ngài định đoạt, ta đã không thể quyết định được nữa rồi!”.
Tào Tháo lại hỏi: “Thế thì vợ ngươi, con trai ngươi phải làm thế nào?”. Trần Cung đáp: “Ta nghe nói người định dùng nhân trị vì thiên hạ sẽ không làm hại vợ và con cái, không tuyệt diệt đời sau của người khác. Vợ và con của ta sống hay chết, cũng chỉ có thể do ngài quyết định”. Tào Tháo nghe xong, yên lặng không nói thêm lời nào.
Một lúc sau, Trần Cung lại yêu cầu: “Xin hãy lôi ta ra và xử tử để làm gương cho quân pháp!”. Nói xong Trần Cung tự mình chạy phăm phăm ra ngoài, binh sĩ cản thế nào cũng không thể ngăn nổi ông. Tào Tháo không biết phải làm thế nào, chỉ biết nắm tay lại mà rằng:
“Ngươi yên tâm, mẹ già của ngươi cũng như mẹ già của ta, ta nhất định sẽ thay ngươi nuôi dưỡng và tiễn đưa bà lúc lâm chung!”. Tào Tháo chảy nước mắt, lặng lẽ theo sau đưa tiễn. Lúc này Trần Cung vẫn cứ bước đi thẳng, cũng chẳng ngoảnh đầu nhìn lại thêm lần nào.
Sau khi Trần Cung chết, Tào Tháo không quên lời hứa của mình. Ông cử người đón mẹ già của Trần Cung về phụng dưỡng mãi cho tới khi bà qua đời. Con cái của Trần Cung sau khi trưởng thành cũng đều được Tào Tháo lo chuyện hôn sự. Sự quan tâm, chăm sóc của Tào Tháo với người nhà Trần Cung còn chu đáo hơn cả khi Trần Cung còn sống. Chuyện này không chép trong Tam quốc chí, mà chép trong Lã Bố truyện, Bùi Tùng Chi dẫn trong sách Điển lược.
Trong phim Tam quốc diễn nghĩa 2010 được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn La Quán Trung, nói rằng Tào Tháo hành thích Đổng Trác không thành, bèn lên ngựa ra roi chạy thẳng, muốn trở về quê. Trên đường đi qua huyện Trung Mâu ở Tiêu quận, Tào Tháo bị Trần Cung huyện lệnh Trung Mâu bắt giam. Khi vào nhà lao thăm Tào Tháo, ông có cảm tình với họ Tào vì lòng trung với nhà Hán trừ gian thần Đổng Trác, nên Trần Cung treo ấn từ quan, thả và bắt đầu đi theo Tào Tháo.
Ngay trên đường trốn chạy, Tào Tháo và Trần Cung được một người quen là Lã Bá Sa đối đãi rất hậu. Nhưng với bản tính đa nghi của mình, Tháo đã giết cả nhà Lã Bá Sa trước khi biết rằng, tiếng mài dao và lời đối thoại dưới bếp "trói vào rồi mới giết" của gia nhân là nói về việc thịt lợn (trong lúc Tào Tháo và Trần Cung ngủ trong phòng). Trên đường trốn chạy, hai người lại gặp Lã Bá Sa đi mua rượu trở về. Trong lúc Trần Cung đang hoảng sợ không biết tính sao thì Tào Tháo giả vờ tiến đến chào hỏi rồi rút kiếm, giết luôn Lã Bá Sa. Lời giải thích với Trần Cung về hành động dã man này trở thành câu nói nổi tiếng của Tào Tháo: "Ta thà phụ người chứ không để người phụ ta" khiến Trần Cung thất vọng sâu sắc vì đã từng tin phục Tào Tháo trước đây.
Tuy nhiên, nhiều sử gia xác định việc giết Lã Bá Sa không có mặt Trần Cung và sử không chép rõ viên huyện lệnh Trung Mâu có phải Trần Cung hay không.
Video: Cuộc đối thoại của Tào Tháo và Trần Cung trong nhà lao.
Quốc Tiệp