Tôn Sách (175-200) tự Bá Phù, người Phú Dương, gốc Chiết Giang. Ông là con trai trưởng của Trường Sa thái thú Tôn Kiên, anh trai Tôn Quyền. Tôn Sách được biết đến là một viên tướng và là một lãnh chúa trong thời kỳ cuối nhà Đông Hán và thời kỳ đầu Tam quốc trong lịch sử Trung Quốc.
Trong Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, Tôn Sách được mô tả anh dũng khác người, không kém gì Tây Sở Bá vương Hạng Vũ, nên được gọi là Tiểu Bá Vương.
Tam quốc chí của sử gia Trần Thọ thời nhà Tây Tấn đánh giá: “Tôn Sách là bậc thiếu niên hào kiệt, dũng mãnh hơn người, mưu lược toàn tài, có chí nhất thống thiên hạ".
Tôn Sách là mãnh tướng "có khí thế của Tiểu Bá Vương", nhưng tính tình nóng vội, năm 200, khi Tào Tháo đang có trận đánh quyết định với Viên Thiệu tại trận Quan Độ, Sách dường như đã có kế hoạch tấn công trung tâm quyền lực của Tào Tháo ở Hứa Xương. Tuy nhiên, ông đã bị ám sát trong một cuộc đi săn. Lúc sắp qua đời, ông nhận thức được rằng con trai mình vẫn còn quá nhỏ để kế vị, vì thế ông giao lại quyền hành cho người em mới 18 tuổi là Tôn Quyền, mới cho gọi Tôn Quyền đến trối rằng: “Cử quân Giang Đông, quyết mưu giữa hai trận đánh, tranh giành thiên hạ, khanh không bằng ta, dùng người hiền tài để họ hết lòng gìn giữ Giang Đông, ta không bằng khanh”.
Tiêu diệt thuộc hạ làm phản
Tôn Sách qua đời, Tôn Quyền tiếc thương cho cái chết của anh trai đến nỗi không thể ngưng khóc, nhưng rồi theo lời khuyên của Trương Chiêu, ông mới mặc quân phục và đến thăm hỏi các tướng cũ của trưởng huynh. Nhiều thuộc hạ nghĩ rằng Tôn Quyền còn quá bé để kế thừa đại nghiệp và muốn rời đi. Đặc biệt, Lý Túc, người nắm giữ Lư Giang, đã về hàng Tào Tháo. Tôn Quyền viết lá thư cho Tào Tháo kể tội ác của Lý Túc, rồi đem quân đánh Lý Túc, lấy lại Lư Giang.
Việc Tôn Quyền mạnh tay xử lý Lý Túc khiến cho nhiều thuộc hạ khác lo sợ không dám có ý hai lòng, việc này cũng thể hiện được sự quyết đoán và bản lĩnh lãnh đạo của ông.
Trương Chiêu và Chu Du nhìn ra được tố chất của vị chủ công trẻ tuổi và quyết định tiếp tục theo phò tá Tôn Quyền. Trương Hoành, người mà Tôn Sách trước đó đã cử đến làm quan ở chỗ Tào Tháo, cũng trở về phục vụ cho Tôn Quyền. Theo đề nghị của Trương Hoành, Tào Tháo, nhân danh Hán hoàng, phong cho Tôn Quyền làm Thảo Lỗ tướng quân, một danh hiệu mà nhiều người gọi ông trong một thời gian dài.
Trọng dụng các nhân tài để củng cố thế lực
Tôn Quyền kính cẩn vâng theo những lời giáo huấn của mẫu thân là Ngô thị, về mặt chánh trị ông rất tin tưởng Trương Chiêu và Trương Hoành và về các vấn đề quân sự ông luôn tin Chu Du, Trình Phổ, và Lã Phạm. Tôn Quyền cũng tìm kiếm những người trẻ tuổi có tài làm cố vấn cho mình, trong thời gian đó đã kết giao cùng Lỗ Túc và Gia Cát Cẩn, hai người này cũng đóng vai trò quan trọng trong chánh quyền về sau. Thêm vào đó, Lục Tốn, Bộ Chất, Cố Ung, Thị Nghi, Nghiêm Tuấn... cũng trở thành những người dưới quyền ông.
Qua nhiều năm, Tôn Quyền chủ yếu quan tâm đến việc bảo vệ lãnh địa trước sự nhòm ngó của các kẻ thù tiềm năng, nhưng ông cũng dần tìm cách quấy rối và làm suy yếu cấp dưới của Lưu Biểu, Hoàng Tổ (người trấn giữ vùng đất trọng yếu đông bắc của Lưu Biểu) – vì cớ Tổ là người đã giết hại cha ông trong chiến trận. Năm 208, ông cuối cùng đã đánh bại và giết được Hoàng Tổ. Không lâu sau đó, Lưu Biểu chết giữa lúc Tào Tháo chuẩn bị nam hạ nhằm tiêu diệt hai kẻ thù là Lưu Biểu và Tôn Quyền.
Sách Giang Biểu truyện mô tả về tướng mạo và tính cách của Tôn Quyền:
Tôn Quyền má vuông miệng lớn, mắt có ánh sáng, Tôn Kiên thấy lạ, cho là có tướng quý. Đến lúc Tôn Kiên chết, Tôn Sách nổi dậy ở Giang Đông, Tôn Quyền thường đi theo. Suy nghĩ sáng suốt, có nhân lại quyết đoán, ưa hiệp khách, nuôi kẻ sĩ, bắt đầu được biết tiếng, sánh ngang với cha anh. Hễ cùng tham gia mưu tính, Tôn Sách rất cho là kì, tự cho mình không theo kịp. Hễ mời họp tân khách, thường ngoảnh bảo Tôn Quyền rằng: "Các vị ấy là tướng của ngươi đấy”.
Trong một lần sứ giả nhà Hán là Lưu Uyển khi gặp qua 4 anh em họ Tôn thì nhận định tuy rằng họ là những người có tài năng và sáng suốt nhưng không có phúc hưởng, chỉ duy nhất có người ở giữa (chỉ Tôn Quyền) là tướng đại quý, tuổi thọ lâu dài mà thôi. Quả nhiên về sau Tôn Sách bị thích khách ám sát mà chết, Tôn Dực cũng bị thuộc hạ giết hại khi tuổi đều còn rất trẻ.
Video: Chu Du và các đại thần bái lạy Tôn Quyền lên kế vị Tôn Sách.
Quốc Tiệp (t/h)